Đại tá Đinh Kim lập, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, Phó Ban Chỉ đạo tỉnh về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, vừa có báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm sáu tháng đầu năm 2023 (từ tháng 12-2022 đến tháng 6-2023).
Công an Bắc Bình đọc lệnh bắt giam một cán bộ địa chính xã. Ảnh: PĐ |
Theo đó, tội phạm về trật tự xã hội được kiềm chế, giảm sâu, xảy ra 256, làm chết tám người, bị thương 62 người, tài sản bị xâm hại hơn10 tỷ đồng vụ (so với sáu tháng đầu năm 2022, giảm 38 vụ).
Trong đó, tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra 36 vụ (tăng năm vụ so với cùng kỳ năm 2022), tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng xảy ra 220 vụ (so với cùng kỳ năm 2022 giảm 43 vụ).
Cụ thể, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội được kiềm chế, nguyên nhân chủ yếu là do ghen tuông hoặc do mâu thuẫn bộc phát trong sinh hoạt hàng ngày.
Tội phạm cố ý gây thương tích vẫn xảy ra chủ yếu là do mâu thuẫn cá nhân từ trước hoặc bộc phát nhất thời. Ngoài ra, một số địa phương nổi lên tình hình các nhóm thanh thiếu niên hẹn nhau trên mạng, tụ tập, sử dụng hung khí giải quyết mâu thuẫn (Phan Thiết, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân...).
Tội phạm trộm cắp tài sản vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm (chiếm 44,53%), thủ đoạn gây án phần nhiều là cạy cửa đột nhập hoặc lợi dụng chủ sở hữu sơ hở, mất cảnh giác để lấy tài sản.
Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng (7/3 vụ), nổi lên là tình trạng người nước ngoài đến tiệm vàng đổi tiền VNĐ sang USD, sau đó đánh tráo số tiền trên rồi chiếm đoạt…
Hai người nước ngoài đánh tráo chiếm đoạt 70.000USD của 1 tiệm vàng ở Phan Thiết rồi bỏ trốn. Ảnh: PĐ |
Tệ nạn xã hội mà cụ thể là hoạt động mại dâm được tổ chức thông qua đường dây gái gọi hoặc sự dẫn mối của tài xế taxi, xe ôm, lễ tân, phục vụ phòng ở các khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, thủ đoạn núp bóng dưới các dịch vụ karaoke, massage... với tổ chức khá chặt chẽ, gây nhiều khó khăn cho quá trình bóc gỡ.
Hoạt động đánh bạc dưới các hình thức xóc đĩa, đá gà... diễn ra ở hầu hết các địa bàn, nhưng đối tượng tiếp tục lợi dụng địa hình rừng núi đi lại khó khăn, khu vực giáp ranh giữa các địa phương, khu vực ven biển... để tổ chức với quy mô nhỏ, linh hoạt, thường xuyên thay đổi thời gian, địa điểm gây nhiều khó khăn cho công tác trinh sát, đấu tranh triệt phá.
Tình trạng đánh bạc (lô, đề, cá độ bóng đá, game bài trực tuyến...) diễn ra khá công khai, song công tác đấu tranh triệt phá gặp nhiều khó khăn, chưa đạt hiệu quả cao, phát hiện, bắt giữ 223 vụ/1.064 đối tượng đánh bạc và tổ chức đánh bạc (đã khởi tố để điều tra).
Cơ quan điều tra đang khám nghiệm điều tra vụ án tại Bình Thuận. |
Vi phạm, tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra trên nhiều lĩnh vực, trong đó các đối tượng lợi dụng sự buông lỏng trong quản lý để tổ chức nghiệm thu, thanh quyết toán khối lượng công trình cao hơn so với thực tế, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Công tác quản lý đất đai của các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh nhìn chung còn nhiều sơ hở, thiếu sót, tồn tại, phát hiện tội phạm liên quan việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xảy ra ở một số địa phương.
Tình hình vi phạm về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản diễn biến phức tạp, nhất là tại các địa bàn giáp ranh.
Đã phát hiện, xử lý 314 vụ/334 đối tượng vi phạm, tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (so với cùng kỳ năm 2022: tăng 70 vụ, 73 đối tượng). Khởi tố 18 vụ/33 bị can, xử lý vi phạm hành chính 228 vụ/251 đối tượng với số tiền hơn 1 tỷ đồng…
Từ đầu năm đến nay Công an tỉnh đã mở các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT và các chuyên đề về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy và phòng chống mua bán người...
Tội phạm về trật tự xã hội được kiềm chế, giảm 38 vụ so với cùng kỳ năm 2022; điều tra, làm rõ 224/256 vụ phạm tội về TTXH (đạt 87,5%).
Trong đó, tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đã làm rõ 33/36 vụ (đạt 91,66%).
Nguyễn Văn Thuật, người chồng giết chết vợ hờ rồi tạo hiện trường giả vừa bị bắt sau 3 tháng điều tra. Ảnh: PĐ |
Tăng cường lãnh đạo, đấu tranh quyết liệt với tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, môi trường, ma túy đạt được nhiều kết quả tích cực.…
Tuy nhiên, từng lúc, từng nơi, tình hình ANTT vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều sơ hở, thiếu sót, buông lỏng; các biện pháp phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ chưa được phát huy đúng mức.
Tội phạm về TTXH tuy giảm những số tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng tăng so với cùng kỳ năm 2022, một số loại tội phạm còn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm như trộm cắp tài sản (chiếm 44,53%), cố ý gây thương tích (chiếm 19,92%) .
Tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, môi trường, ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng còn tiềm ẩn phức tạp, đặc biệt là công tác quản lý, giáo dục các đối tượng nghiện ma túy, ngáo đá tại địa bàn cơ sở còn nhiều khó khăn, bất cập.
Thậm chí còn nhiều trường hợp đối tượng có Quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng chưa thi hành được chủ yếu do Cơ sở cai nghiện quá tải.
Một số bộ phận cán bộ, nhân dân còn mất cảnh giác, sơ hở hoặc chưa thực sự chủ động, tích cực tham gia tố giác tội phạm...