Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp xin ý kiến thẩm định về dự thảo nghị định quy định ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh.
Bộ Tài chính cho biết sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ ngành địa phương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cơ quan này đề xuất ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh là 50 triệu đồng đối với cá nhân.
Còn với doanh nghiệp có nợ thuế từ 500 triệu đồng thì cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Thời gian nợ thuế quá hạn vẫn giữ nguyên như dự thảo trước đó là 120 ngày.
Như vậy, so với dự thảo ban đầu khi lấy ý kiến góp ý, ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh đề xuất lần này cao gấp 5 lần.
Giải thích thêm, Bộ Tài chính cho biết theo quy định hiện hành, người nợ thuế có số tiền thuế nợ quá hạn 120 ngày thì cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc như gửi thông báo nợ, áp dụng biện pháp cưỡng chế như trích tiền từ tài khoản ngân hàng…
Việc quy định ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn là một trong những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu hồi nợ đọng thuế, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Vì vậy, việc đề xuất ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh là nhằm đảm bảo tránh gây tác động lớn đến môi trường kinh doanh, hỗ trợ người nộp thuế, đảm bảo công tác thu hồi nợ đọng thuế…
Nếu đề xuất trên được áp dụng, Bộ Tài chính ước tính số người bị tạm hoãn xuất cảnh là khá lớn. Theo số liệu của ngành thuế, hiện có khoảng 81.000 cá nhân, chủ hộ kinh doanh có số nợ thuế 50 triệu đồng trở lên và doanh nghiệp có nợ thuế 500 triệu đồng trở lên.
Theo quy định, từ 1-1-2025, ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh được thi hành. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tư pháp sớm có ý kiến thẩm định hồ sơ dự thảo nghị định quy định ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh.
Đồng thời, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ ban hành nghị định quy định ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh theo thủ tục rút gọn.