Sau khi nghe ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, trình bày nội dung dự thảo đề xuất điều chỉnh các loại thuế, đa số chuyên gia đều không đồng tình với lý lẽ mà Bộ Tài chính đưa ra về đề xuất tăng VAT, tiêu thụ đặc biệt, điều chỉnh thuế TNCN.
Tăng thuế cần đánh giá tác động ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Ảnh: PV
Một chuyên gia kinh tế có mặt tại cuộc họp cho rằng việc Bộ Tài chính lấy các nước có mức thuế cao và thu nhập khác với Việt Nam để so sánh và làm cơ sở đề xuất tăng thuế là chưa hợp lý. Đặc biệt Bộ Tài chính chưa đưa ra mức độ đánh giá tác động của tăng thuế đến kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội. Trong khi VAT đóng góp rất lớn cho thu ngân sách nhưng lại tác động lên toàn dân, nhất là người nghèo, thu nhập trung bình. Hay như đánh thuế tiêu thụ đặc biệt các mặt hàng trà, cà phê đóng gói, nước ngọt là vô lý, không thuyết phục. Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng Bộ Tài chính chỉ lo chăm chăm tận thu thuế mà không có giải pháp siết chi ngân sách.
TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh BDI: Bộ Tài chính cần cân nhắc lộ trình Bộ Tài chính nên cân nhắc lộ trình điều chỉnh thuế và thay vào đó nên xem xét lại tình hình chi tiêu ngân sách. Thâm hụt ngân sách của Việt Nam là truyền kiếp, trong lịch sử chưa bao giờ cân bằng. Do vậy Bộ Tài chính cần điều hành ngân sách theo hướng tiết kiệm chi ngân sách cho bộ máy hành chính. Đồng thời tính toán giảm VAT từ 10% xuống 8%. PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính): Mục đích tăng ngân sách sẽ không đạt được Việc tăng thuế gián thu là một biện pháp khá phổ biến trong bối cảnh nợ công cao, ngân sách thiếu hụt nhưng đây không phải là biện pháp duy nhất. Trong bối cảnh Việt Nam, áp dụng biện pháp này thậm chí ngân sách không tăng do thông thường thuế giảm kích thích tăng trưởng tiêu dùng, thuế tăng người dân có thể hạn chế tiêu dùng, mục đích tăng ngân sách sẽ không đạt được. TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP.HCM: Gốc rễ của vấn đề là các dự án ngàn tỉ đắp chiếu Thứ nhất, VAT nhìn chung có tính “lũy thoái”, do vậy sẽ đánh vào người thu nhập thấp nặng nề hơn. Người tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Song do người thu nhập thấp phải dành một tỉ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh VAT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn, do vậy khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng. Thứ hai, tỉ trọng đóng góp của thuế VAT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam hiện đã khá cao, cao hơn hẳn so với các nước EU là những nước có thuế suất VAT thuộc nhóm cao nhất thế giới. Với thuế suất VAT phổ thông hiện nay là 10% thì đã chiếm tới 27,5% tổng thu ngân sách của Việt Nam. Trong khi đó, với mức thuế suất phổ thông trung bình cao hơn hẳn (21,3%), VAT cũng chỉ chiếm trung bình 21,4% tổng thu ngân sách của các nước EU. Điều này cũng ngụ ý rằng việc tăng thuế suất VAT không hiển nhiên cải thiện vai trò của sắc thuế này trong tổng ngân sách. Thứ ba, và quan trọng nhất, nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách nặng nề ở Việt Nam không phải do thiếu khả năng huy động ngân sách mà chính là do hiệu quả chi ngân sách thấp trong khi tỉ lệ chi ngân sách hiện đã rất cao, lên tới 28%-29% GDP. Việc tăng VAT để tăng thu ngân sách không những không giải quyết được gốc rễ của vấn đề mà còn tạo điều kiện và dung dưỡng cho việc chi ngân sách “vung tay quá trán” hay các dự án ngàn tỉ “đắp chiếu” và kém hiệu quả. TS Huỳnh Thế Du, chuyên gia kinh tế: Việc cần làm hiện nay là tinh giản bộ máy và cắt giảm chi tiêu Nhà nước kiến tạo là một nhà nước phải hiệu quả, giúp cho đời sống của người dân dễ chịu hơn, hoạt động kinh doanh của các DN dễ dàng hơn chứ không phải ngày càng tạo thêm gánh nặng cho người dân và DN, nhất là những người có vị thế bất lợi hơn trong xã hội. Do vậy, việc cần làm hiện nay là tinh giản bộ máy và cắt giảm chi tiêu để tạo ra một nhà nước hiệu quả hơn chứ không phải là tiếp tục tăng thuế và tăng các nguồn thu, nhất là loại thuế đánh vào người nghèo (có tính lũy thoái) như VAT. |