Bộ Tài chính vừa đề xuất bổ sung, sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính, cho rằng một trong những thay đổi lớn là biểu thuế TNCN mới dự kiến chỉ còn năm bậc thuế thay vì bảy bậc như hiện nay. Điều này giúp nhiều người nộp thuế có thu nhập từ tiền công, tiền lương được giảm thuế.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc sửa thuế TNCN như đề xuất của Bộ Tài chính vẫn còn nhiều điểm bất cập và người lao động vẫn thiệt thòi.
Mới vui… một nửa
Theo biểu thuế TNCN hiện nay, nếu phần thu nhập tính thuế của một người là 10 triệu đồng thì số tiền thuế phải nộp lên tới 750.000 đồng/tháng. Nhưng với biểu thuế mới do Bộ Tài chính đề xuất, tiền thuế phải nộp sẽ giảm được 250.000 đồng, tức người đóng thuế chỉ phải nộp 500.000 đồng.
Tương tự, với người lao động hiện có phần thu nhập tính thuế 20 triệu đồng/tháng, tiền thuế phải nộp là 2 triệu đồng/tháng. Nhưng theo biểu thuế đề xuất sửa đổi, số tiền thuế mà người lao động phải nộp là 1,5 triệu đồng, tức mỗi tháng giảm được 500.000 đồng.
Anh Duy Minh, nhà ở quận 12, TP.HCM, nhận định nếu đề xuất biểu thuế thu nhập giảm từ bảy bậc xuống còn năm bậc được thông qua, đồng nghĩa tiền thuế TNCN của anh cũng như nhiều người khác sẽ giảm.
“Biểu thuế giảm và giãn ra còn giúp cá nhân người lao động tự tính toán được số thuế TNCN mà mình sẽ phải đóng, trong khi biểu thuế hiện hành nhiều bậc rất khó tính toán” - anh Minh nói thêm.
Cụ thể như anh Minh hiện mỗi tháng thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Sau khi trừ đi khoản giảm trừ bản thân 9 triệu đồng/tháng và giảm trừ người phụ thuộc 3,6 triệu đồng/người/tháng, phần thu nhập tính thuế là 37,4 triệu đồng.
Như vậy nếu theo biểu thuế hiện hành, phần thu nhập tính thuế của anh Minh phải sử dụng tới bốn bậc (5%, 10%, 15% và 20%), số tiền thuế anh phải nộp là hơn 4,8 triệu đồng/tháng. Song theo biểu thuế đề xuất sửa đổi, phần thu nhập tính thuế của anh Minh chỉ phải tính ba bậc (5%, 10% và 20%), tức số tiền thuế phải nộp hơn 3,2 triệu đồng/tháng.
“Tính ra số tiền thuế tôi được giảm theo biểu thuế TNCN được Bộ Tài chính đề xuất là gần 1,6 triệu đồng/tháng. Số tiền giảm này cũng không phải là nhiều. Hơn nữa được giảm thuế TNCN là đáng mừng nhưng với đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12% thì người dân vẫn chịu thiệt. Bởi với mức thuế VAT tăng 2% đồng nghĩa giá các mặt hàng tiêu dùng sẽ tăng rất mạnh và người tiêu dùng phải gánh. Thế nên vui mới chỉ được… một nửa” - anh Minh bày tỏ.
Thuế thu nhập cá nhân giảm theo đề xuất sửa đổi của Bộ Tài chính không bù được khoản chi tiêu tăng do thuế VAT đánh vào hàng hóa tăng cao. Ảnh: HOÀNG GIANG
Thu nhập tăng một tí phải nộp thuế
Cho rằng biểu thuế TNCN được Bộ Tài chính đề xuất chỉ giảm được một ít số thuế phải nộp của người lao động, luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, đề nghị “cần phải giãn khoảng cách giữa các bậc thuế nhiều hơn nữa”. Làm được như vậy sẽ tránh được chuyện khoảng cách giữa các bậc quá hẹp dẫn đến thu nhập của người dân vừa tăng một chút đã phải chịu bậc thuế cao hơn, làm tăng số thuế phải nộp.
