Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng không xây cầu Mã Đà nối Đồng Nai với Bình Phước

(PLO)- Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không xây dựng cầu Mã Đà, làm đường lộ qua khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai để kết nối giữa Bình Phước và Đồng Nai. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7-7, Bộ GTVT đã gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư tuyến đường kết nối Bình Phước và Đồng Nai với nội dung không xây cầu Mà Đà, làm đường xuyên Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.

Xây cầu Mã Đà chi phí lớn, vi phạm nhiều Luật

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT chủ trì làm việc với chín Bộ và địa phương: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngoại giao; Văn hóa Thể thao và Du lịch và UBND các tỉnh: Bình Phước, Đồng Nai và Bình Dương để thống nhất phương án đầu tư nâng cấp tuyến đường ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà.

Bình Phước được xác định là địa bàn chiến lược quan trọng, kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ. Tỉnh này đất rộng, người thưa nên có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nhưng còn khó khăn trong đó có kết nối hạ tầng giao thông.

Giữa tỉnh Bình Phước và Đồng Nai có giáp ranh 160km chạy theo khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai đã được UNESSCO công nhận. Vì vậy việc kết nối giao thông trực tiếp giữa Bình Phước với Đồng Nai là cần thiết.

Theo Bộ GTVT, xây cầu Mã Đà và đường qua Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai chi phí lớn, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, động vật quý hiếm. Ảnh: VH

Theo Bộ GTVT, xây cầu Mã Đà và đường qua Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai chi phí lớn, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, động vật quý hiếm. Ảnh: VH

Nhưng Bộ GTVT nhận thấy việc xây dựng tuyến kết nối Bình Phước – Đồng Nai đi qua khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai chiều dài khoảng 31km đã được UNESCO công nhận là khu sinh quyển thế giới năm 2011. Nơi đây có di tích lịch sử cách mạng là Trung ương cục miền Nam, khu ủy miền Đông Nam Bộ, địa đạo suối Linh và là nơi yên nghỉ của hàng nghìn liệt sỹ trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Bên cạnh đó khu dự trữ sinh quyền có nhiều hệ sinh thái, gồm nhiều loài thực vật và động vật thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm. Vì vậy 25 năm trước tỉnh Đồng Nai đã có chủ trương và triển khai đóng cửa rừng để bảo vệ nguyên vẹn các diện tích rừng tự nhiên hiện có, không thực hiện hoạt động vận tải qua khu vực vùng lõi. Đến nay, khu dự trữ sinh quyền Đồng Nai đã và đang được bảo tồn, phát triển hệ sinh thái.

Nếu làm đường xuyên lõi khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai còn gây ra các tác động lớn đến hệ sinh thái, vướng mắc về Luật Đa dạng sinh học và các điều ước quốc tế không, chưa phù hợp với luật Lâm nghiệp, luật Di sản văn hoá, luật Bảo vệ môi trường, chưa phù hợp với các chủ trương của Đảng, Chính phủ.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ nếu đầu tư xây dựng tuyến đường qua vùng lõi khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai phải tự nguyện rút danh hiệu, ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, cũng như có thể gây hiểu sai về mức độ cam kết của Việt Nam. Từ đó tác động không thuận lợi đến việc xem xét các hồ sơ đệ trình ghi danh cho những khu dự trữ sinh quyển mới của Việt Nam trong tương lai.

Kiến nghị Thủ tướng không xây cầu Mã Đà

Bộ GTVT nhận thấy xây cầu Mã Đà và đường xuyên Khu bảo tồn phí rất lớn, dự kiến khoảng 18.100 tỷ đồng vì phải xây dựng mới khoảng 31km cầu cạn; nâng cấp khoảng 43km đường hiện hữu; xây dựng cầu Mã Đà và cầu vượt hồ Trị An; xây dựng 62km hàng rào và tường chống ồn. Diện tích chiếm dụng đất rừng khoảng 98,0 ha, trong đó có khoảng 41,0 ha rừng đặc dụng.

Vì vậy sau khi tiếp thu ý kiến của các Bộ, địa phương, Bộ GTVT nghiên cứu bổ sung phương án kết nối tỉnh Bình Phước với đường Vành đai 4 – TP.HCM, không qua cầu Mã Đà là khả quan nhất.

Sơ đồ phương án 2, tuyến qua vùng đệm và kết nối đường Vành đai 4 (đường màu xanh lá). Đồ hoạ: VÕ NGUYÊN

Sơ đồ phương án 2, tuyến qua vùng đệm và kết nối đường Vành đai 4 (đường màu xanh lá).

Đồ hoạ: VÕ NGUYÊN

Phương án này hướng tuyến điểm đầu tuyến tại ĐT.741 TP Đồng Xoài đi theo ĐT.753 kết nối với đường Đồng Phú – Bình Dương kết nối về đường Vành đai 4 – TP.HCM với tổng chiều dài khoảng 71 km, tổng kinh phí đầu tư bổ sung thêm khoảng 530 tỷ đồng.

Hướng tuyến kết nối từ TP Đồng Xoài đến đường Vành đai 4 thuận tiện, kinh phí đầu tư ít nhất, tận dụng nhiều tuyến đường, giảm tải cho các tuyến hiện hữu kết nối từ Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên về cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu. Tỉnh Bình Phước chỉ bố trí kinh phí khoảng 230 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp ĐT.753 (tương đương 1/2 kinh phí của phương án kết nối qua cầu Mã Đà).

Ngoài ra, mạng lưới giao thông kết nối giữa tỉnh Bình Phước và các tỉnh vùng Tây Nguyên với TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ đã được quy hoạch, sẽ được nghiên cứu đầu tư xây dựng trong thời gian tới.

Vì vậy Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Phước chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh Đồng Nai nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư dự án kết nối tỉnh Bình Phước với đường Vành đai 4 – TP.HCM không qua cầu Mã Đà.

Đến nay, Bộ GTVT đã nhận được ý kiến bằng văn bản của 5/6 Bộ gồm: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 2/3 địa phương: UBND tỉnh Đồng Nai và UBND tỉnh Bình Phước. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Đồng Nai không ủng hộ phương án tuyến đi qua vùng lõi khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm