. Phóng viên:Bộ Tài chính cho rằng tăng thuế là thực hiện theo lộ trình và thông lệ quốc tế, ông thấy thế nào?
+ TS Lê Đăng Doanh: Việc tăng thuế này không có trong chương trình của Quốc hội, trong khi theo cam kết của chúng ta với các hiệp định thương mại tự do và các cam kết khác về thương mại thì các nhà đầu tư muốn có môi trường kinh doanh ổn định. Tức là khi nhà đầu tư tham gia kinh doanh họ phải tính được mức thuế này lãi bao nhiêu, khi họ đã đầu tư vào rồi mà ta lại nâng thuế lên sẽ khiến môi trường kinh doanh khác đi. Có thực tế, các luật được đề nghị sửa đổi lần này mới có hiệu lực trong thời gian hơn một năm và lại được điều chỉnh. Điều này cho thấy chính sách thuế không ổn định, thay đổi liên tục, luôn tạo ra sự bất ngờ.
Thậm chí người dân sẽ băn khoăn liệu sau kỳ tăng này còn có tăng nữa không hay ổn định chính sách trong bao lâu; dường như người dân luôn phải đánh cược với nhà làm chính sách thuế. Bộ Tài chính luôn dành cho mình cái quyền muốn nâng thuế lúc nào thì nâng. Đó là cách ứng xử hoàn toàn không bình thường với người dân trong bối cảnh toàn cầu hóa.
. Theo ông, có cách gì để không tăng thuế nhưng vẫn đảo đảm nguồn thu ngân sách?
+ Theo tôi, Bộ Tài chính cần tổ chức hội thảo để lấy ý kiến rộng rãi từ các chuyên gia, người dân để lắng nghe phản biện mức thuế và lộ trình, tránh tình trạng mỗi lần bội chi lại kiếm cớ tăng thuế. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 7/2016 về cơ cấu lại nguồn ngân sách, trong đó yêu cầu phải giảm bội chi, giảm chi thường xuyên. Thế nhưng thực tế vẫn còn cán bộ đi nước ngoài nhiều, tiếp khách bằng rượu ngoại thì làm sao ngân sách nào chịu nổi. Bên cạnh đó, ngân sách chi cho bộ máy hành chính quá nhiều.
Do vậy, giải pháp cần làm là giảm bộ máy, kiểm soát chặt nguồn thu, siết chi tiêu thường xuyên. Tôi còn nhớ hồi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi đi thăm Thụy Điển về đã tổ chức ngay cuộc họp Chính phủ để bàn về tiết giảm chi tiêu. Bởi ông Phạm Văn Đồng đã học hỏi được rất nhiều điều sau chuyến đi. Khi tiếp khách, ông vua Thụy Điển chỉ mời ba món, trong đó món chính là món vịt giời do chính ông vừa đi săn mang về, vị vua này chia sẻ họ muốn tiết kiệm trong ăn uống, tiếp khách để dành tiền giúp đỡ các nước khác, trong đó có Việt Nam. Từ đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn chỉ đạo thực hiện tiết kiệm trong tiếp khách.
. Xin cám ơn ông.