Em trai tôi tháng trước điều khiển giao thông vi phạm bị CSGT tước giấy phép lái xe máy. Vừa qua, em trai tôi tiếp tục bị CSGT phạt vì bị tước giấy phép lái xe nhưng vẫn lái xe.
Xin hỏi, trường hợp đã bị tước giấy phép lái xe nhưng vẫn lái xe thì bị xử phạt thế nào?
Bạn đọc Trần Thị Nga (TP.HCM)
Luật sư Đinh Văn Lương, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời: Theo nội dung anh/chị nêu, em trai của anh/chị đã điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (xe máy) theo quy định tại khoản 17, 18 Điều 3 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính và còn áp dụng hình thức phạt bổ sung “tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe” đã vi phạm theo quy định tại khoản 10 Điều 6 và Điều 81 Nghị định số 100/2019 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021).
Như vậy, việc em trai của anh/chị điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ để tham gia giao thông trong thời gian đang bị cơ quan chức năng tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe đối với loại phương tiện đang điều khiển trên là vi phạm quy định tại khoản 9 Điều 8, điểm b khoản 2 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và khoản 4 Điều 81 Nghị định số 100/2019 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021): Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, nếu cá nhân, tổ chức vẫn tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì bị xử phạt như hành vi không có giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Tùy từng trường hợp, hành vi vi phạm trên có thể sẽ bị xử lý theo quy định tại điểm a khoản 5, điểm b khoản 7 Điều 21 Nghị định số 100/2019 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021). Cụ thể, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô không có giấy phép lái xe hoặc sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp…