Bộ Tài chính 'phản pháo' Bộ Công Thương về quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia

(PLO)- Bộ Tài chính và Bộ Công Thương có quan điểm trái ngược nhau trong một số vấn đề liên quan đến bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia. 

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương về việc giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia.

Theo báo cáo, tính đến 31-12-2022, tổng lượng xăng dầu dự trữ quốc gia là 367.125m3, tấn với tổng giá trị khoảng 2.603 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng khoảng 95% tổng lượng xăng dầu quốc gia.

Xăng dầu dự trữ quốc gia để chung với xăng dầu của doanh nghiệp

Bộ Tài chính cho biết, từ khi Luật dự trữ quốc gia được ban hành năm 2012 đến nay, Bộ Công Thương bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia chung với xăng dầu kinh doanh theo hợp đồng ký với 4 doanh nghiệp.

Hàng năm, từ năm 2014 đến năm 2022, Bộ Công Thương thực hiện chuyển tiếp các hợp đồng bảo quản đã ký năm 2014 thông qua các phụ lục hợp đồng để bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia. Riêng năm 2023, Bộ Công Thương chưa ký hợp đồng bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia.

Về nhập, xuất xăng dầu dự trữ quốc gia, Bộ Tài chính cho hay, từ khi Luật dự trữ quốc gia ban hành đến nay, Bộ Công Thương không xây dựng và thực hiện mua tăng, mua bổ sung, mua bù xăng dầu dự trữ quốc gia.

Tính đến 31-12-2022, tổng lượng xăng dầu dự trữ quốc gia là 367.125m3. Ảnh minh hoạ: MOIT

Xăng dầu dự trữ quốc gia từ trước đến nay cũng chưa sử dụng để xuất cấp theo quy định của Luật dự trữ quốc gia; chỉ thực hiện xuất bán (14.751 m3 dầu hỏa dự trữ quốc gia năm 2012), xuất chuyển đổi chủng loại (121.435 m3 chuyển đổi dầu Diesel 0,25%S sang Diesel 0,05%S dự trữ quốc gia năm 2015), xuất hao hụt (hàng năm theo định mức).

Về luân phiên đổi hàng xăng dầu dự trữ quốc gia, Bộ Tài chính thông tin, theo quy định của Luật dự trữ quốc gia, Bộ Công Thương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch luân phiên đổi hàng gửi Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện trong năm kế hoạch.

Thế nhưng, kế hoạch luân phiên đổi hàng xăng dầu dự trữ quốc gia không được phê duyệt do xăng dầu dự trữ quốc gia được Bộ Công Thương bảo quản chung với xăng dầu kinh doanh của doanh nghiệp, không xác định được thời gian tồn chứa và số lượng xăng dầu dự trữ quốc gia thực tế luân phiên đổi hàng.

Bộ Tài chính: Đã đủ điều kiện để bảo quản riêng xăng dầu dự trữ quốc gia

Trong văn bản gửi lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương nhận định, việc bảo quản riêng mặt hàng xăng dầu chưa thực hiện được do chưa có kho dự trữ quốc gia xăng dầu của nhà nước, phải thuê các doanh nghiệp xăng dầu để bảo quản. Bộ Tài chính cho rằng nhận định này "không có cơ sở".

Theo Bộ Tài chính, theo quy định của Luật Dự trữ quốc gia và quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống kho xăng dầu dự trữ quốc gia, xăng dầu dự trữ quốc gia được cất giữ riêng, được thực hiện thuê kho để bảo quản theo quy định tại Thông tư 172/2013 của Bộ Tài chính, Quyết định 16/2020 của Thủ tướng.

Bộ Công Thương cho rằng “việc bảo quản riêng mặt hàng xăng dầu chưa thực hiện được do: Định mức phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia chưa phù hợp với thực tế”. Bộ Tài chính lại nêu quan điểm, cơ chế chính sách hiện hành đã có đầy đủ điều kiện để triển khai thực hiện bảo quản riêng xăng dầu dự trữ quốc gia.

Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, để tháo gỡ khó khăn về chi phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia, Bộ đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan xây dựng, trình Thủ tướng ban hành Quyết định 16/2020 về quy chế quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia. Trong quy chế này đã quy định nguyên tắc quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia: Tính đúng, tính đủ chi phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia hằng năm theo quy định.

Trong ý kiến của mình, Bộ Công Thương cho rằng: "Việc bảo quản riêng mặt hàng xăng dầu chưa thực hiện được do: Luật Dự trữ quốc gia ban hành chung cho các mặt hàng dự trữ quốc gia yêu cầu phải bảo quản, cất trữ riêng nhưng chưa tính đến mặt hàng xăng dầu có tính đặc thù, là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, yêu cầu kỹ thuật cao trong bảo quản. Việc để riêng cần phải có nguồn lực về tài chính và phải có thời gian, lộ trình thực hiện, nên khi Luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện được ban hành không thể triển khai được trong thực tế.”

Tuy nhiên, lập luận này đã bị Bộ Tài đánh giá không có cơ sở. "Khi xây dựng Luật Dự trữ quốc gia và các văn bản hướng dẫn, Bộ Tài chính đều lấy ý kiến tham gia của Bộ Công Thương nhưng Bộ Công Thương không nêu vấn đề này. Đến nay, Bộ Công Thương lại báo cáo không triển khai thực hiện được theo quy định của pháp luật là không có cơ sở", Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới