Bloomberg: Giàu lo suy thoái, nghèo lo vỡ nợ

(PLO)- Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày càng tăng, hãng tin Bloomberg dẫn cảnh báo của nhiều chuyên gia kinh tế ngày 12-7.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hai nguyên nhân chính dẫn đến rủi ro này, theo các nhà kinh tế là tình trạng thiếu khí đốt và lạm phát cao kỷ lục.

Nguy cơ suy thoái đã tăng từ 20% trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine (dẫn đến việc phương Tây trừng phạt Nga gây hệ lụy giảm dòng năng lượng của Nga sang châu Âu, chủ yếu đến Đức) lên 45% hiện tại.

“Chúng tôi giả định một cuộc suy thoái dựa trên việc phương Tây cấm vận dầu Nga và ảnh hưởng của giá đầu vào cao đối với ngành công nghiệp. Kinh tế Đức đang tăng trưởng chậm lại và xu hướng rõ ràng là đi xuống” - ông Erik-Jan van Harn, chiến lược gia tại Công ty dịch vụ tài chính Rabobank (Hà Lan), nói với Bloomberg.

Theo các nhà phân tích, lạm phát khu vực Eurozone đang tăng cao và với đà tăng giá như hiện tại thì Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ không dễ kéo lạm phát quay về mức mục tiêu 2% vào năm 2024.

Khu vực đồng euro “có khả năng bước vào một cuộc suy thoái nhẹ trong nửa cuối năm nay nhưng điều này sẽ không đủ sức kéo nhu cầu xuống để đưa lạm phát trở lại mục tiêu, khiến ECB sẽ phải tăng lãi suất dần dần”, chuyên gia kinh tế James Rossiter tại Ngân hàng đầu tư và cung cấp dịch vụ tài chính TD Securities (Canada) dự đoán.

Trong khi đó, nhiều nền kinh tế mới nổi như El Salvador, Ghana, Ai Cập, Tunisia và Pakistan có thể sẽ phải hứng làn sóng vỡ nợ lịch sử khi núi nợ trị giá 250 tỉ USD gây áp lực nặng lên các nền kinh tế này, Bloomberg dẫn cảnh báo của nhiều chuyên gia.

“Với các quốc gia có thu nhập thấp, rủi ro nợ và khủng hoảng nợ không còn là giả thuyết. Chúng tôi khá chắc chắn về điều này” - chuyên gia kinh tế trưởng Carmen Reinhart tại Ngân hàng Thế giới chia sẻ với Bloomberg.

Trong sáu tháng qua, số lượng quốc gia mới nổi gặp khó khăn trong xử lý nợ chính phủ đã tăng gấp đôi, tới mức các nhà đầu tư tin rằng khả năng vỡ nợ là có thật.

Một nguyên nhân khác gây ra mối lo ngại lớn được cho là xuất phát từ “hiệu ứng domino” tiềm tàng, thường xảy ra khi các nhà đầu tư sợ hãi bắt đầu rút tiền ra khỏi các quốc gia có vấn đề về kinh tế. Hồi tháng 6, các nhà giao dịch đã rút 4 tỉ USD từ trái phiếu và cổ phiếu của thị trường mới nổi, đánh dấu tháng thứ tư liên tiếp không có dòng tiền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm