Biển Đen - giáp với Ukraine, Nga và ba nước thành viên NATO ngày càng trở thành một tâm điểm căng thẳng về quân sự và địa chính trị, nhất là sau khi Moscow quyết định chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc vào tháng 7, theo tờ The New York Times.
Vùng biển chiến lược Nga muốn kiểm soát
Sau khi tuyên bố dừng thỏa thuận ngũ cốc, Nga tiếp tục phong tỏa Biển Đen, đe dọa bất kỳ tàu nào di chuyển đến các cảng Ukraine sẽ bị coi là tàu quân sự và bị nhắm mục tiêu.
Các tàu chiến Nga tích cực tuần tra và dội tên lửa vào các thành phố, cảng biển, kho chứa ngũ cốc Ukraine, nhất là các cơ sở ở TP cảng Odessa. Nga tấn công cảng ở thị trấn Reni, trên sông Danube thuộc Ukraine, phá hủy một kho chứa ngũ cốc.
Biển Đen (Black Sea) và các quốc gia giáp vùng biển này. Ảnh: THE NEW YORK TIMES |
Điều đáng nói, địa điểm trên sông Danube này nằm sát biên giới Romania - thành viên NATO và đây là lần đầu tiên Nga tấn công vào địa điểm này, làm dấy lên lo ngại rằng cuộc chiến NATO - Nga có nguy cơ bùng nổ.
Trong nhiều năm, Moscow đã tìm cách tăng cường ảnh hưởng quanh Biển Đen. Nga đầu tư mạnh vào việc phát triển các cảng biển và thành phố nghỉ dưỡng, củng cố sức mạnh quân sự tại các căn cứ hải quân trong khu vực.
Các cảng Biển Đen dọc theo vùng nước ấm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại quanh năm. Biển Đen được ví như là một giao lộ địa chính trị giúp Nga triển khai sức mạnh ở châu Âu, Trung Đông và xa hơn nữa.
Kiểm soát Biển Đen có thể coi là một mục tiêu chiến lược của Nga và đó là một trong những lý do Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, theo giới quan sát.
Đến năm 2022, chỉ ít lâu sau khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt, lực lượng Nga đã tấn công các tàu dân sự và cảng Ukraine dọc theo bờ biển.
Kể từ đó, Moscow đã kiểm soát 3 cảng lớn của Ukraine, đồng thời rải mìn trên vùng Biển Đen, vô hiệu hóa Hải quân Ukraine và phong tỏa vận tải biển với các dân sự đến và đi từ tất cả các cảng do Ukraine kiểm soát.
Cuộc chiến giành quyền kiểm soát Biển Đen có tác động đối với thị trường năng lượng toàn cầu và nguồn cung cấp lương thực thế giới. Cạnh đó, điều này cũng sẽ đặt ra những thách thức mới cho NATO trong việc tìm cách duy trì vị trí trung tâm của luật pháp quốc tế - tự do hàng hải trên biển, mà không kéo liên minh trực tiếp vào xung đột với Nga.
Ukraine nỗ lực khắc chế Nga ở Biển Đen
Gần đây, Ukraine đã triển khai những chiếc thuyền không người lái, chở theo khối lượng lớn chất nổ, bí mật tấn công các cảng và các tàu Nga. Dù không công khai nhận trách nhiệm nhưng Ukraine bị Nga hết lần này đến lượt khác cáo buộc tấn công tàu và các cơ sở hạ tầng của Nga.
Chẳng hạn, chỉ trong 3 ngày liên tiếp, đã có 3 vụ thuyền không người lái, nghi của Ukraine tấn công Nga.
Ngày 4-8, Nga tố Ukraine tấn công vào các tàu hải quân Nga ở cảng Novorossiysk, khiến tàu đổ bộ Olenegorsky Gornyak bị chìm một phần. Ngày hôm sau, Nga nói Ukraine tấn công tàu dầu Nga SIG khiến tàu này hư hại. Ngày 6-8, Nga tiếp tục cáo buộc Ukraine tấn công tên lửa làm hư hại cây cầu đường bộ Chonhar nối bán đảo Crimea với đất liền.
