Bình Dương: 1 phiên tòa sơ thẩm có 2 bản án với phán quyết khác nhau

(PLO)- Cùng một phiên tòa dân sự nhưng TAND TP Thuận An (Bình Dương) có đến hai bản án với phán quyết khác nhau, do cùng một thẩm phán chủ tọa phiên tòa ký tên, đóng dấu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 11-7, TAND tỉnh Bình Dương đưa ra xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp tài sản chung, tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, kiện đòi tài sản giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Ngọc, bị đơn là ông VHS (đã mất năm 2018; người thừa kế, có nghĩa vụ tố tụng là vợ và hai người con của ông S).

Trong vụ án này có 37 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, trong đó có Công ty TNHH Xây dựng và kinh doanh địa ốc TVM (quận Bình Thạnh, TP.HCM, gọi tắt là Công ty TVM).

Tuy nhiên, HĐXX TAND tỉnh Bình Dương đã hoãn xử do nguyên đơn yêu cầu hoãn. Lý do bà Ngọc xin hoãn là đơn khiếu nại của bà gửi đến chánh án TAND TP Thuận An chưa được giải quyết. Theo bà Ngọc, trong vụ án này, tòa sơ thẩm đã ban hành hai bản án với... hai phán quyết khác nhau, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của bà.

Vụ kiện từ 17 năm trước

Theo hồ sơ, năm 2007, bà Ngọc đi kiện với yêu cầu chia đều mảnh đất 1.500 m2 của gia tộc cho ba người gồm bà, ông VHS và một người khác. Bà Ngọc yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông VHS và Công ty TVM, đồng thời yêu cầu ông VHS trả lại một phần số tiền di dời mộ mà Công ty TVM đã đưa cho ông VHS.

1 phiên tòa sơ thẩm có 2 bản án
Bà Nguyễn Thị Ngọc đã theo đuổi vụ kiện ròng rã suốt gần 17 năm. Ảnh trong bài: KHẢ DOANH

Bà Ngọc cũng cho biết UBND TP Thuận An đã có quyết định hủy sổ hồng mà ông VHS được cấp vào năm 2005. Những cán bộ liên quan đều đã bị xử lý kỷ luật vì cấp sổ hồng này sai quy định.

Năm 2018, TAND TP Thuận An xử sơ thẩm đã có phán quyết đối với vụ kiện này nhưng bà Ngọc không đồng ý nên kháng cáo. Tháng 8-2019, TAND tỉnh Bình Dương xử phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của bà Ngọc, hủy án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho TAND TP Thuận An để xét xử lại.

Tháng 12-2019, TAND TP Thuận An thụ lý lại vụ án này. Lãnh đạo tòa đã phân công thẩm phán Nguyễn Từ Minh Toàn nghiên cứu hồ sơ, giải quyết sơ thẩm (lần hai).

Sau khi hòa giải không thành, nhiều lần hoãn phiên tòa, đến tháng 3-2022, thẩm phán Toàn đưa vụ án ra xét xử.

hai bản án (3).JPG
Một vụ án do cùng một thẩm phán xét xử nhưng có đến hai bản án có phán quyết hoàn toàn
khác nhau.

Sau đó, thẩm phán Toàn đã ban hành Bản án số 14/2022/DS-ST ngày 4-4-2022, tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Ngọc, hủy hợp đồng chuyển nhượng giữa ông VHS và Công ty TVM, chia đều mảnh đất thành ba phần cho các bên liên quan đến việc thừa kế.

Do thời điểm này không có ai kháng cáo, kháng nghị nên bản án trên có hiệu lực pháp luật. Sau khi được tòa tống đạt bản án, bà Ngọc làm thủ tục để chia đất và làm sổ hồng. Chi cục Thi hành án dân sự TP Thuận An cũng đã ra quyết định thi hành án.

Xuất hiện bản án thứ hai có phán quyết khác

Tuy nhiên, việc làm sổ hồng của bà Ngọc bị chựng lại vì có Công văn số 09/TA-VP ngày 17-1-2024 của TAND TP Thuận An. Công văn này yêu cầu tạm ngưng việc thi hành án với lý do “thủ tục tố tụng chưa đảm bảo, chưa thực hiện việc tống đạt hợp lệ bản án cho các đương sự trong vụ án, để họ thực hiện quyền kháng cáo theo quy định”.

Cơ quan chức năng đã vào cuộc

Để tìm hiểu rõ hơn, PV báo Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với các cơ quan tố tụng TP Thuận An và tỉnh Bình Dương.

Đại diện TAND TP Thuận An chỉ cho biết hiện toàn bộ hồ sơ vụ kiện của bà Ngọc đã được chuyển lên TAND tỉnh để xem xét, giải quyết; trong đó có cả các vấn đề liên quan đến thẩm phán Toàn.

