Việc tháo gỡ dự án được thực hiện trên cơ sở nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ năm 2024, Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương, phương hướng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án năng lượng tái tạo thuộc diện thanh tra.
Báo cáo kết quả giải quyết trước 10-1-2025
Trước đó, tại kết luận số 1027 ngày 28-4-2023, Thanh tra Chính phủ nêu Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung và tham mưu Thủ tướng phê duyệt 154 dự án điện mặt trời với tổng công suất 13.837 MW không có căn cứ, cơ sở pháp lý về quy hoạch.
Với nội dung này, Bộ Công thương đề xuất cấp thẩm quyền giải quyết là Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng ban hành văn bản/quyết định cập nhật danh mục dự án điện mặt trời trong cơ cấu nguồn điện mặt trời đến năm 2030 theo Quy hoạch Điện VIII, kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII.
Đối với vướng mắc về thủ tục liên quan đến đất đai như khởi công dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền giao/cho thuê đất; xây dựng dự án trên đất rừng phòng hộ; dự án chưa phù hợp với khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (titan); đất dự án chồng lấn đất thuỷ lợi…, UBND cấp tỉnh chủ trì tổ chức thực hiện. Trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Về vấn đề nghiệm thu công trình xây dựng như thi công xây dựng công trình khi chưa được bàn giao mặt bằng; đưa công trình vào khai thác sử dụng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư thì cấp thẩm quyền giải quyết với công trình cấp I là Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương); công trình cấp II và III là Sở Công Thương hoặc UBND cấp tỉnh.
Về vấn đề hưởng giá FIT (giá ưu đãi), theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, dự án chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thuê đất, không đủ điều kiện được áp dụng giá FIT; đưa công trình vào khai thác, sử dụng trong khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu và ra văn bản chấp thuận nghiệm thu của chủ đầu tư thì cần phải được rà soát, xem xét việc hưởng cơ chế khuyến khích.
Bộ Công Thương cho biết giải pháp xử lý là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư dự án xác định điều kiện hưởng giá khuyến khích. Đối với dự án không được hưởng giá khuyến khích, EVN báo cáo cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định về giá mua bán điện để các bên có liên quan làm căn cứ bù trừ thanh toán tiền mua điện.
Về điện mặt trời mái nhà, Bộ Công Thương đề xuất EVN chỉ đạo rà soát, lập danh sách các dự án xây dựng trên đất nông, lâm nghiệp với công suất lớn dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng, sau đó báo cáo UBND cấp tỉnh nơi có dự án.
Nếu cấp có thẩm quyền xác định có vi phạm về đất để làm trang trại thì không được hưởng giá FIT ưu đãi, mà phải xác định lại giá mua bán điện theo quy định. Đơn vị điện lực được uỷ quyền mua bán điện phối hợp với chủ đầu tư để thống nhất giá mua bán điện.
Lộ diện các dự án không đủ điều kiện hưởng giá FIT
Bộ Công Thương đã thống kê, rà soát sơ bộ các doanh nghiệp điện tái tạo trong diện thanh tra của Thanh tra Chính phủ để đưa ra hướng xử lý cụ thể.
Theo đó, Long An có 8 dự án điện mặt trời gặp vướng mắc về đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất, khởi công dự án khi chưa được thuê đất, công nhận COD khi công trình xây dựng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư trước khi đưa công trình vào sử dụng…
Tỉnh Bình Thuận có 15 dự án điện mặt trời và điện gió, trong đó có những dự án đã vận hành, có dự án chưa vận hành, một số dự án không đáp ứng đủ điều kiện được hưởng giá FIT (chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất).
Tỉnh Bình Phước có 6 nhà máy điện mặt trời với các vướng mắc chủ yếu là công nhận COD khi công trình xây dựng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư trước khi đưa công trình vào sử dụng; cơ quan có thẩm quyền chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất chưa được thuê đất, chưa được cấp phép xây dựng…
Tỉnh Đắk Lắk có 16 dự án, Đắk Nông có 12 dự án điện mặt trời, điện gió với các vướng mắc chủ yếu về chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê đất, điều kiện khởi công xây dựng dự án…
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 9 dự án điện mặt trời, điện gió gặp vướng mắc, trong đó có dự án thuộc trường hợp thu hồi chủ trương đầu tư, có dự án chưa hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính, vi phạm điều kiện khởi công xây dựng dự án, có dự án sử dụng đất khi chưa được UBND tỉnh cho thuê đất…
Ninh Thuận có 12 dự án điện mặt trời, điện gió gặp vướng mắc, trong đó có nhiều dự án thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công Thương như dự án điện mặt trời Thiên Tân 1, điện gió Phước Hữu - Duyên Hải 1, điện gió Công Hải 1 giai đoạn 2…
Tỉnh Khánh Hoà có 6 dự án điện mặt trời với các vướng mắc về phê duyệt, bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035 của tỉnh Khánh Hoà, về đánh giá nguồn vốn chủ sở hữu, về chi phí giải phóng mặt bằng, về cho thuê đất thực hiện dự án…