Sớm công bố phương án điều chỉnh tiền lương từ 1-7 để đảm bảo thực hiện đồng bộ

(PLO)- Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm điều chỉnh tăng tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và sớm công bố phương án điều chỉnh tiền lương từ 1-7.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội ngày 29-5, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) đã bày tỏ quan tâm đến vấn đề giáo dục. Theo bà, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp giữ vai trò nòng cốt, có tính chất đột phá, quyết định sự thành công của sự nghiệp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề bất cập như một số bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, giáo dục nghề nghiệp. Chưa chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn nhân lực để đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt là nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp chưa được quan tâm.

Sớm công bố phương án điều chỉnh tiền lương từ 1-7 để đảm bảo thực hiện đồng bộ
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình). Ảnh: PHẠM THẮNG

Các chính sách để thu hút đội ngũ những người có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề cao cũng chưa đủ mạnh. Công tác dự báo nhu cầu về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp chưa hiệu quả, chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, nhất là đối với cán bộ, công chức, viên chức nhiều nơi chưa gắn với yêu cầu công việc, vị trí việc làm…

“Nếu so sánh với những người cùng trình độ đào tạo làm việc trong lĩnh vực sản xuất hoặc trong các lĩnh vực khác thì mức lương thu nhập của nhà giáo dục nghề nghiệp thấp hơn rất nhiều” – đại biểu nói và nhìn nhận đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng không thu hút được người giỏi trong lĩnh vực này.

Đại biểu Dung cho rằng những hạn chế, bất cập nêu trên đang làm ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và thị trường lao động.

Để góp phần khắc phục những vấn đề trên, bà đề nghị Quốc hội đồng ý cho xây dựng Luật Nhà giáo và bổ sung dự án Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Trong đó quy định đầy đủ các nội dung nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp trong thời kỳ mới.

Bà cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Chỉ thị 21 của Ban Bí thư, Chiến lược quy hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt ưu tiên bố trí nguồn lực cho các nội dung như phát triển đội ngũ và triển khai các bộ công cụ, chỉ số đo lường, đánh giá chất lượng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp.

Một kiến nghị khác của nữ đại biểu này là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) thì đề nghị chính phủ quan tâm điều chỉnh tăng tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và sớm công bố phương án điều chỉnh tiền lương.

Ông cho rằng việc này là để các địa phương có cơ sở xây dựng các dự thảo văn bản sửa đổi các chế độ, chính sách đã ban hành đang lấy mức lương cơ sở làm căn cứ tính. “Song song đó là hoàn thiện các văn bản hướng dẫn chế độ, chính sách cho người hưởng lương, đảm bảo thực hiện đồng bộ ngay từ ngày 1-7” – đại biểu nói.

Trong báo cáo Tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, cho thấy có ý kiến cho rằng dù có chủ trương cải cách tiền lương nhưng nhiều cơ quan đang gặp phải tình trạng lương giảm, không đáp ứng được yêu cầu tái tạo sức lao động.

Cũng có ý kiến cho rằng cải cách tiền lương thì cần tính toán chi tiết để phản ánh đúng thu nhập và cải thiện cuộc sống của người lao động, cán bộ, công chức. Bởi vấn đề này đang gặp nhiều ý kiến bất đồng và có thể gây động lực giảm của người lao động nếu không tính toán kỹ lưỡng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm