Mì ăn liền hay còn gọi là mì gói, được đóng gói cùng với các gia vị, hương liệu... chúng là món ăn phổ biến trên toàn thế giới. Theo số liệu từ Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA), mỗi năm thế giới có gần 100 tỉ gói mì được tiêu thụ. Trong đó, Việt Nam có sức tiêu thụ mì xếp thứ tư về tiêu thụ mì trên thế giới chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản. Tuy nhiên, mì ăn liền thường được các chuyên gia cho rằng chúng không đem lại nhiều dinh dưỡng cho bữa ăn của bạn. Mặc dù trong mì ăn liền chứa hàm lượng carbohydrates và chất béo cao nhưng rất ít protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất, song theo một cách nào đó, chúng vẫn được sử dụng một cách phổ biến.
Theo các chuyên gia, mì ăn liền thực sự không tốt cho sức khỏe. Ảnh: Internet
Theo một nghiên cứu của ĐH Baylor và Harvard được công bố trên tạp chí dinh dưỡng cho thấy ăn mì ăn liền có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ, theo Washington Post.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích sức khỏe và chế độ ăn uống của gần 11.000 người Hàn Quốc trong độ tuổi 19-64 ăn mì ít nhất hai lần/tuần. Nghiên cứu cho thấy phụ nữ Hàn Quốc có nguy cơ cao bị hội chứng chuyển hóa do hàm lượng ramen họ tiêu thụ cao. Thật kỳ lạ, kết quả không được tìm thấy trên những người tham gia là nam giới, dù những người này ăn mì ăn liền nhiều hơn hai lần/tuần.
Theo các nhà nghiên cứu, thủ phạm được xác định là chất được tìm thấy trong ramen gọi là tertiary-butyl hydroquinone (TBHQ), một sản phẩm phụ của ngành công nghiệp dầu mỏ được sử dụng để bảo quản thực phẩm chế biến rẻ tiền. Và hội chứng trao đổi chất (hay hội chứng chuyển hóa) là một nhóm các điều kiện gia tăng nguy cơ bệnh tim và bệnh tiểu đường. Đồng thời hội chứng này cũng khiến con người tích tụ quá nhiều lượng mỡ thừa xung quanh vùng eo, nguy cơ đột quỵ và mắc các bệnh tim mạch.
"Việc tiêu thụ mì ăn liền làm tăng tỉ lệ mắc hội chứng chuyển hóa ở phụ nữ, không liên quan đến chế độ ăn uống chính", nghiên cứu đăng tải trên tạp chí dinh dưỡng đúc kết. Nói cách khác có nghĩa là một người phụ nữ tăng các nguy cơ về sức khỏe nếu ăn mì gói hai lần/tuần bất chấp chế độ ăn uống thường nhật với rau, thịt, cá hay thậm chí là đồ chiên, xào. Hyun Shin, ứng cử viên tiến sĩ Y tế cộng đồng Harvard, đồng thời là tác giả của nghiên cứu đã nhận định rằng: "Mặc dù mì ăn liền là một thực phẩm tiện lợi và ngon miệng, song không thể phủ nhận những nguy cơ cao bị mắc hội chứng chuyển hóa cho natri cao, chất béo bão hòa không lành mạnh..."
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu vẫn chưa tìm ra nguyên nhân vì sao việc tiêu thụ mì ăn liền chỉ có ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe của phụ nữ mà không ảnh hưởng đến nam giới. Giáo sư dinh dưỡng và dịch tễ học Frank Hồ tại ĐH Harvard cho rằng có thể do phụ nữ báo cáo về chế độ ăn uống của họ trong khảo sát chi tiết hơn nam giới hoặc do phụ nữ nhạy cảm hơn với tác động của carbohydrate, chất béo và muối. Trả lời phỏng vấn trên New York Times về việc ăn bao nhiêu là quá nhiều khi nói đến mì ăn liền, GS Hồ cho rằng ăn mì ăn liền một hoặc hai lần/tháng sẽ không xảy ra vấn đề gì.
Không chỉ thế, có rất nhiều nghiên cứu tại các quốc gia khác trên thế giới cũng cho thấy mối nguy hiểm tiềm ẩn bên trong những gói mì này.
Tại Ấn Độ, Cơ quan tiêu chuẩn an toàn thực phẩm Ấn Độ (FSSAI) đã phát hiện chì bị nhiễm trong mì ăn liền thương hiệu Maggi của Nestlé có chứa gấp bảy lần giới hạn cho phép. Cơ quan này ngay lập tức ra lệnh cấm tất cả chín biến thể của mì ăn liền Maggi đã được phê duyệt ở Ấn Độ và quy chúng thành sản phẩm "không an toàn và nguy hiểm cho con người".
Tại Hàn Quốc, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (KFDA) cũng đã tìm thấy một chất gây ung thư được gọi là Benzopyrene trong sáu thương hiệu mì do Nong Shim sản xuất năm 2012. Kết quả nghiên cứu này đưa ra buộc nhà sản xuất và các cơ quan y tế phải thu hồi sản phẩm trong và ngoài nước.
Hiện nay vẫn còn rất nhiều nghiên cứu cũng như lời khuyên của các chuyên gia về việc tiêu thụ mì ăn liền này...