Bước ngoặt Facebook mua bản quyền bóng đá

Ngày 21-9, Bộ TT&TT tổ chức hội thảo về hoạt động truyền hình cáp và bản quyền truyền hình tại TP Đà Nẵng. Tại đây, bà Trịnh Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Phát thanh-Truyền hình (Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT), cho biết thực trạng vi phạm bản quyền truyền hình đang rất phổ biến trên Internet.

Theo bà Hằng, Việt Nam hiện có 450 mạng xã hội được cấp phép. Chính những trang mạng xã hội, trang thông tin này đã tạo ra sự cạnh tranh, áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT (các ứng dụng và các nội dung như âm thanh, video… được cung cấp trên nền tảng Internet) tại VN.

 “Cá biệt có những trường hợp đối tượng vi phạm bản quyền lại chính là các công ty cung cấp dịch vụ OTT của Việt Nam hoặc một số đài phát thanh-truyền hình tại địa phương, sử dụng những nội dung chưa có sự cho phép của chủ sở hữu” - bà Hằng nhấn mạnh.

Cũng theo bà Hằng, vụ vi phạm bản quyền Asiad 2018 mới đây nóng hơn mọi năm nhờ sức hút của đội U-23 Việt Nam. Do đó, giải đã khai mạc vài ngày nhưng Việt Nam không mua được bản quyền khiến dư luận rất bức xúc. “Đúng lúc này, trên mạng đã có nhiều website trong và ngoài nước cung cấp những trận đấu thể thao có đội tuyển Việt Nam tham gia. Người dân thì bằng cách này hay cách khác tìm cách để xem những trận đấu đó mà không quan tâm có vi phạm bản quyền hay không” - bà nói.

Từ mùa giải tới, người hâm mộ VN có thể sẽ được xem Ngoại hạng Anh trên Facebook. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo bà Hằng, tại thời điểm VTC có bản quyền Asiad 2018, Cục đã rà soát và xác định có tổng cộng 18 website vi phạm, trong đó trang Xoilac được nhiều người biết đến khi chia sẻ nhiều trận đấu của U-23 Việt Nam tại giải này. Ngay sau đó, Cục đã có văn bản gửi các doanh nghiệp công nghệ, viễn thông đề nghị chặn truy cập đối với các website vi phạm này.

“Sau khi 18 website vi phạm bị chặn thì ngay lập tức xuất hiện các tên miền khác cung cấp các nội dung vi phạm bản quyền tương tự. Hiện chỉ có Xoilac.TV bị chặn, còn các website khác đều thay đổi tên miền để hoạt động” - bà Hằng thông tin.

Câu chuyện bản quyền truyền hình thể thao cũng nóng lên khi mới đây Facebook tuyên bố đạt thỏa thuận trị giá 264 triệu USD phát sóng trực tiếp giải Ngoại hạng Anh trên nền tảng mạng xã hội của mình tại bốn quốc gia là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Cụ thể từ mùa giải 2019-2020, người dùng Facebook có thể xem trực tuyến các trận đấu của giải đấu này trên Internet thay vì qua truyền hình truyền thống.

Nói về việc Facebook mua bản quyền Ngoại hạng Anh, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh và Truyền hình, cho hay: “Việc này tôi đã nói nhiều trên báo chí rồi. Chắc chắn họ (Facebook - PV) sẽ sớm có thông báo việc này”. Cụ thể, trả lời báo chí, ông Lâm nhận định các đài truyền hình đang gặp cảnh không còn một mình làm chủ sân chơi với sự xuất hiện của các ông lớn công nghệ từ nước ngoài. Từ trước đến giờ, các hệ thống truyền hình gần như vẫn là người mua duy nhất đối với những sự kiện thể thao lớn của thế giới, có giá trị bản quyền cao. Không ông này mua thì ông khác mua, rồi lại chia sẻ với nhau… Cuộc chơi này có vẻ sẽ thay đổi.

Trước đó, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) kiến nghị Bộ TT&TT không cấp phép cho Facebook phát sóng giải bóng đá Ngoại hạng Anh (Premier League) nếu không đảm bảo yêu cầu kiểm duyệt, biên tập, biên dịch nội dung Việt hóa.

Không chỉ Facebook mà các gã khổng lồ công nghệ như Amazon, Google, YouTube, Netflix… cũng đang đua sở hữu bản quyền để phát sóng trực tiếp, độc quyền nhiều giải đấu thể thao lớn trên khắp thế giới. Họ đã lấn sân truyền hình truyền thống và đang để mắt tới thị trường Việt Nam. Đây có thể được xem là một bước ngoặt lớn.

Như vậy khán giả có thể là những người sẽ được hưởng lợi khi thị trường có thêm sự cạnh tranh, tuy nhiên với các đài truyền hình lại là bài toán đau đầu khi phải cạnh tranh với những gã khổng lồ như Facebook, Google.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới