Theo báo cáo mới nhất của Bộ GD&ĐT, tính đến nay 63 tỉnh, TP đã gửi báo cáo kết quả lựa chọn sách giáo khoa(SGK) về Bộ.
Cả 5 bộ SGK với 46 đầu sách do Bộ GD&ĐT phê duyệt đều được các địa phương lựa chọn. Trong đó, 61 địa phương chọn các đầu sách của 3 bộ SGK trở lên, 35 tỉnh chọn SGK của cả 5 bộ.
Chia sẻ với báo chí, TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT, cho hay việc lựa chọn các đầu SGK từ nhiều bộ khác nhau thể hiện được tính dân chủ, khách quan.
Giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, quận Gò Vấp nghiên cứu các bộ SGK lớp 1. Ảnh: NTCC
Cơ sở giáo dục đã nghiên cứu kỹ lưỡng nên chọn được đầu sách theo từng môn học, phù hợp với yêu cầu, điều kiện tổ chức dạy học của trường. Số liệu này cũng cho thấy các địa phương đã trung thực trong tổng hợp, báo cáo kết quả lựa chọn SGK của cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn.
Đáng lưu ý, mỗi SGK lại có cách tiếp cận khác nhau tùy theo vùng miền, có sử dụng một số phương ngữ. Các địa phương đã dựa trên yếu tố địa phương, người học để chọn sách, tạo sự thuận tiện trong quá trình dạy học tại trường.
Tại các tỉnh phía nam, không chỉ TP.HCM mà các tỉnh An Giang, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu... cũng chọn các đầu sách trong bộChân trời sáng tạovới lệ rất cao từ 95% đến 100%.
Các bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, bộ Kết nối tri thức và cuộc sống và bộ Cùng học để phát triển năng lực (của NXB Giáo dục Việt Nam) được lựa chọn ít hơn.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT TP.HCM, bộ sách Chân trời sáng tạo được lựa chọn với 121.195 bản ở môn Tiếng Việt, 118.161 bản môn Toán, 119.919 bản môn Tự nhiên và Xã hội…
Bộ sách Cánh diều do NXB ĐH Sư phạm TP.HCM xuất bản được lựa chọn 20.881 bản ở môn Tiếng Việt, 23.079 bản môn Toán, 18.990 bản môn Tự nhiên và Xã hội.
Theo ông Tài, trong 5 bộ SGK được thẩm định lần này, bộ Chân trời sáng tạo là bộ đầu tiên và duy nhất được nhóm tác giả phía nam tham gia biên soạn SGK theo chương trình giáo dục phổ thông quốc gia. Khi nhóm tác giả này biên soạn, có thể thấy nhiều phương ngữ, dữ liệu đưa vào SGK mang tính đặc trưng vùng miền.
Với học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1, yếu tố ngôn ngữ và hình ảnh có tác động lớn đến hiệu quả sử dụng SGK của các em. Do tất cả SGK được phê duyệt đều đảm bảo chất lượng và đồng đều nên khi chọn sách, các trường sẽ ưu tiên sách gần gũi, phù hợp, thuận lợi cho dạy và học.
Ông Tài cho biết thêm, Bộ GD&ĐT đã nhận được kết quả từ 2 địa phương hơi khác so với các địa phương còn lại đó là Khánh Hòa và Long An. Ở Long An, khâu tổng hợp kết quả cuối cùng Sở GD&ĐT thực hiện chưa đúng khi báo cáo đề xuất UBND tỉnh chọn 1 bộ SGK trong khi thực tế có nhiều SGK khác được các trường lựa chọn.
Còn ở Khánh Hòa, khi tiếp cận hồ sơ của các phòng GD&ĐT tập hợp kết quả lựa chọn SGK của các trường gửi về Sở, Bộ GD&ĐT nhận thấy tất cả đều lựa chọn 1 bộ SGK cho 8 môn bắt buộc. Riêng môn tiếng Anh các trường chọn SGK của NXB khác. Điều đó trước mắt cho thấy Sở GD&ĐT đã tôn trọng quyết định lựa chọn của cơ sở và báo cáo trung thực về UBND tỉnh cũng như Bộ GD&ĐT.
Bộ đang yêu cầu hai địa phương này rà soát lại và thực hiện đúng theo thông tư 01 về hướng dẫn chọn SGK lớp 1 Bộ đã ban hành.
Chậm nhất 15-8 phải hoàn thành cung ứng SGK Việc TP.HCM hay bất cứ địa phương nào có kết quả lựa chọn SGK ở một bộ sách nào đó cao hơn thì chúng ta cần xem xét việc chỉ đạo và thực hiện lựa chọn SGK ở địa phương đó có đúng quy định hay không. Nếu quy trình đúng thì kết quả lựa chọn phải được tôn trọng. Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT, NXB có SGK được lựa chọn khẩn trương lên kế hoạch chi tiết tập huấn giáo viên sử dụng SGK, đảm bảo 100% giáo viên lớp 1 được tập huấn trước năm học mới. Việc cung ứng SGK cũng phải gấp rút thực hiện từ nay đến 30-7, chậm nhất 15-8 phải hoàn thành (TS THÁI VĂN TÀI, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT) |