Mì ăn liền vốn là một món ăn thay thế ngũ cốc phổ biến, tiện dụng, quen thuộc và kinh tế của các gia đình.
Trong một báo cáo được công bố gần đây nhất của công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel (P9/2017) cho thấy mì gói có mặt gần như 100% trong các hộ gia đình Việt. “Mì gói nằm trong tốp ngành hàng FMCG được mua sắm thường xuyên nhất của các gia đình, trung bình khoảng 18 lần/năm” - ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, cho biết. Có thể thấy mức độ thông dụng và phổ biến của món ăn này ra sao.
Dinh dưỡng bên trong mì gói
BS CKI Trần Thị Minh Nguyệt (Viện Dinh dưỡng NutiFood Việt Nam) cũng cho biết: "Trên thực tế mì ăn liền là một thực phẩm tiện lợi, dễ sử dụng, lại ngon miệng nên nhiều người thích dùng. Tuy nhiên, mì ăn liền không thể thay thế hoàn toàn những bữa ăn như cách chúng ta thường sử dụng vì thành phần dinh dưỡng của chúng không đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng và tính cân đối của khẩu phần, trong mì gói thành phần chủ yếu là bột đường và chất béo với tỉ lệ rất cao, giàu năng lượng nhưng rất ít đạm và vitamin, chất khoáng.
Trong 100 g mì ăn liền cung cấp 435 Kcal, 55 g chất bột đường, 19,5 g chất béo, 9,7 g đạm, tỉ lệ cung cấp năng lượng từ bột đường:béo:đạm là 51:40:9, trong khi khuyến nghị về dinh dưỡng tỉ lệ này nên là 55%-60% từ bột đường, 20%-25% từ chất béo và 12%-15% từ chất đạm”.
Chưa kể muốn đầy đủ dưỡng chất cơ thể chúng ta cần bốn nhóm thực phẩm chính: Nhóm chất bột đường, nhóm chất đạm, nhóm chất béo và nhóm vitamin, khoáng chất. Do đó nếu lạm dụng và ăn quá nhiều mì ăn liền thay cho cả bữa chính và bữa phụ, ăn khi túi đang ít tiền và ăn vì tiện lợi và thoải mái sẽ để lại những bất lợi không hề nhỏ cho cơ thể chúng ta.
Ăn mì gói như thế nào cho dinh dưỡng?
Nên bổ sung thịt, trứng, nấm... và bổ sung nhóm rau. Ảnh: NGUYÊN HÀ
Về mì ăn liền khó tiêu, theo PGS.TS Lê Bạch Mai trả lời trên báo chí: “Quá trình tiêu hóa thức ăn trong cơ thể trải qua một chặng đường dài, đi từ miệng đến thực quản, dạ dày, ruột non và cuối cùng là ruột già, với sự trợ giúp của các cơ quan khác như tuyến tụy, gan và túi mật. Quá trình này xảy ra với mọi loại thức ăn, kể cả mì gói. Khi ăn mì gói, một phần tinh bột có trong sợi mì đã được tiêu hóa ngay tại khoang miệng. Và theo cơ chế tiêu hóa như vậy, việc mì gói tồn tại sau 2h tiêu hóa trong dạ dày là bình thường.”
Về trụng mì trước khi ăn, theo BS Lương Lễ Hoàng: “việc trụng mì qua 1 lần rồi mới ăn là không cần thiết, thậm chí không nên vì làm mất đi khẩu vị độc đáo của món ăn này”
Theo số công ty sản xuất thì “Trụng mì trước khi ăn là hoàn toàn không nên, vì như vậy sẽ làm giảm độ ngon của sản phẩm. Thêm vào đó, tùy vào hương vị các hãng mì đã sử dụng các gia vị tấm ướp phù hợp cho từng hương vị sản phẩm, cũng như sử dụng chiết xuất từ củ nghệ để tẩm vào sợi mì nhằm tạo màu sắc, mùi vị thơm ngon cũng như cung cấp thêm dinh dưỡng cho người sử dụng. Vì thế, trụng mì khi ăn sẽ làm mất đi một phần dinh dưỡng cũng như hương vị đặc trưng hấp dẫn của mì ăn liền.”
Tuy không thể phủ nhận sự tiện lợi của mì ăn liền trong cuộc sống nhưng dù ăn gì thì điều độ vẫn là yếu tố quan trọng nhất và chế biến món ăn sao cho đủ dưỡng chất, để cơ thể đủ năng lượng cho một ngày lao động hiệu quả.