Sau đó, ngày 7-8, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky cảnh báo nếu Nga tiếp tục tấn công các cảng Ukraine trên Biển Đen thì Ukraine sẽ đánh trả và Nga sẽ không còn tàu nào đến khi chiến tranh kết thúc, hãng thông tấn Ukrinform đưa tin.
Hồi tháng 10-2022, Ukraine cũng đã sử dụng thuyền không người lái để tấn công hạm đội hải quân Nga. Vào thời điểm đó, người ta còn nghi ngờ về độ tác chiến hiệu quả của thuyền tự lái Ukraine, nhưng gần đây, thiết bị này đã chứng tỏ sức mạnh khi tấn công vào các tàu, căn cứ Nga.
“Tầm nhìn của chúng tôi dựa trên nhu cầu thay thế các nguyên tắc 'khối lượng và sức mạnh' của Nga bằng các nguyên tắc 'chất lượng' và ‘năng lực cần thiết' của phương Tây” - Đô đốc Neizhpapa, chỉ huy hải quân Ukraine cho biết.
Một hình ảnh vệ tinh do tập đoàn ảnh vệ tinh Planet Labs công bố cho thấy một tàu chiến Nga bị hư hại gần cảng Novorossiysk (Nga) vào ngày 4-8. Ảnh: PLANET LABS PBC/AP |
Ông PW Singer - chuyên gia về chiến tranh thế kỷ 21 của tổ chức nghiên cứu New America (Mỹ) - cho rằng Ukraine đang có những thành công từ thuyền không người lái thế hệ mới đã được cải tiến rất nhiều, theo The New York Times.
Trong vòng chưa đầy một năm, ông Singer đánh giá những chiếc xuồng không người lái thô sơ đã phát triển thành những chiếc thuyền lớn hơn, nhanh hơn, tàng hình hơn và có thể mang theo nhiều chất nổ hơn.
Theo ông Singer, tiến độ chế tạo xuồng không người lái của Ukraine nhanh chóng gần giống như Thung lũng Silicon chế tạo công nghệ.
Các nhà sản xuất thuyền không người lái cho biết nó được thiết kế cho nhiều nhiệm vụ, từ giám sát đến chiến đấu. Nó có thể di chuyển với tốc độ khoảng 77 km/giờ và có tầm hoạt động lên đến 450 hải lý. Ở phạm vi đó, một thuyền không người lái có thể xuất phát từ cảng Odesa và có thể tới căn cứ hải quân Nga ở TP Novorossiysk, nơi Ukraine tấn công vào ngày 4-8.
“Ngòi nổ” xung đột Nga - NATO
Vùng biển này cũng quan trọng không kém đối với NATO. Ba nước thành viên NATO - Thổ Nhĩ Kỳ, Romania và Bulgaria, giáp với Biển Đen, với bốn cảng quan trọng và 5 quốc gia đối tác của NATO cũng nằm trong khu vực này, gồm Armenia, Azerbaijan, Georgia, Moldova và Ukraine.
Ở vùng trời Biển Đen, các máy bay giám sát và máy bay không người lái (UAV) NATO và đồng minh bay trên vùng biển quốc tế, thu thập thông tin tình báo giúp Ukraine chống lại Moscow. Trong khi đó, Nga cũng triển khai nhiều máy bay thực hiện nhiệm vụ giám sát, phòng không ở phía trên Biển Đen.
Gần đây NATO đã tăng số lượng các chuyến giám sát và tuần tra trên không, như liên minh đã công bố sau cuộc họp thứ hai của Hội đồng NATO-Ukraine vào ngày 26-7.
Bất chấp mong muốn của NATO là tránh đối đầu trực tiếp với Nga, nguy cơ xảy ra sự cố ngoài tầm kiểm soát tại Biển Đen đã tăng lên trong một số thời điểm.
Đơn cử, vào tháng 3, chiến đấu cơ Su-27 Nga đã va vào cánh quạt của UAV trinh sát MQ-9 Reaper của Mỹ khiến chiếc UAV này rơi xuống biển. Vụ việc xảy ra ở vùng biển quốc tế, cách bán đảo Crimea 120 km và đây là lần va chạm đầu tiên giữa lực lượng thuộc quân đội Mỹ và Nga.