. Phóng viên: Thưa bác sĩ, người ta nói rất nhiều về tác hại khi ăn mì gói. Điều này có đúng?
+ BS CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM:
Nhìn chung mì gói không độc hại, vì hiểu đơn giản rằng là thực phẩm được cấp phép của Bộ Y tế thì không gây độc hại cho người tiêu dùng. Nhưng nếu ăn liên tục kéo dài sẽ không có lợi cho sức khỏe, vì mì gói không cân đối các chất dinh dưỡng do nó có nhiều chất bột đường. Thay thế bữa ăn bằng mì gói sẽ thiếu chất đạm, các loại vitamin từ rau xanh, không có lợi cho sức khỏe.
. Ăn liên tục, kéo dài cụ thể là như thế nào thưa bác sĩ?
+ Ăn thường xuyên hay liên tục, kéo dài ở đây còn phụ thuộc vào thể trạng của từng người và lứa tuổi, chúng ta không nên đặt ra một khuyến nghị chung rằng liên tục và kéo dài là bao lâu, trên một tuần hoặc một tháng. Do đó cần tự biết cân đối dinh dưỡng, hạn chế thực phẩm chế biến. Hiện nay, theo khuyến nghị về mặt dinh dưỡng, chúng ta nên ăn các loại ngũ cốc còn thô như gạo, bắp, khoai, bột mì... và thịt, rau củ tự nhiên hơn là thực phẩm chế biến.
. Phải hiểu mì gói như thế nào cho đúng, thưa bác sĩ?
+ Không nên ăn thường xuyên. Nếu muốn mì gói trở thành một bữa ăn phải bổ sung chất đạm như thịt gà, thịt heo, trứng..., bổ sung các loại rau để cung cấp chất xơ như một ít giá, cà chua, đậu hũ, rau xanh... Đồng thời, trong sợi mì có một chút muối cũng tương đương với các thực phẩm khác nhưng trong gói mì còn có thêm gói gia vị, khi chế biến chỉ nên cho một ít gia vị này để giảm bớt lượng muối. Nếu ăn nhiều muối sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp.
Khi ăn mì gói cần bổ sung các loại rau củ, chất đạm thực vật để cân bằng dinh dưỡng. Ảnh minh họa: Internet
Không nên ăn mì gói vào bữa tối và ăn liên tục kéo dài, dù chúng ta cân đối thành phần dinh dưỡng như thế nào cũng sẽ gây ra các vấn đề cho chuyển hóa và bị béo phì. Bởi công nghệ để sản xuất ra mì ăn liền đã làm mì gói chứa một hàm lượng chất béo transfat. Chất béo này không có lợi cho hệ tim mạch của cơ thể, dễ làm xơ vữa động mạch, nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Như đã nói, bản chất của mì gói không xấu, chỉ khi ăn liên tục kéo dài mới gây bất lợi hay gây hại cho sức khỏe. Vì vậy, lạm dụng mì gói như một bữa ăn chính sẽ không có lợi cho sức khỏe. Chúng ta nên chọn mua những loại mì mà trong thành phần có bổ sung các vi chất dinh dưỡng như nhóm chất vitamin B hay hàm lượng muối ít, có ít chất béo bão hòa...
Về mặt dinh dưỡng, chúng ta nên ăn 15-20 loại thực phẩm mỗi ngày, do đó tốt nhất hãy ăn thực phẩm càng gần tự nhiên càng tốt.
. Vậy bún ăn liền, phở ăn liền.... có tốt hơn mì ăn liền không?
+ Về bản chất, chúng cũng là thực phẩm chế biến chứ không phải là thực phẩm thiên nhiên. Nhìn chung, bún ăn liền hay phở ăn liền... cũng là một dạng thực phẩm chế biến công nghiệp, chỉ khác mì ăn liền ở thành phần chất béo bão hòa và chất béo trans, nên dẫu sao ăn nhiều cũng không đảm bảo tính cân đối trong chế độ ăn uống.
. Ăn mì nóng, gây mụn?
+ Điều này không được chính xác vì nổi mụn do rất nhiều nguyên nhân. Có một số người ăn nhiều mì gói thường xuyên, bị nổi mụn khả năng là do chế độ ăn không cân đối. Có một hạn chế là người tiêu dùng coi mì gói là một bữa ăn, mà bữa ăn chỉ toàn bột đường, nhiều chất béo trans, nhiều muối, thiếu chất xơ và đạm. Do đó nó làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa cũng như quá trình đào thải các chất thải của cơ thể, khiến cho người ăn bị nổi mụn.
. Theo thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA), Việt Nam cũng là một trong số 15 quốc gia đang tiêu thụ mì gói hàng đầu thế giới, xếp vị trí thứ tư, kế sau Nhật Bản (vị trí thứ ba) và ngay trước Mỹ (vị trí thứ năm). Liệu phải chăng người Việt chưa quan tâm đến bữa ăn dinh dưỡng?
+ Điều này cần phải có thêm nhiều nghiên cứu chứ không thể khẳng định như vậy được. Thực chất mì gói thường được tiêu thụ ở các nước châu Á, còn ở châu Âu họ chỉ tiêu thụ các loại bánh mì. Do đó có thể trong các quốc gia tiêu thụ mì ăn liền, Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ tư.
Nếu tính theo các thống kê quốc gia, nhìn chung tính cân đối trong bữa ăn của chúng ta đang ở giai đoạn tốt nhất. Do đó phải tính đến các trường hợp, các nhóm người, vùng miền... có thể do bận rộn hoặc kinh tế không cho phép nên tiêu thụ mì gói nhiều hơn mức thông thường, do đó không có tính cân đối trong chế độ ăn.
Mọi người đang “tự đánh lừa mình” Đó là khẳng định của ThS tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung trên báo Tuổi Trẻ. Bà Nhung cho rằng việc nhiều người dù biết mì ăn liền không có lợi cho sức khỏe nhưng vẫn ăn, xuất phát từ thói quen thích dùng những thứ rẻ và tiện lợi. Mì gói lại là thực phẩm có thể dùng để “chữa cháy” trong rất nhiều tình huống. “Một nguyên nhân khác là do người tiêu dùng chưa thấy được tác hại thực sự của mì ăn liền vì nó không hiển hiện trước mắt. Cái gì không thấy ngay hậu quả thì dù biết là có hại, người ta vẫn hay tự đánh lừa mình để quên đi nỗi sợ đó” - ThS Trang Nhung nhấn mạnh. |