Thẩm phán Nguyễn Thành (Chánh án TAND TP Đà Nẵng) nhận xét bỏ vành móng ngựa, và thay bằng bàn cho bị cáo tại phiên tòa hình sự không đơn thuần chỉ là thay đổi về mặt hình thức. Theo Thẩm phán Thành, đây là một bước tiến bộ trong nền tố tụng, có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và quyền lợi của bị cáo. Nếu được ủng hộ, TAND TP Đà Nẵng sẽ đi tiên phong.
Bị cáo phải được nói, dám nói, tự tin nói
Thẩm phán Thành chia sẻ: “Tôi chưa có bản vẽ chính thức về chiếc bàn dành cho bị cáo nhưng trong đầu tôi đã hình dung ra nó. Theo tôi, chiếc bàn được thiết kế cao ngang ngực người để bị cáo phải đứng chứ không thể ngồi. Đằng trước chiếc bàn thiết kế bằng các thanh gỗ chạy dọc có trụ để đảm bảo tính uy nghiêm. Nhưng bàn thiết kế ngang, mặt bàn rộng khoảng 30 cm để tạo điều kiện thuận lợi cho bị cáo trưng các tài liệu chứng cứ, giấy tờ liên quan để tự tin khi trả lời xét hỏi và tranh luận”.
Theo Thẩm phán Thành, mục đích cuối cùng của sự thay đổi này là nhằm thể hiện sự tôn trọng và đảm bảo quyền lợi cho bị cáo. Mặt khác, bị cáo đứng ở bàn dành riêng cho mình sẽ có tâm lý hoàn toàn khác với đứng trước vành móng ngựa. Bị cáo sẽ tự tin hơn và HĐXX sẽ lắng nghe được nhiều vấn đề hơn để từ đó ra phán quyết đúng đắn.
Ủng hộ ý tưởng này, luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng nhìn bị cáo đứng trước vành móng ngựa sẽ thấy ngay rằng bị cáo như đang bị giam. Mà đã bị giam thì không thể thoải mái khi trả lời. Việc sử dụng bàn dành cho bị cáo thể hiện sự văn minh của phiên tòa khi giá trị con người của bị cáo được tôn trọng.
“Phải cho họ được nói, dám nói và tự tin nói. Bị cáo được tôn trọng về chỗ ngồi thì họ sẽ có một tâm thế, một tư tưởng thoải mái, bình đẳng. Họ sẽ yên tâm và dễ dàng trình bày quan điểm của họ. Biết đâu chính sự thoải mái đó mà bị cáo trình bày được đầy đủ hơn, rõ ràng hơn, chỉ ra được những khúc mắc của vụ án. Còn việc xem xét các lời khai, tranh luận của bị cáo ở mức độ nào là thuộc về trách nhiệm của HĐXX. Như vậy HĐXX sẽ lắng nghe và ra bản án chính xác hơn” - luật sư Quý nói.
Nhiều ý kiến ủng hộ thay đổi vành móng ngựa hiện nay bằng bàn cho bị cáo. Ảnh: D.HẰNG
Đảm bảo quyền công dân của bị cáo
Nguyên thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM Phạm Công Hùng nhận xét: “Tôi rất ủng hộ thay đổi vành móng ngựa bằng bàn dành cho bị cáo bởi đó là điều đúng đắn. Trên thực tế, việc sử dụng vành móng ngựa đã tạo không gian cách biệt giữa bị cáo so với những người tham gia tố tụng khác. Ở đây, anh ở trại giam ra, anh ra tòa anh bị chui vào cái vành móng ngựa, người khác nhìn vào giống như anh đã có tội rồi. Trong khi luật của mình đã khẳng định không ai bị xem là có tội khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa”.
Ông Hùng góp ý thêm: Để đảm bảo tính uy nghiêm và trật tự phiên tòa thì có thể thiết kế chiếc bàn dành cho bị cáo khác đi một chút so với bàn của những người tham gia tố tụng khác tại tòa. Chiếc bàn nên thiết kế chặt, vững chắc nhằm hạn chế trường hợp bị cáo manh động đạp đổ bàn. Kèm theo đó, phía dưới của bàn cũng nên có các phương tiện hỗ trợ kèm theo để cản trở khi bị cáo manh động.
Một kiểm sát viên VKSND TP.HCM cũng ủng hộ sự thay đổi này và cho biết có nhiều vụ án, nhất là các vụ án bị cáo thuộc nhóm tội phạm kinh tế (được tại ngoại) đã mang cả xấp giấy tờ, tài liệu tới phòng xử nhằm phục vụ cho việc tự bảo vệ mình. Nếu cho họ cái bàn thì họ sẽ trưng hết lên đó, khi trình bày họ sẽ lục tìm tài liệu thoải mái, dễ dàng hơn.
“Nhiều người nói thay đổi về hình thức không quan trọng bằng nội dung. Nhưng theo tôi có thay đổi về hình thức thì nội dung mới đảm bảo. Ở đây, thay chiếc vành móng ngựa bằng bàn dành cho bị cáo sẽ đảm bảo quyền công dân cho bị cáo” - vị kiểm sát viên này khẳng định.
Cho bị cáo ngồi cạnh luật sư Tại hội thảo bàn về đề án đổi mới trang phục của thẩm phán, hội thẩm và mô hình phòng xét xử do TAND Tối cao vừa tổ chức tại Hà Nội, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ đã đề xuất nên để cho bị cáo ngồi cạnh luật sư tại phiên tòa: “Bình thường họ ngồi ở vị trí gỡ tội. Luật sư là người bào chữa cho bị cáo nên giữa họ phải có sự giao tiếp nhất định để thực hiện chức năng gỡ tội”. Ông Độ cũng cho hay ông đã đi khoảng 40-50 nước trên thế giới, đến đâu ông cũng tới tham quan phòng xử án của họ. Đa số các nước ông ghé qua phòng xét xử không có vành móng ngựa, chỉ có bục khai báo. Bị cáo ngồi ở đâu thì đứng dậy khai báo ở đó (thông thường sẽ ngồi cạnh người bào chữa). Bị cáo bị cách ly thì thường ngồi ở phòng kính cường lực trong suốt, có thể giao tiếp bình thường. Đặc biệt, bị cáo không bị cùm tay, cùm chân… |