Hiện vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của cán bộ, công chức, viên chức (CBCC-VC) là chính sách cải cách tiền lương thực hiện từ ngày 1-7-2024 và việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong thời gian tới… Đây cũng là những chính sách quan trọng được thực hiện trong năm 2024 này.
Nhân dịp năm mới, Pháp Luật TP.HCM đã có trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà để làm rõ hơn về tác động của những chính sách này đối với đời sống, tâm lý… của CBCC-VC.
Lương giáo viên, bác sĩ cao hơn mặt bằng chung
. Phóng viên: Điều được CBCC-VC và người lao động mong đợi nhất có lẽ là việc thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2024. Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm thông tin về việc này?
+ Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Đây chính là một trong những nhiệm vụ lớn nhất của Bộ Nội vụ trong năm 2024. Khi nói đến cải cách tiền lương, điều đầu tiên ai cũng nghĩ đến là sẽ được tăng lương. Đây cũng là điều mà bản thân tôi cũng như hàng triệu CBCC-VC trông đợi.
Theo phương án cải cách tiền lương, từ ngày 1-7, dự kiến tiền lương bình quân chung của CBCC-VC sẽ được tăng khoảng 30%, tính cả lương cơ bản và phụ cấp. Mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hằng năm khoảng 7% từ năm 2025.
Trong ba năm qua, mặc dù chúng ta chưa thực hiện cải cách tiền lương nhưng đã hai lần điều chỉnh mức lương cơ sở, tăng 29,5%. Như vậy, tính tổng lại từ năm 2021 (thời điểm dự kiến thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 Trung ương khóa XII) đến ngày 1-7 tới, lương của CBCC-VC tăng bình quân chung khoảng 60%. Con số này tuy không phải là vượt bậc nhưng cũng là mức tăng đáng kể so với con số tăng bình quân mỗi năm 7% khi chưa thực hiện cải cách tiền lương.
Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ, cũng như Bộ Nội vụ và các bộ, ngành trong triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27, nhất là trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn sau tác động của đại dịch COVID-19.
Một điểm đáng chú ý, khi thực hiện cải cách tiền lương là lương viên chức, nhất là viên chức giáo dục và y tế sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức và viên chức khác. Bởi chúng ta đang thực hiện cải cách chính sách tiền lương gắn với thực hiện nghị quyết về phát triển căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, y tế. Đặc biệt, đợt dịch COVID-19 vừa qua cho thấy cần phải quan tâm nâng cao đời sống của đội ngũ thầy giáo và thầy thuốc nhiều hơn nữa.
Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm, điều chỉnh hỗ trợ để đảm bảo tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) của giáo viên, bác sĩ được tăng lên tương ứng với yêu cầu và vị trí việc làm của họ. Qua đó vừa bảo đảm mặt bằng tiền lương chung của CBCC-VC, vừa thể hiện ưu đãi đối với hai ngành này.
Người đứng đầu có thể sử dụng nguồn chi thường xuyên để thu hút người tài
. Chính phủ giao Bộ Nội vụ phải hoàn thành vị trí việc làm trong tháng 3 tới, làm cơ sở để thực hiện cải cách tiền lương. Vậy bộ đã triển khai nhiệm vụ này như thế nào, thưa bà?
+ Bộ Nội vụ đã phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương (cơ quan chủ trì tham mưu xây dựng vị trí việc làm trong hệ thống chính trị), các bộ, ngành, địa phương kịp thời hướng dẫn, điều chỉnh các chính sách liên quan, cố gắng hoàn thành trước ngày 31-3 để kịp thời xây dựng phương án trả lương và áp dụng chính sách tiền lương mới từ ngày 1-7.
Trong đó, Bộ Nội vụ đang phối hợp hướng dẫn các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng, hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm “là giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách chính sách tiền lương”.
Đây là một nhiệm vụ nặng nề, áp lực nhất khi thực hiện cải cách tiền lương. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ Chính phủ giao.
. Các bước tiếp theo để thực hiện cải cách tiền lương là gì, thưa Bộ trưởng?
+ Tới đây, Bộ Chính trị sẽ xem xét, thông qua chủ trương, nguyên tắc về những nội dung cơ bản của chính sách tiền lương mới của toàn hệ thống chính trị để làm cơ sở cho các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản về chế độ tiền lương của CBCC-VC và lực lượng vũ trang từ Trung ương đến cấp xã, thực hiện từ ngày 1-7.
