Bỏ án tử ở tội nào?

Tại tổ thảo luận của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM, ĐB Lê Đông Phong cho rằng có quy định trách nhiệm hình sự với pháp nhân thì cũng không chế tài gì mạnh mẽ hơn. “Chỉ có thể xử về kinh tế thôi chứ không thể bỏ tù công ty. Mà chế tài này thì quy định hiện hành có rồi, chỉ cần hoàn thiện hơn thôi”.

Xử hình sự pháp nhân: Cần thống kê, đánh giá

Tuy nhiên, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (Phó Chánh án TAND TP.HCM) lại có quan điểm khác. Theo ông Ánh, các biện pháp hành chính, dân sự, kinh tế hiện rất khó điều tra làm rõ được những vi phạm nghiêm trọng của pháp nhân. Vì vậy cần thiết nghiên cứu để có cách đưa chế tài hình sự, kèm theo là thủ tục tố tụng hình sự vào những vụ việc mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm.

Tại tổ thảo luận của Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, ĐB Nguyễn Văn Pha cũng cho rằng hình sự hóa trách nhiệm pháp nhân là cần thiết. “Nhưng đây là vấn đề rất mới, để thuyết phục QH, ban soạn thảo dự án luật nên thống kê, đánh giá xem từ khi có BLHS năm 1999 tới nay, bao nhiêu vụ việc pháp nhân vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà xử lý hành chính, kinh tế lại bó tay” - ông Pha góp ý.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đang lý giải về việc sửa BLHS lần này. Ảnh: N.NHÂN

Tranh cãi về tội danh bỏ án tử hình

Về hình phạt tử hình, các lần sửa đổi, bổ sung BLHS thời gian qua đã giảm từ gần 50 tội danh xuống chỉ còn trong 22 tội. Nay Chính phủ đề nghị giảm tiếp với bảy tội: Cướp tài sản; phá hủy công trình quan trọng, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh; vận chuyển trái phép chất ma túy. Đồng thời, Chính phủ cũng đề xuất thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình đối với một số trường hợp đặc biệt, chẳng hạn người phạm tội từ đủ 70 tuổi.

Đa số ĐBQH ủng hộ về chủ trương bỏ bớt án tử hình nhưng bỏ trong tội nào thì có ý kiến khác nhau. ĐB Trần Du Lịch không đồng tình việc bỏ án tử hình trong tội sản xuất thực phẩm, thuốc giả. “Muốn có cây ngay là phải uốn. Trong điều kiện Việt Nam là phải uốn bằng luật răn đe” - ông góp ý. Tương tự, ĐB Lê Đông Phong phản đối bỏ tử hình với tội cướp tài sản vì cho rằng đây là tội nguy hiểm, cần hình phạt nghiêm khắc nhất mới đủ răn đe.

Nên giảm hình phạt tù?

ĐB Trần Văn Độ (nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương) lại cho rằng trong lần sửa BLHS này không chỉ nên bỏ bớt hình phạt tử hình mà cũng nên cân nhắc giảm bớt hình phạt tù.

“Nếu cứ phạt thật nặng là hết tội phạm thì thời trung cổ, phong kiến hà khắc thế sao vẫn còn tội phạm? Tôi cho rằng điều quan trọng với chúng ta hiện nay phải là mọi hành vi vi phạm, tội phạm phải được phát hiện, xử lý theo đúng mức mà nó đáng ra phải xử. Chứ như tham nhũng, luật quy định tử hình đấy nhưng có mấy khi phát hiện được vụ lớn đâu” - ông Độ nói.

Một đề xuất rất mới khác của Chính phủ là mở ra hướng để luật chuyên ngành có thể quy định về tội phạm. ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp) băn khoăn: “Cái này nhiều nước theo nhưng mà họ khác ta. BLHS của họ chỉ quy định những gì cơ bản, còn lại để luật chuyên ngành. Còn ta từ trước đến nay đã đưa hết tội phạm ở nhiều lĩnh vực khác nhau vào BLHS rồi. Với lại, cứ để trong một luật thì dễ áp dụng hơn chứ trình độ thẩm phán hạn chế, có nơi luật sửa rồi vẫn lấy luật cũ ra xử, giờ lại mở ra, quy phạm hình sự rải rác ở các luật khác nhau thì rất lo”.

Ông Cường cũng đề nghị ban soạn thảo dự thảo cho biết quan điểm về khung hình phạt. Bởi dư luận lâu nay cho rằng khung hình phạt trong BLHS hiện hành quá rộng, thẩm phán dễ tùy tiện áp dụng, dễ tiêu cực.

Dùng án lệ để chống tùy tiện trong lượng hình?

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (ĐBQH tỉnh Quảng Bình) đã giải thích một số vấn đề mà thảo luận đặt ra.

Theo ông Cường, khi bàn về trách nhiệm hình sự pháp nhân, Chính phủ cũng muốn đánh giá sâu hơn về hiệu quả của việc áp dụng chế tài hành chính nhưng có khiếm khuyết là chúng ta chưa xây dựng được hệ dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính. “Mới đây có đầu mối theo dõi rồi nhưng mới chung chung thôi. Cái này đang cố khắc phục”.

Về vấn đề giảm án tử hình, ông Cường cho rằng không nền tư pháp nào chính xác 100% cả. Tử hình rồi mà phát hiện oan thì không cách nào khắc phục. Hiến pháp mới vừa qua đã nhấn mạnh quyền con người, quyền được sống. Vậy nên chăng sửa BLHS, bỏ bớt tử hình đi, thay bằng tù chung thân không giảm án.

Về câu hỏi khung hình phạt rộng hay hẹp, ông Cường cho biết cơ quan soạn thảo “bàn mãi rồi, thu hẹp nữa sẽ bó tay cơ quan xét xử”. “Chống việc tùy tiện trong lượng hình thì chỉ có cách áp dụng án lệ. Như thế mới cá thể hóa được những trường hợp cụ thể. Còn khung hình phạt phải đủ rộng thì mới đáp ứng nhu cầu muôn hình vạn trạng của công tác đấu tranh trấn áp tội phạm” - ông Cường nói.

Về chủ trương để luật chuyên ngành có thể quy định về tội phạm, ông Cường giải thích không hề copy kinh nghiệm nước ngoài. Giải pháp Chính phủ đề xuất là vẫn quy định thật cụ thể, chi tiết trong BLHS. Chỉ khi nào làm luật chuyên ngành thấy thực sự cần thiết, cấp bách cần bổ sung tội danh, hình phạt thì dùng luật chuyên ngành sửa luôn BLHS. Đây chủ yếu là vấn đề kỹ thuật, dùng một luật để sửa nhiều luật nhằm giảm bớt thủ tục, thời gian như cách làm lâu nay là sửa một điều trong bất cứ luật nào cũng phải lập ban soạn thảo, tổng kết, dự thảo, trình, thẩm tra...

BLHS lần này sửa đổi lớn nên Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề nghị QH cho phép công bố lấy ý kiến nhân dân, đồng thời kéo dài việc thảo luận trong ba kỳ họp QH thay vì chỉ hai kỳ như quy trình bình thường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm