Sau khi đi vòng vòng đến đoạn đường vắng, Xuyến và Duyên kêu ông Dũng dừng xe. Trong lúc ông Dũng mất cảnh giác, hai bị can dùng dao đâm nhiều nhát làm nạn nhân tử vong tại chỗ.
Sau khi gây án, cả hai cùng bỏ trốn lên TP.HCM, sau thời gian dài mới ra đầu thú (nhờ vậy bảy thanh niên bị bắt oan trước đó mới được minh oan). CQĐT Công an tỉnh Sóc Trăng xác định Duyên chưa đủ 14 tuổi nên lập hồ sơ để đưa vào trường giáo dưỡng. Còn Xuyến bị TAND tỉnh này tuyên phạt 12 năm tù về tội giết người, bốn năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt chung là 12 năm tù (mức án cao nhất cho người chưa đủ 16 tuổi).
Trước đó khi giải quyết một vụ tố cáo hiếp dâm (mà Duyên là nạn nhân), cơ quan tố tụng TP Rạch Giá (Kiên Giang) đã trưng cầu giám định. Kết quả giám định cho thấy tại thời điểm Duyên có quan hệ tình dục với người bị tố cáo (năm 2012), Duyên vào khoảng 16 tuổi ba tháng đến 16 tuổi sáu tháng. Dựa vào kết quả này, cơ quan tố tụng TP Rạch Giá đã không xử lý anh Trần Hải ML (người bị tố cáo) tội hiếp dâm trẻ em hay giao cấu với trẻ em.
Ấy vậy mà một năm sau, khi trở thành hung thủ giết người ở Sóc Trăng, Duyên lại được xác định chưa đủ 14 tuổi mặc dù lúc này có thêm một kết quả giám định khác kết luận Duyên khoảng 18 tuổi.
Rõ ràng ở đây đã có sự bất nhất giữa cơ quan tố tụng của hai địa phương và như thế, một trong hai địa phương phải có một nơi đã bỏ lọt tội phạm.
Lẽ nào một người ở tỉnh này thì đã hơn 17 tuổi, còn ở tỉnh kia thì chưa đủ 14 tuổi, trong khi sự thật thì chỉ có một? Lẽ nào cơ quan tố tụng địa phương này chấp nhận kết quả giám định, còn cơ quan tố tụng, địa phương kia thì không? Vì vậy cần thiết phải xác định lại độ tuổi của Duyên để giải quyết thấu đáo ở cả hai vụ án. “Quả bóng” trách nhiệm trong trường hợp này trước hết thuộc về cơ quan tố tụng tỉnh Sóc Trăng - nơi từng làm oan bảy thanh niên trong cùng vụ án này.
THÁI BÌNH