Theo đó, cần chia ra bốn bậc thuế với phần thu nhập tính thuế được nâng lên, giãn rộng hơn. Ví dụ, bậc 1 với thuế suất 5% cho phần thu nhập tính thuế dưới 20 triệu đồng/tháng; bậc 2, thuế suất 10% đối với thu nhập tính thuế 20-50 triệu đồng/tháng; bậc 3, thuế suất 20% với thu nhập tính thuế 50-100 triệu đồng/tháng; bậc 4, thuế suất 30% với thu nhập tính thuế trên 100 triệu đồng. Có như vậy mới giảm được gánh nặng nộp thuế cho người lao động.
Đồng quan điểm, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính, nhận xét nội dung trọng tâm của dự thảo sửa đổi Luật Thuế TNCN lần này là tăng thuế đối với những người có thu nhập cao, giảm gánh nặng thuế cho tầng lớp thường dân và trung lưu.
“Biểu thuế lũy tiến từng phần sửa đổi theo hướng giảm số bậc thuế chỉ còn năm bậc, đồng thời quy định khoảng cách rộng ở các bậc thấp. Theo tính toán sơ bộ, với cách tính này chắc chắn Nhà nước sẽ có nguồn thu thuế TNCN lớn hơn với biểu thuế lũy tiến hiện hành” - ông Long nhận định.
Cần tăng mức giảm trừ gia cảnh
Về việc xác định ngưỡng khởi điểm tính thuế TNCN và mức chiết trừ gia cảnh cho các đối tượng phụ thuộc, TS Ngô Trí Long cho rằng cần phải đảm bảo các yêu cầu: Phù hợp với điều kiện chỉ số lạm phát của nền kinh tế nước ta, phù hợp mức tiền lương, tiền công tối thiểu, thu nhập bình quân của mọi thành viên trong xã hội; đảm bảo sự công bằng xã hội.
“Về mức giảm trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc nên là 3 triệu đồng/tháng (bao gồm con chưa đến tuổi trưởng thành, cha mẹ già không còn sức lao động) và không nên quy định số lượng các đối tượng phụ thuộc, có như vậy mới tạo ra sự đồng tình của xã hội đối với Luật Thuế TNCN” - ông Long nhấn mạnh.
Tránh chuyện khoảng cách giữa các bậc quá hẹp dẫn đến thu nhập của người dân vừa tăng một chút đã phải chịu bậc thuế cao hơn, làm tăng số thuế phải nộp. Ảnh: Người dân làm tủ tục nộp thuế- Quang Huy
Luật sư Trần Xoa cũng góp ý khoản giảm trừ bản thân, người phụ thuộc cần được nâng lên phù hợp với tình hình thực tế, vấn đề trượt giá khi áp dụng. Ví dụ, mức giảm trừ bản thân 9 triệu đồng/tháng đã được áp dụng bốn năm rồi, nếu biểu thuế đề xuất của Bộ Tài chính áp dụng có thể duy trì trong khoảng 3-4 năm nữa thì cần nhìn xa hơn, tức nâng mức giảm trừ bản thân và người phụ thuộc lên 30%.
“Điều này có nghĩa nâng mức giảm trừ bản thân lên 12 triệu đồng/tháng, giảm trừ người phụ thuộc lên 4,8 triệu đồng/tháng thay vì như hiện nay” - luật sư Xoa đề xuất.
Thu nhập vãng lai 5 triệu đồng mới trừ thuế thu nhập Bộ Tài chính đã đề nghị thu nhập vãng lai 5 triệu đồng mới trừ thuế thu nhập, thay vì cứ 2 triệu đồng là bị khấu trừ 10% thuế TNCN như hiện nay. Cụ thể, đối với thu nhập vãng lai (không ký hợp đồng lao động) thì khấu trừ theo thuế suất 10% đối với thu nhập từ 5 triệu đồng trở lên từng lần chi trả. “Việc bỏ quyết toán thuế đối với thu nhập từ tiền công, tiền lương và tăng mức chịu thuế đối với thu nhập vãng lai lên 5 triệu đồng nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế và cả cơ quan thuế nữa” - đại diện Bộ Tài chính lý giải. Rất đáng lo tăng thuế tiêu dùng Dù thuế TNCN giảm nhưng nhiều ý kiến cho rằng mức giảm thuế còn quá ít so với mức tăng của các loại thuế khác, đặc biệt là thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12%. Do vậy người thu nhập thấp dù được giảm số tiền thuế TNCN chút ít nhưng vẫn chịu thiệt nhất vì phải gánh chịu khoản thuế VAT tăng 2%. Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn nhận xét số tiền thuế TNCN được giảm không đáng kể, cái đáng lo lớn hơn là việc tăng thuế VAT. “Thuế VAT là thuế hàng hóa, đặc biệt là hàng tiêu dùng và người tiêu dùng phải chịu. Khi đó khoản thuế TNCN được giảm không bù lại với khoản chi thêm hằng tháng của người lao động khi thuế VAT tăng lên” - ông Sơn nói. |
Nộp thuế cá nhân vượt dầu thô Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có ý kiến về đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế: VAT, TNCN, tiêu thụ đặc biệt, thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế tài nguyên. Phó Thủ tướng đồng ý với các nội dung đề xuất của Bộ Tài chính về thuế TNCN. Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất nên giảm số bậc thuế TNCN chỉ còn năm bậc. Cụ thể, đến 10 triệu đồng, thuế suất 5%; trên 10-30 triệu đồng, thuế suất 10%; trên 30-50 triệu đồng, thuế suất 20%; trên 50-80 triệu đồng, thuế suất 28%; trên 80 triệu đồng, thuế suất 35%. Theo số liệu của Bộ Tài chính, thuế TNCN nộp về ngân sách hiện đã vượt số thu từ dầu thô và liên tục tăng mạnh qua các năm. Năm 2014, ngân sách thu hơn 47.000 tỉ đồng từ sắc thuế này, đến năm 2016 đã tăng lên 64.000 tỉ đồng và theo dự toán năm 2017 có thể vượt 80.000 tỉ đồng. Như vậy, nguồn thu từ ngân sách qua thuế TNCN có xu hướng ngày càng tăng. Nên tính theo tỉ lệ % Để khuyến khích được những người lao động có tài năng, có thu nhập cao, chống thất thu thuế… thì nên thay đổi mức thuế suất theo biểu thuế lũy tiến sao cho khoảng cách giữa các mức không quá chênh lệch. Cụ thể, biểu thuế suất lũy tiến nên thay đổi thành sáu bậc. Đơn cử mức thuế suất 5% cho các đối tượng chịu thuế có mức thu nhập tính thuế 10 triệu đồng/tháng; mức thuế suất 9% cho các đối tượng chịu thuế có mức từ trên 10-15 triệu đồng/tháng; mức thuế suất 13% cho các đối tượng chịu thuế có mức thu nhập từ trên 15-30 triệu đồng/tháng; mức thuế suất 30% cho các đối tượng chịu thuế có mức thu nhập tính thuế từ trên 70 triệu đồng/tháng… Việc quy định mức tiền tính thuế (ngưỡng khởi điểm tính thuế) nên tính theo một tỉ lệ phần trăm nhất định so với mức tiền lương, tiền công tối thiểu. Cách tính này sẽ là một trong những căn cứ quan trọng để tạo ra tính pháp lý bền vững, ổn định có sức sống lâu dài cho Luật Thuế TNCN. PGS-TS Ngô Trí Long |