Theo Thông báo số 176 - TB/VPTU ngày 27-5, lãnh đạo TP đánh giá cao những đóng góp của HSU vào sự nghiệp giáo dục của TP.HCM, nhất là lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong 10 năm qua.
Thành ủy, UBND TP.HCM luôn ủng hộ, đồng tình với HSU về định hướng hoạt động theo loại hình trường ĐH không vì lợi nhuận. Việc quyết định trường hoạt động theo loại hình trường ĐH tư thục không vì lợi nhuận hay không thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) HSU theo đúng quy định của pháp luật.
Để được công nhận là trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, đề nghị HSU thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục quy định tại điều lệ trường ĐH ban hành kèm theo Quyết định số 70/QĐ-TTg ngày 10-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương xây dựng đề án trình Bộ GD&ĐT thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Giao Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM chỉ đạo UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành liên quan xem xét, hỗ trợ HSU thực hiện việc tổ chức, quản lý hoạt động của nhà trường theo đúng quy định của pháp luật; trên cơ sở bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM, tham mưu UBND TP xem xét việc công nhận HĐQT HSU được bầu bổ sung ngày 2-8-2014 theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 28-4, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên y án sơ thẩm, buộc HSU phải trả đủ cổ tức theo tỉ lệ cổ phần mà hai công ty cổ đông là I-Connect và Co-Ordinate đang nắm giữ lần lượt là 26,5% và 7,38%. Như vậy, đồng nghĩa với việc ĐHĐCĐ bất thường của HSU ngày 2-8-2014 đã đủ số biểu quyết theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, sau phiên tòa, cả HĐQT HSU và nhóm cổ đông đều có kiến nghị lãnh đạo Thành ủy TP.HCM xem xét vụ việc.
Ngày 25-5, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã chủ trì buổi làm việc trực tiếp để giải quyết vụ việc tranh chấp tại HSU trong thời gian qua với sự tham dự của UBND TP.HCM, đại diện HĐQT đương nhiệm, đại diện cổ đông, Sở Tư pháp, Sở GD&ĐT, đại diện Bộ GD&ĐT để đi đến kết luận nêu trên.
UBND TP.HCM chưa công nhận HĐQT được bầu bồ sung ngày 2-8-2014 Ngày 5-5-2016 của ông Nguyễn Trung Đức, thành viên HĐQT Trường ĐH Hoa Sen nhiệm kỳ 2012-2017, đề nghị công nhận nghị quyết đại hội cổ đông bất thường năm 2014 của Trường ĐH Hoa Sen. Theo nội dung công văn trên, ông Nguyễn Trung Đức đề nghị UBND TP.HCM công nhận nghị quyết đại hội cổ đông bất thường ngày 2-8-2014 của trường với các lý do: số cổ đông và cổ đông có quyền biểu quyết tại đại hội công đông bất thường năm 2014 chiếm tỉ lệ 70,08%. Sở GD&ĐT cũng nhận được các thư kiến nghị của Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng và một số cổ đông đề nghị UBND TP.HCM, Sở GD&ĐT tạm thời không ra bất kỳ quyết định nào có liên quan đến quyền biểu quyết với tư cách cổ đông Trường ĐH Hoa Sen. Do đó, ngày 19-5, Sở đã có công văn gửi Tòa án nhân dân TP.HCM đề nghị tòa án cung cấp bản án phúc thẩm để minh chứng pháp lý cho việc tham mưu UBND TP.HCM giải quyết các vấn đề của Trường ĐH Hoa Sen. Theo báo cáo của Sở GD&ĐT gởi UBND TP, việc công nhận HĐQT được bầu tại đại hội cổ đông bất thường năm 2014 của Trường ĐH Hoa Sen theo điều lệ trường ĐH, quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục và quyết định 63/2011 của Thủ tướng Chính phủ là không phù hợp với quy định hiện hành. |