Bộ Nội vụ đang tích cực tham mưu xây dựng nghị định về chế độ tiền lương mới đối với đối tượng thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Bộ cũng phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương trình Ban Bí thư ban hành quyết định về chế độ tiền lương mới đối với các cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; phối hợp với Ban Công tác đại biểu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về chế độ tiền lương mới đối với đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong đó, Bộ Nội vụ đang tham mưu cho cấp có thẩm quyền xây dựng hệ thống bảng lương gồm lương cơ bản chiếm 70% và phụ cấp 30% tổng quỹ lương. Ngoài ra còn có thêm 10% quỹ lương cơ bản để người đứng đầu cơ quan, đơn vị khen thưởng. Người đứng đầu có quyền trong việc ban hành cơ chế để sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên thuê chuyên gia, thu hút và trọng dụng những người có tài năng vào trong khu vực công.
Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính ban hành hệ thống thể chế làm căn cứ cho các bộ, ngành, địa phương có thể sử dụng nguồn ngân sách này thu hút và trọng dụng người có tài năng vào trong khu vực công.
Lương chuyên gia cao cấp sẽ tương đương lương bộ trưởng, thứ trưởng
. Một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Bộ Nội vụ là xây dựng và hoàn thiện thể chế liên quan đến tổ chức bộ máy, CBCC-VC. Nhiệm vụ cụ thể này trong năm 2024 là gì?
+ Chúng tôi đang tập trung để cố gắng đến tháng 10 hoàn thành việc nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức. Đặc biệt là Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Chính quyền địa phương để thúc đẩy thực hiện phân cấp, phân quyền cũng như đổi mới nền hành chính từ Trung ương đến cấp địa phương.
Bộ cũng sẽ hoàn thiện các chính sách để thu hút và trọng dụng người có tài năng; tiếp tục đổi mới chế độ công vụ, công chức. Đồng thời đưa ra những tiêu chí, tiêu chuẩn, những quy định cụ thể, cơ cấu, tỉ lệ phù hợp để các bộ, ngành, địa phương có căn cứ thực hiện việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và nghiên cứu việc xét nâng ngạch công chức.
Chúng ta phải đánh giá đúng, công bằng, đồng thời tạo động lực để cán bộ, công chức phấn đấu. Trong đó có người phấn đấu đi theo hướng chuyên gia cao cấp, một nhánh nữa nếu đủ năng lực, điều kiện sẽ quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm các chức danh, chức vụ lãnh đạo.
Trong đó, phải tính đến hướng của phát triển đội ngũ công chức theo hướng chuyên nghiệp và xây dựng đội ngũ chuyên gia cao cấp. Lương của những chuyên gia cao cấp sẽ tương đương với lương của bộ trưởng, thứ trưởng như vậy mới khuyến khích được đội ngũ chuyên gia. Chúng tôi sẽ xây dựng cơ chế thuê chuyên gia cao cấp, thu hút và trọng dụng nhân tài.
. Xin cảm ơn Bộ trưởng.
Chưa đề xuất sắp xếp, sáp nhập bất cứ tỉnh, TP nào
Một trong những nhiệm vụ quan trọng khác của Bộ Nội vụ cũng như của các địa phương trong năm 2024 là việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã.
Tính đến ngày 31-12-2023, 56/56 địa phương có ĐVHC cấp huyện, xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 đã gửi phương án tổng thể đến Bộ Nội vụ. Qua tổng hợp, số ĐVHC cấp huyện, xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 có một số thay đổi so với dự kiến ban đầu.
Theo dự kiến, cả nước có 33 ĐVHC cấp huyện và 1.327 ĐVHC cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp. Tuy nhiên sau khi rà soát, tổng số ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp là 50, trong đó 11 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 16 đơn vị khuyến khích và 23 đơn vị liền kề; không thực hiện sắp xếp 19 đơn vị do có yếu tố đặc thù. Dự kiến sau khi sắp xếp, sáp nhập, cả nước sẽ giảm 14 ĐVHC cấp huyện.
Còn tổng số ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.243. Trong đó, 738 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 109 đơn vị khuyến khích và 396 đơn vị liền kề; không thực hiện sắp xếp 515 đơn vị do có yếu tố đặc thù. Dự kiến sau khi sắp xếp, sáp nhập sẽ giảm 619 ĐVHC cấp xã.
Tổng hợp chung lại, số các ĐVHC cấp huyện, cấp xã sắp xếp, sáp nhập trong năm 2024 không có biến động lớn so với dự kiến ban đầu.
Hiện Bộ Nội vụ cũng chưa tính toán hay đề xuất gì về việc sắp xếp, sáp nhập bất cứ tỉnh, TP nào. Tôi khẳng định những thông tin đăng trên mạng xã hội trong thời gian qua về việc sáp nhập tỉnh, TP là không chính xác, không có căn cứ khiến nhân dân một số địa phương băn khoăn, làm ảnh hưởng đến tâm lý xã hội.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ PHẠM THỊ THANH TRÀ
******