Choáng váng, xây xẩm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất vẫn ở nhóm người cao tuổi. Nỗi lo sợ bị choáng váng, xây xẩm khiến những người cao tuổi luôn tìm cách hạn chế các hoạt động thể chất và những hoạt động xã hội.
Phân biệt chóng mặt và hoa mắt
Sự xây xẩm, choáng váng (dizziness) là một thuật ngữ y học dùng để mô tả hai cảm giác khác nhau. Đó là sự chóng mặt (vertigo) và đầu óc quay cuồng, hoa mắt.
Chóng mặt là một cảm giác mà bệnh nhân cảm thấy các vật thể chung quanh họ đang chuyển động. Bệnh nhân có cảm giác như họ bị xoay vòng vòng, té hoặc mất thăng bằng. Khi cơn chóng mặt đến hồi nghiêm trọng, bệnh nhân cũng sẽ bị buồn nôn và ói mửa. Bệnh nhân sẽ gặp khó khăn khi đứng hoặc khi đi, có thể bị mất cân bằng và té. Sẽ rất quan trọng nếu bạn nhận biết được tình huống của bạn khi bạn nói rằng bạn thấy xây xẩm, choáng váng vì sẽ giúp thầy thuốc thu hẹp lại những khả năng, nguyên nhân gây ra sự choáng váng.
Còn hoa mắt là một cảm giác mà người bệnh thấy rằng họ sắp té xỉu. Sự hoa mắt thông thường sẽ được cải thiện hoặc biến mất khi bệnh nhân được nằm nghỉ. Nếu bệnh trầm trọng hơn có thể dẫn đến sự bất tỉnh. Bệnh nhân đôi khi có cảm giác buồn nôn rồi sau đó là ói mửa.
Rối loạn của tai trong, viêm thần kinh tiền đình, chấn thương tai, chấn thương đầu, đau nửa đầu rất dễ dẫn đến choáng váng.
Các nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây ra chóng mặt bao gồm những rối loạn của tai trong, viêm thần kinh tiền đình, chấn thương tai, chấn thương đầu, đau nửa đầu. Những nguyên nhân ít gặp hơn bao gồm những bướu nhỏ mọc phần phía sau màng nhĩ, bướu não, ung thư di căn.
Sự hoa mắt, đầu óc quay cuồng thông thường không phải bị gây ra bởi những bệnh tật nghiêm trọng mà thường là do sự giảm huyết áp và lưu lượng máu tới não một cách đột ngột do thay đổi tư thế một cách đột ngột, chẳng hạn như từ vị trí ngồi, nằm chuyển sang vị trí đứng. Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như dị ứng, bệnh cảm cúm, sau khi ói mửa, tiêu chảy, sốt, cơ thể bị mất nước, thở sâu và nhanh, căng thẳng, lo âu, sử dụng thuốc lá, rượu bia và các loại thuốc gây ảo giác...
Một nguyên nhân quan trọng gây hoa mắt là sự mất máu. Sự mất máu nếu có thể quan sát được sẽ được can thiệp tức thời giúp cầm máu. Tuy nhiên, có những trường hợp chảy máu mà chúng ta không thể phát hiện được đó là xuất huyết đường tiêu hóa nhiều ngày hoặc nhiều tuần mà bệnh nhân không hề nhận biết. Những trường hợp bị mất máu nhiều trong kinh kỳ cũng sẽ gây nên hiện tượng hoa mắt.
Một nguyên nhân khác gây hoa mắt tuy ít phổ biến nhưng vẫn xảy ra đó là những bệnh nhân có nhịp tim bất thường (arrhythmia) có thể dẫn tới sự bất tỉnh. Vì vậy những trường hợp bất tỉnh không giải thích được thì cần phải được bác sĩ đánh giá, kiểm tra nhịp tim nhằm phát hiện ra những trường hợp loạn nhịp tim để được điều trị.
Thuốc cũng là thủ phạm
Hiện có rất nhiều dược phẩm bao gồm thuốc kê toa và thuốc không cần kê toa có thể gây ra chóng mặt, hoa mắt và mức độ của sự chóng mặt, hoa mắt thay đổi tùy theo loại dược phẩm. Sử dụng quá nhiều dược phẩm (overmedicating) cũng có thể gây ra sự choáng váng, xây xẩm, sự tương tác giữa rượu và dược phẩm cũng gây chóng mặt, hoa mắt. Vì vậy khi sử dụng một loại dược phẩm nào mà bệnh nhân cảm thấy hoa mắt, chóng mặt thì cần phải thông báo cho bác sĩ, dược sĩ. Điều tối quan trọng là không được uống rượu bia trong khi đang sử dụng dược phẩm.