Bộ trưởng Bộ Y tế: Điều phối 2.000 máy thở cho kho dự trữ tại TP.HCM

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng 18-7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình dịch COVID-19 tại TP HCM, các địa phương khu vực phía Nam tiếp tục có xu hướng diễn biến phức tạp.

Để chủ động trong những ngày tới, Bộ Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng cho “kịch bản xấu và xấu hơn”; đồng thời cam kết không để thiếu đồ bảo hộ, bảo đảm an toàn tối đa cho lực lượng điều trị tuyến đầu.

Điều phối thêm 2.000 máy thở chức năng cao

Hiện ngành Y tế đang tập trung chuẩn bị tích cực, đồng bộ, ưu tiên giảm số ca bệnh nặng, hạn chế số tử vong, đặc biệt đối với các ca mắc có bệnh lý nền, người cao tuổi, bệnh nhân chạy thận nhân tạo…

Tư lệnh ngành Y tế cho biết, sau khi trao đổi với lãnh đạo TP HCM, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (đặt tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM cơ sở 2) đã được thiết lập, có công suất 1.000 giường, với cơ chế điều hành của bệnh viện Trung ương hạng Đặc biệt. Ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy được chỉ định sang làm Giám đốc BV này. Đồng thời áp cơ chế điều hành BV Chợ Rẫy sang BV Hồi sức COVID-19.

“Bộ Y tế ưu tiên tối đa trang thiết bị vật tư, y tế, nhân lực tinh túy nhất để đưa về bệnh viện này, tối ưu hóa điều trị tất cả trường hợp thở máy trên toàn Thành phố, quyết giữ cho bằng được mặt trận này”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Về trang thiết bị, Bộ Y tế cũng đã thành lập kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến tại TP HCM và sẽ điều phối 2.000 máy thở chức năng cao cũng như máy thở thông thường cho kho dự trữ này.

Bộ Y tế cũng đang tích cực huy động các nguồn lực, vận động các nhà tài trợ để có thể đảm bảo trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch khu vực này.

“Bộ Y tế cho phép Giám đốc Bệnh viện Hồi sức 1.000 giường này được quyền xuất cấp kho này mà không cần xin ý kiến của Bộ, thiếu đâu lấy đó, cùng với lãnh đạo TP HCM, phải giữ bằng được mặt trận này trong điều trị” – Bộ trưởng chia sẻ.

Kịch bản xấu và xấu hơn

Tại cuộc họp này, Bộ trưởng yêu cầu tất cả các bệnh viện hạng 2, hạng 3 (tuyến huyện và tương đương) buộc phải thiết lập hệ thống oxy trung tâm, kiểm soát lại toàn bộ quá trình thiết lập, chuẩn bị các giường hồi sức.

“Đợt dịch này không như các lần trước, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đang chuẩn bị cho ‘kịch bản xấu và xấu hơn’”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề trang thiết bị phòng, chống dịch, GS Nguyễn Thanh Long cho biết, các địa phương mua sắm theo phương châm “4 tại chỗ” nhưng còn chậm do nhiều nguyên nhân; thủ tục, quy trình mua sắm nhiều bước; khả năng đáp ứng của các đơn vị cung ứng hạn chế; việc sử dụng sinh phẩm chẩn đoán ở mức độ cao hơn nhiều…

“Bộ Y tế phải chuẩn bị kịch bản dài hơi với mua sắm sinh phẩm chẩn đoán do nhu cầu rất lớn, với đặc tính sinh học lây lan nhanh của biến chủng virus đợt này” – Bộ trưởng nói

Ngoài nguồn ngân sách, Bộ Y tế đang tích cực huy động, kêu gọi sự đóng góp, chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… Lãnh đạo Bộ Y tế cam kết không để đội ngũ y, bác sĩ thiếu các đồ bảo hộ, bảo đảm an toàn tối đa cho lực lượng điều trị tuyến đầu.

 

BV hồi sức 1.000 giường hỏa tốc xin TP.HCM điều trang thiết bị cho giai đoạn đầu

Trong một diễn biến khác, ngày 17-7 ông Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm nhiệm giám đốc Bệnh viện hồi sức 1.000 giường tại TP.HCM đã gửi văn bản Hỏa tốc đến Thành ủy, UBND TP.HCM và Sở Y tế về việc khẩn trương điều phối trang thiết bị tối cần thiết cho bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, nguy kịch.

Văn bản nêu rõ BV Hồi sức còn thiếu rất nhiều trang thiết bị cần thiết, có loại chưa có cái nào như máy thở không sử dụng khí nén trung tâm, máy minitor 6 thông số, máy nội soi phế quản, máy sưởi ấm bệnh nhân... Điều này khiến bệnh viện chỉ mới tiếp nhận điều trị 60 giường hồi sức, chưa thể tiếp nhận thêm bệnh nhân điều trị.

Văn bản đề xuất được cung cấp  23 loại trang thiết bị thiết yếu điển hình như hệ thống tim phổi nhân tạo ECMO, lọc máu liên tục, minitor các loại, bộ hút đàm trung tâm, X-quang di động, máy sưởi ấm bệnh nhân, bộ dụng cụ thở ôxy (bình làm ấm, đồng hồ đo lưu lượng), xe tiêm, b mâm tiêm, ... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm