Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Chuyển nguồn hơn 432.000 tỉ đồng để cải cách tiền lương

(PLO)- Lý giải về chuyển nguồn ngân sách từ năm 2022 sang 2023 lớn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay là do phần kinh phí tích lũy qua các năm để thực hiện cải cách tiền lương chiếm tới 37,7% (hơn 432.350 tỉ đồng).

Sáng 7-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Lập, dự toán ngân sách không sát thực tế

Đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) cho hay số liệu báo cáo Chính phủ về thực hiện dự toán ngân sách còn bất cập. Cụ thể, số thực hiện dự toán ngân sách 2022 báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và số quyết toán trình lần này còn chênh lệch lớn. Trong đó quyết toán chi ngân sách giảm hơn 407.000 tỉ đồng; bội chi cũng giảm hơn 49.300 tỉ, giảm nhiều so với dự toán.

“Điều này ảnh hưởng đến việc đánh giá kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước, cân đối ngân sách cũng như lập dự toán ngân sách Nhà nước các năm sau” – bà Lan đánh giá.

Đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh). Ảnh: PHẠM THẮNG

Ngoài ra, theo đại biểu Lan, một số khoản chi ngân sách đạt thấp so với dự toán; tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư của một số bộ, ngành, địa phương đạt thấp so với kế hoạch vốn được giao. Số chuyển nguồn sang năm sau rất lớn; quyết toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 bằng gần 87% so với dự toán.

Chi đầu tư phát triển hơn 71%, chi thường xuyên không đạt dự toán, chuyển nguồn gần 427.000 tỉ đồng, tăng nhiều so với 2021. Trong đó số chuyển nguồn, huỷ bỏ dự toán chi thường xuyên của các bộ, ngành cũng cao hơn, lần lượt 10.000 tỉ và 60.000 tỉ đồng…

Nêu nguyên nhân, theo ĐB Lan là do việc lập, dự toán ngân sách không sát thực tế, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện còn nhiều bất cập, còn tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm.

“Cần có giải pháp khắc phục, các hạn chế kéo dài nhiều năm phải nêu rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân; Chính phủ cũng cần sớm trình Quốc hội sớm sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước để tháo gỡ vướng mắc, quy định cho địa phương sử dụng ngân sách địa phương cho một số nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương” – đại biểu Quảng Ninh đề nghị.

Bà Lan cũng đề nghị cần sớm sửa luật, luật hóa các cơ chế đặc thù tài chính và sửa các cơ chế tài chính để tạo cơ sở pháp lý thực hiện nhiệm vụ dự toán ngân sách nhà nước các năm sau…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: PHẠM THẮNG

Lý giải nguyên nhân chuyển nguồn ngân sách tăng

Giải trình sau đó về số liệu thực hiện của ngân sách 2022 so với số quyết toán có sự vênh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết số thực hiện dự toán ngân sách căn cứ vào số thực hiện tại thời điểm báo cáo.

Theo ông, Bộ Tài chính có thể lấy số liệu này chính xác trong 1 phút hoặc 1 giờ, tuy nhiên phần dự báo liên quan đến nhiều phát sinh vào cuối năm nên số liệu có sự chênh lệch.

Về chuyển nguồn ngân sách sang năm sau lớn, theo ông Phớc, số chuyển nguồn ngân sách Nhà nước từ 2022 sang 2023 có phần kinh phí để thực hiện cải cách tiền lương là hơn 432.350 tỉ đồng, chiếm 37,7%; chi đầu tư phát triển là 313.165 tỉ đồng, chiếm 27,3%; nguồn tăng thu, tiết kiệm chi là 287.374 tỉ đồng, chiếm 25%.

Cùng đó, các khoản chi dự toán được cấp có thẩm quyền bổ sung sau ngày 30-9 là 20.397 tỉ đồng, chiếm 1,8%; kinh phí giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan Nhà nước là 9.986 tỉ đồng, chiếm 0,87%...

“Chi chuyển nguồn cao là nguồn lực được chuyển theo quy định, nhất là cải cách tiền lương. Ngoài ra, còn có nguyên nhân là hợp đồng thực hiện trong năm chưa được thanh toán và được chuyển sang năm sau” – Bộ trưởng Tài chính thông tin và đề nghị các địa phương cố gắng thanh toán ngay trong năm, tránh số chuyển nguồn cao.

Về các khoản chi, như chi đầu tư thấp ở thời điểm đầu năm, theo ông Phớc chủ yếu do khâu chuẩn bị đầu tư. “Thông thường, đầu năm là thời điểm lập các dự án đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng… “ – ông nói và cho biết năm tháng đầu năm 2024 mới giải ngân được khoảng 13,7%. Sau đó dồn chi, giải ngân vào cuối năm nên số liệu cuối năm sẽ cao hơn.

Về dự toán ngân sách 2022 không sát, ông Phớc lý giải năm 2022 là năm dịch COVID-19, những tháng đầu năm tăng trưởng thấp nhưng từ Quý III lại nhảy vọt lên và tới cuối năm tăng trưởng đạt 8,02%.

“Đây là nỗ lực lớn trong thúc đẩy sản xuất kinh doanh để tăng trưởng GDP nên thu ngân sách tăng theo” – người đứng đầu ngành tài chính khẳng định.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) bày tỏ lo ngại về tình trạng nợ xây dựng cơ bản đang gia tăng. Bà nói vấn đề này đã được nêu tại kỳ họp thứ 5 (năm 2023), trong đó cần đánh giá thực trạng, đầy đủ bức tranh nợ này.

Bà Mai cho rằng dù cố gắng nhưng nợ xây dựng cơ bản chưa giảm và đã xuất hiện nợ mới. Tức là không chỉ tồn tại nợ xây dựng cơ bản từ 1-1-2015 trở về trước mà báo cáo Kiểm toán Nhà nước phát hiện thêm hơn 4.000 tỉ đồng nợ xây dựng cơ bản năm 2022.

“Nếu không rốt ráo xử lý thì tiếp tục phát sinh nợ mới, trong đó có khoản liên quan doanh nghiệp đầu tư, khi họ đã vay vốn ngân hàng để làm các dự án đầu tư công”- bà Mai nói và cho rằng cần tránh ảnh hưởng tối đa tới các doanh nghiệp, bởi họ “đã trao niềm tin, vay vốn để làm các dự án công”.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội). Ảnh: QH

Từ đó, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị các cơ quan cần rà soát kỹ lưỡng, kịp thời thanh toán cho doanh nghiệp khi họ có khối lượng hoàn thành. Hiện khâu thanh toán đã được Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước đẩy nhanh, tức chỉ cần chủ đầu tư, nhà thầu xác định khối lượng hoàn thành, sau ba ngày gửi lên họ sẽ được thanh toán.

Dù vậy, bà Mai cho rằng vẫn còn tình trạng nhiều chủ đầu tư chưa vào cuộc, tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu. Điều này dẫn tới tình trạng cách bố trí, phân bổ vốn chưa chú trọng tới xử lý nợ xây dựng cơ bản, trong khi đây là vấn đề cần ưu tiên.

Cạnh đó, bà Mai cũng lo ngại đang tái diễn bức tranh nợ xây dựng cơ bản nghiêm trọng như năm 2015 trở về trước. Do vậy, bà đề nghị Chính phủ báo cáo rõ, làm rõ trách nhiệm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới