Ngày 13-12, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TP.HCM tổ chức Hội nghị giới thiệu những điểm mới của BLDS 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017).
Hội nghị có sự tham gia của hơn 300 đại biểu đến từ nhiều cơ quan đoàn thể trong thành phố trong đó có các Phòng Tư pháp, báo cáo viên pháp luật và hòa giải viên ở cơ sở các quận, huyện. Báo cáo viên là TS Lê Minh Hùng (Trưởng bộ môn Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM).
BLDS mới có giá trị lớn thứ hai sau Hiến pháp
BLDS 2015 được cấu trúc thành sáu phần (quy định chung; quyền sở hữu và quyền khác với tài sản; nghĩa vụ và hợp đồng; thừa kế; pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài và điều khoản thi hành), 27 chương với 689 điều luật.
Theo đánh giá chung, việc xây dựng BLDS 2015 là thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia.
Bộ luật cũng ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, ổn định mối trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế-xã hội sau khi Hiến pháp 2013 được ban hành.
Các đại biểu tham gia hội nghị
TS Lê Minh Hùng cho rằng BLDS 2015 có nhiều điểm mới thể hiện sự tiến bộ vượt bậc so với BLDS hiện hành.
Có thể ví BLDS 2015 là “hiến pháp của các luật con”, có giá trị lớn thứ hai sau Hiến pháp.
BLDS là luật chung thể hiện các nguyên tắc cơ bản trong khía cạnh dân sự mà các luật khác phải tuân theo. Nếu các luật chuyên ngành có điều chỉnh về vấn đề dân sự thì không được trái BLDS hoặc không quy định thì phải quay về áp dụng BLDS.
Thẩm phán được trao quyền chủ động lớn hơn
Điểm mới của BLDS 2015 thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau trải dài trong cả sáu phần của bộ luật. Nhưng mới mẻ nhất và tiến bộ nhất là cho phép áp dụng tập quán, lẽ công bằng, áp dụng tương tự pháp luật và áp dụng án lệ trong xét xử.
Từ đây thẩm phán được trao cho quyền chủ động lớn hơn nhưng cũng có trọng trách và nhiệm vụ lớn hơn.
Tuy nhiên, nhiều thẩm phán còn băn khoăn về việc áp dụng tập quán như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất vì mỗi vùng miền, dân tộc có những tập quán khác nhau.
Ngoài ra, về án lệ thì giữa luật sư và thẩm phán có sự tranh cãi nhau, chẳng hạn như thẩm phán có vai trò sáng tạo pháp luật thì đó có được coi là nguồn của luật không, các thẩm phán khác có phải tuân theo đường lối của thẩm phán đó hay không. Nhưng án lệ lại giúp giải quyết được nhiều quan hệ tranh chấp trước nay tòa từ chối giải quyết như tranh chấp mồ mả…
TS Lê Minh Hùng - báo cáo viên tại Hội nghị
Cũng theo TS Hùng, BLDS 2015 cũng làm rõ thế nào là nguyên tắc cơ bản, trong khi luật cũ còn mơ hồ. Trong đó nguyên tắc bình đẳng, nguyên tắc tự do tự nguyện được tôn trọng và đề cao.
Vấn đề năng lực hành vi của con người có nhiều thay đổi quan trọng khi không có quy định về người không có năng lực hành vi dân sự (bỏ Điều 21 BLDS 2005) trong khi bộ luật mới lại bổ sung một trường hợp là người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi…
Về quyền nhân thân trong BLDS 2015 có hai sự thay đổi lớn là: Quyền thay đổi về giới tính và về họ tên…