Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ít khi nào dùng những từ mạnh mẽ như thế khi nói về những cải cách của các bộ, ngành.
Nhưng hôm 23-2, ông Lộc đã nói như thế về Nghị định 15/2018 của Chính phủ do Bộ Y tế trình. Bởi đơn giản là nghị định ấy cắt giảm tới 90% thủ tục hành chính liên quan tới kiểm tra an toàn thực phẩm. Sở dĩ ông Lộc gọi đó là “cuộc cách mạng” bởi chỉ mới mấy tháng trước đây, Bộ Y tế có vẻ rất kiên quyết nói không với những đề nghị từ các hiệp hội và DN đòi sửa đổi Nghị định 38/2012 theo hướng bỏ hẳn những quy định vô lý, hình thức, tạo kẽ hở cho tham nhũng.
Điều này trái ngược với tuyên bố của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long hôm 23-2 rằng: “Sẽ không còn tình trạng một chiếc bánh sôcôla cõng 13 giấy phép, không còn chuyện thủ tục đẻ ra thủ tục, DN tự công bố và chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn chất lượng…”.
Nhưng không chỉ có riêng Bộ Y tế, Bộ Công Thương trước đó cũng được DN và người dân hoan nghênh khi cuối năm 2017 tuyên bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh còn khẳng định đó không phải là “cuộc phiêu lưu”. Tuyên bố ấy được cụ thể hóa bằng nghị định của Chính phủ.
Đương nhiên cũng phải kể đến những chuyển động cải cách ở các bộ, ngành khác, tiêu biểu là Bộ Xây dựng. Bộ này trong một hội thảo cuối năm 2017 đã tuyên bố chỉ giữ lại 15% điều kiện kinh doanh của ngành mình và đề xuất sửa đổi tới bốn luật, bỏ bốn ngành nghề kinh doanh có điều kiện ra khỏi danh mục.
Và những cải cách tích cực ấy được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ngày 28-2 lưu ý: “Việc cắt giảm, sửa đổi và bãi bỏ phải thực chất chứ không sửa đổi, bãi bỏ theo kiểu cơ học, không mang tính sửa câu chữ, không mang tính bỏ cái nọ, mọc cái khác”.
Những cải cách cụ thể, thiết thực như kể trên chắc chắn sẽ mang lại động lực lớn cho DN và người dân khi quyền tự do kinh doanh được tôn trọng hơn. Tham nhũng chính sách vì thế cũng được hạn chế và tình trạng các DN phải “đi đêm”, “lót tay” sẽ giảm thiểu, cũng sẽ không còn nhiều những “cái bẫy” do các bộ, ngành giăng ra để úp sọt các DN.
Sự kiên quyết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây, việc nhiều bộ “vừa nói vừa làm” chắc chắn là tín hiệu tốt để khắc phục căn bệnh “trên bảo dưới không nghe, trên nóng dưới lạnh”!
“Chính phủ hành động” trong mắt dân cần phải giữ được đà như thế, bởi “chỉ nói miệng là không thiêng”!