Ông Hyun Bang Shin, giảng viên Trường Kinh tế London, cho biết việc Trung Quốc bãi bỏ chính sách một con là một hệ quả tất yếu bởi quốc gia này thời gian qua đã có xu hướng nới lỏng và thay đổi chính sách dân số. Tuy nhiên, hiệu quả của quyết định này còn phải chờ thời gian giải đáp. Việc Trung Quốc đưa ra chính sách hai con vào thời điểm này được đánh giá là quá muộn màng. Bắc Kinh giờ đây đang phải đau đầu trước bài toán dân số.
Một xã hội đầy “nam tính”
Số liệu công bố tháng 2-2015 của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, dẫn lại bởi tờ China Daily (Trung Quốc), cho biết hiện số lượng nam giới tại Trung Quốc nhiều hơn nữ giới khoảng 33 triệu người. Tỉ lệ giới tính trẻ sơ sinh năm 2014 là 115,88 bé trai/100 bé gái khiến Trung Quốc bị đánh giá là một trong những nước mất cân bằng giới tính nhất thế giới. Ước tính đến những năm 2030-2045 sẽ có gần 20% nam giới Trung Quốc không thể cưới được vợ. Số lượng đàn ông Trung Quốc trưởng thành không thể kiếm được vợ ngày một đông. Ước tính nửa cuối thế kỷ 21, số lượng đàn ông độc thân của quốc gia này sẽ tăng mạnh, từ 40 đến 50 triệu người.
Nhiều chuyên gia lo ngại những chỉ số nhân khẩu học “thiếu lành mạnh” này sẽ ảnh hưởng xấu đến sự ổn định của xã hội Trung Quốc trong tương lai. Sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại với những bất cập nội tại mà chính quyền ông Tập Cận Bình vẫn chưa tìm ra cách giải quyết. Tờ The Washington Post bình luận nếu nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai bước vào giai đoạn suy thoái, dân số Trung Quốc với đặc tính nam giới áp đảo sẽ phản ứng lại một cách tiêu cực. Những nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh sẽ phải “đau đầu” tìm cách duy trì trật tự xã hội và niềm tin của người dân.
Sự mất cân bằng về giới tính tại Trung Quốc khi kết hợp cùng các nhân tố bất ổn khác như tình trạng đối xử bất công giữa người làm công thôn quê và thành thị sẽ góp phần làm gia tăng tình trạng bất ổn xã hội tại nước này. Hệ quả là số lượng các băng nhóm tội phạm có tổ chức, tình trạng bạo lực xã hội, chủ nghĩa dân tộc tiêu cực, các mạng lưới mại dâm và nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em ngày một gia tăng khó kiểm soát. Những viễn cảnh này đã buộc chính quyền Trung Quốc bãi bỏ chính sách một con.
Li Yan đang mang thai đứa con thứ hai. Gia đình của cô là một trong những hộ đầu tiên được cấp giấy phép cho sinh thêm con thứ hai trong đợt nới lỏng chính sách một con năm 2013. Ảnh: REUTERS
Gánh nặng cho tương lai
Theo tờ The New York Times, quyết định kết thúc chính sách một con kéo dài hơn ba thập niên, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đang lo sợ dân số ngày một già đi nhanh chóng sẽ đe dọa đến sự tăng trưởng kinh tế của nước này. Sau 35 năm thực hiện chính sách một con, Trung Quốc đã đặt mình vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về nhân khẩu học. Quốc gia có dân số đông nhất thế giới này đang bị mất cân bằng về độ tuổi lao động và giới tính với quá nhiều nam giới, quá nhiều người già và quá ít người trẻ tuổi.
Theo số liệu của kênh truyền hình khoa học National Geographic, hiện nay cứ năm người Trung Quốc trưởng thành phải nuôi dưỡng một người về hưu. Hãng Bloomberg cho biết số lượng người đủ độ tuổi lao động tại Trung Quốc đã bắt đầu giảm từ năm 2012. Nghiên cứu năm 2013 của Viện Paulson (Mỹ) cũng ước tính mỗi người hưu trí tại Trung Quốc đến năm 2050 sẽ chỉ có một người ở độ tuổi lao động hỗ trợ các chi phí phúc lợi xã hội. Trong tương lai, số lượng lao động bị suy thoái của Trung Quốc sẽ phải nuôi dưỡng một thế hệ người về hưu khổng lồ.
Ủy ban Sức khỏe và Kế hoạch gia đình Quốc gia của Trung Quốc tuyên bố: “Việc bãi bỏ chính sách một con sẽ gia tăng nguồn cung nhân lực và giảm sức ép về dân số già. Điều này sẽ có ích cho việc duy trì và phát triển kinh tế”. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn hoài nghi chính sách này có thể kích thích dân số Trung Quốc tăng tốc trở lại và phải mất thêm vài thập niên nữa mới có khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng của nước này.
Số lượng trẻ em trai tại Trung Quốc hiện đang đông hơn số bé gái. Tỉ lệ mất cân bằng giới tính tại Trung Quốc thuộc hàng cao nhất thế giới. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Đến lúc cho thì dân không muốn
Theo Bloomberg, thực tế là những gia đình ở nông thôn từ lâu đã sinh hai con hay thậm chí là nhiều hơn. Trong khi những gia đình trong các đô thị, với chi phí sinh sống đắt đỏ, có vẻ không muốn sinh thêm con nữa. Trang The Shanghaiist cho biết đại đa số các gia đình trung lưu ở Trung Quốc sẽ không đủ khả năng chi trả mức phí khá lớn khi sinh thêm con thứ hai. Giá cả đối với những dịch vụ và sản phẩm dành cho trẻ em tại các thành phố của Trung Quốc rất cao. Theo ghi nhận của tờ The New York Times, mức phí cho trẻ đi học mẫu giáo tại vùng thành thị có thể lên đến gần 220 USD/tháng.
Theo The New York Times, Trung Quốc thật ra đã nới lỏng chính sách một con từ năm 2013, cho phép các gia đình sinh thêm con thứ hai nếu như vợ hoặc chồng là con một. Tuy nhiên, có nhiều cặp vợ chồng đạt tiêu chuẩn quyết định từ chối sinh con thứ hai. Trước một xã hội Trung Quốc với tính cạnh tranh quá khốc liệt hiện nay, nhiều người lo ngại đối mặt với quá nhiều áp lực về tiền của để nuôi dưỡng con ăn học khôn lớn, thành tài.
Ông Mu Guangzong, giảng viên nhân khẩu học tại ĐH Bắc Kinh, trả lời tờ The New York Times: “Tôi không cho rằng sẽ có nhiều gia đình ở Trung Quốc sinh thêm con, đặc biệt trước mức chi phí nuôi dưỡng con cái hiện rất cao”. Hãng tin ABC News cho biết tính đến tháng 1-2015 chỉ mới có 30.000 gia đình tại Bắc Kinh đăng ký sinh thêm con thứ hai. Trong một cuộc khảo sát trực tuyến của trang tin Sina (Trung Quốc), trong số 164.106 lượt phản hồi thì có đến 48% khẳng định sẽ không sinh thêm con và 28% phải chờ tăng thu nhập thì mới nghĩ đến việc sinh con. Ông Hyun Bang Shin nhận định: “Kể cả khi muốn sinh thêm con, các gia đình cũng phải đắn đo suy nghĩ liệu họ có đủ khả năng chăm lo cho đứa con thứ hai của họ hay không”.
Lời giải cho bài toán dân số
Hãng Bloomberg bình luận chính quyền Trung Quốc khó có thể trông chờ vào chính sách hai con mà họ mới đưa ra để khắc phục nhanh chóng cuộc khủng hoảng mất cân bằng dân số hiện tại. Chính quyền các địa phương có thể thử thực hiện tốt hơn các chính sách nghỉ thai sản hoặc tăng các phúc lợi dành cho trẻ em và những gia đình sinh hai con. Tuy nhiên, những chính sách tương tự được thực hiện tại Nhật Bản hay Singapore cho đến nay vẫn chưa mang lại kết quả tốt như kỳ vọng.
Chính sách hai con sẽ chỉ có thể phát huy hiệu quả về dài hạn. Bắc Kinh cần có những biện pháp khác thức thời hơn để ngăn tình trạng giảm số lượng lao động. Thậm chí theo Bloomberg, quốc gia có dân số lớn nhất thế giới sẽ phải cân nhắc đến việc nhập khẩu lao động nước ngoài. Hiện nay cộng đồng người lao động nhập cư tại Trung Quốc đang gia tăng rất nhanh nhưng đa phần là lao động bất hợp pháp. Hãng tin China Daily ghi nhận hiện các khu công nghiệp miền nam Trung Quốc đang bắt đầu sử dụng lao động nhập cư từ Đông Nam Á. Trong khi đó theo Bloomberg, số lượng thương nhân người châu Phi, Ả Rập, Mỹ và châu Âu tại Trung Quốc hiện tại cũng đang gia tăng nhanh chóng.
Số người đủ độ tuổi lao động tại Trung Quốc hiện nay, từ 15 đến 64 tuổi, đã tăng thêm gần 100 triệu người trong khoảng thời gian từ 1990 đến cuối thập niên đầu thế kỷ 21. Tuy nhiên, chiều hướng tăng này đã bắt đầu chững lại. Trong khi đó, dân số của Trung Quốc bắt đầu có mức tuổi thọ cao hơn trước kia với 10% tổng dân số Trung Quốc hiện nay hơn 65 tuổi. Tỉ lệ người già tại Trung Quốc đến năm 2027 sẽ là 15% dân số và đến năm 2030 thì chạm ngưỡng 20%. |