Về phía VKSND TP Thuận An, theo bà Trần Thị Lý Loan - Phó Viện trưởng, vụ việc đang được VKSND tỉnh tiến hành xác minh, làm rõ nên chưa thể cung cấp thông tin cho báo.

Ông Ngô Văn Minh, Chánh Văn phòng TAND tỉnh Bình Dương, cũng cho biết chưa thể trả lời báo ngay. TAND tỉnh sẽ kiểm tra và phản hồi bằng văn bản.

PV cũng đã gửi văn bản nêu các vấn đề nói trên đến VKSND tỉnh và đang chờ phản hồi từ cơ quan này.

Cũng theo công văn này, vào ngày 16-1-2024, Công ty TVM có đơn kháng cáo đề nghị hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm số 14/2022/DS-ST ngày 4-4-2022.

Sau khi nhận được Công văn số 09/2024 của TAND TP Thuận An, bà Ngọc yêu cầu được sao chụp tài liệu của vụ án theo quy định. “Lúc này tôi mới biết cùng vụ án này nhưng hồ sơ vụ án còn có một bản án sơ thẩm khác với phán quyết gần như trái ngược với bản án mà tôi có. Bản án sơ thẩm thứ hai này có số 89/2022/DS-ST ngày 29-9-2022” - bà Ngọc cho biết.

Theo bản án thứ hai mà bà Ngọc đưa ra thì HĐXX chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Ngọc, đình chỉ yêu cầu về việc chia tiền bồi thường và tiền di dời mồ mả, không chấp nhận yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng giữa ông VHS và Công ty TVM, buộc phía bị đơn chia tài sản chung cho nguyên đơn và những người có liên quan.

Hai bản án sơ thẩm đều do thẩm phán Nguyễn Từ Minh Toàn ký ban hành, có cùng nội dung khởi kiện, cùng tên các đương sự và những người tham gia tố tụng khác nhưng nội dung trong phần nhận định và quyết định lại khác nhau.

Hệ quả là sau đó bà Ngọc đã kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm số 89/2022/DS-ST ngày 29-9-2022, còn Công ty TVM kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm số 14/2022/DS-ST ngày 4-4-2022.

Thẩm phán qua đời, nhiều câu hỏi đặt ra

Được biết thẩm phán Nguyễn Từ Minh Toàn đã qua đời vào tháng 11-2023, để lại vụ án chưa giải quyết xong với hàng loạt câu hỏi đang được đặt ra:

Trong hai bản án sơ thẩm nói trên, bản án nào được ban hành đúng trình tự thủ tục, đúng ngày tháng năm đưa ra xét xử? Bản án nào có giá trị pháp lý? Vì sao cả hai bản án đều có đóng dấu án có hiệu lực pháp luật?

Theo quy định thì sau ngày 30-9 hằng năm, bản án sẽ được lưu kho nếu có hiệu lực pháp luật. Vậy Bản án sơ thẩm số 89/2022/DS-ST ngày 29-9-2022 được ban hành từ khi nào mà lãnh đạo TAND TP Thuận An không biết? Việc quản lý con dấu của TAND TP Thuận An ra sao khi cả hai bản án sơ thẩm với phán quyết khác nhau đều được đóng dấu của tòa? VKS hai cấp đã nhận được mấy bản án? Trong vụ án này, VKS cử kiểm sát viên nào tham gia phiên tòa, vào ngày tháng năm nào, kết quả xét xử ra sao?

Đặc biệt, hướng khắc phục hậu quả tới đây của ngành tòa án tỉnh Bình Dương sẽ như thế nào? Có dư luận cho hay không chỉ riêng vụ kiện của bà Ngọc mà trong nhiều vụ án khác, thẩm phán Toàn cũng ban hành các phán quyết khác nhau tương tự?

Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin tới bạn đọc.

Bản án số 89 gây bất lợi cho tôi

Tôi chỉ nhận được duy nhất Bản án số 14 mà không hề hay biết còn tồn tại Bản án số 89 có phán quyết bất lợi cho tôi. Ngoài việc phán quyết trái ngược nhau hoàn toàn thì phần đầu của hai bản án cũng khác nhau về ngày xét xử.

Theo Bản án số 14 thì ngày xử là: Ngày 31-3 và 4-4-2022; còn theo Bản án số 89 thì ngày xử là: Ngày 26 và 29-9-2022.

Tôi chỉ tham gia tại phiên tòa xét xử ở trụ sở TAND TP Thuận An (Bình Dương) vào ngày 31-3 và 4-4-2022. Còn ngày xét xử ghi tại Bản án số 89 thì tôi hoàn toàn không biết và cũng không tham gia phiên tòa.

NGUYỄN THỊ NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm