VỀ ĐỘ TUỔI CỦA NỮ SÁT THỦ TRONG ÁN OAN SÓC TRĂNG

Tòa án chưa làm hết trách nhiệm

LTS: Trên hai số báo trước, chúng tôi đã giới thiệu chuyện cơ quan tố tụng tỉnh Sóc Trăng không dựa vào hai kết quả giám định để xác định nữ hung thủ Lê Thị Mỹ Duyên đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, mà lại căn cứ vào giấy tờ hộ tịch để kết luận Duyên chưa đủ 14 tuổi. Về việc này, có hai luồng quan điểm khác nhau, một cho rằng cơ quan tố tụng tỉnh Sóc Trăng đúng, một cho rằng sai và nói nên trưng cầu giám định lại.

Số báo này, chúng tôi xin tạm khép lại diễn đàn bằng ý kiến của ThS Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao.

Đối với các vụ án mà độ tuổi của người phạm tội có ý nghĩa quyết định đến trách nhiệm hình sự thì việc thu thập tài liệu, chứng cứ cũng như sử dụng các biện pháp tố tụng để xác định tuổi thật của người phạm tội là vô cùng quan trọng, giống việc xác định một người có thực hiện hành vi phạm tội hay không (có tội hay bị oan).

Giấy chứng sinh - nguồn chứng cứ xác thực nhất

Một người sinh ra vào ngày, tháng, năm nào là khách quan, không ai có thể áp đặt được. Nhưng việc xác định lại phụ thuộc vào ý thức chủ quan của con người (người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng khác) nên có thể đúng, có thể sai, âu cũng là lẽ tất nhiên.

Luật hình sự nước ta quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng lại không quy định cách xác định tuổi chịu trách nhiệm hình sự như thế nào. Ví dụ, đủ tuổi là đủ năm, đủ tháng, đủ ngày, đủ giờ... hay chỉ đủ năm, đủ tháng? Các cơ quan tố tụng tuy có hướng dẫn nhưng cũng chỉ dừng lại ở chỗ đủ năm, đủ tháng, đủ ngày chứ chưa tính đến phải đủ giờ, đủ phút, đủ giây.

Nữ hung thủ Lê Thị Mỹ Duyên. Ảnh: CTV

Thực tế đã có trường hợp một người phạm tội sinh ra ở bệnh viện, trong giấy chứng sinh ghi cả phút, giờ và ngày tháng. Nếu tính theo ngày ghi trong giấy khai sinh thì người này đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng căn cứ vào giờ sinh trong giấy chứng sinh thì người này còn thiếu 11 tiếng đồng hồ nữa mới tròn 18 tuổi (tính đến giờ gây án). Trường hợp này, TAND Tối cao đã căn cứ vào giấy chứng sinh chứ không căn cứ vào giấy khai sinh. Vậy là bị cáo thoát án tử hình (chỉ chịu mức án cao nhất là 18 năm tù). Rõ ràng trong trường hợp này giấy chứng sinh còn quan trọng hơn cả giấy khai sinh.

Do vậy có thể nói giấy chứng sinh gốc là giấy tờ đáng tin cậy nhất, là nguồn chứng cứ xác thực nhất.

Tuy nhiên, trên thực tế không phải ai cũng có giấy chứng sinh, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa, những người khi mới sinh đã bị bỏ rơi… Do đó tất cả giấy tờ, tài liệu, lời khai, kết quả giám định của cơ quan chuyên môn đối với tuổi của người phạm tội chỉ là “nguồn chứng cứ” chứ chưa phải chứng cứ.

Vì vậy khi đã có nghi ngờ về tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì không được khẳng định giấy tờ, tài liệu, lời khai, kết luận giám định nào là đúng hay sai, mà phải phân tích, đánh giá để tìm ra sự thật khách quan. Nếu còn nghi ngờ thì phải trưng cầu giám định, phải điều tra xác minh thêm.

Lẽ ra tòa nên trả hồ sơ

Trong trường hợp hồ sơ vụ án có nhiều tài liệu khác nhau về tuổi của người phạm tội thì cũng không có nguyên tắc nào cho phép lấy tài liệu giấy tờ hay kết luận giám định về tuổi có lợi cho người phạm tội. Chẳng có nguyên tắc nào bắt buộc người tiến hành tố tụng phải xác định “có lợi” cho ai cả. Một số nước có nguyên tắc “suy đoán vô tội” nhưng cũng chỉ áp dụng khi có các chứng cứ gỡ tội và buộc tội không bên nào hơn bên nào.

Trở lại vụ án ở Sóc Trăng, ngoài các giấy tờ, hộ tịch của Lê Thị Mỹ Duyên (người cùng bị cáo Xuyến gây án) thì còn nhiều tài liệu khác thể hiện Duyên đã hơn 14 tuổi, có tài liệu lại được cơ quan tố tụng xác định trước đó Duyên đã trên 14 tuổi. Hơn nữa, kết luận giám định cho thấy Duyên đã 17 tuổi thì không có lý do gì mà người tiến hành tố tụng lại làm ngơ, chỉ đưa ra một lý do “không có gì phủ nhận được giá trị pháp lý của các giấy tờ hộ tịch thì phải căn cứ vào đây để kết luận”.

Tại sao cơ quan điều tra không tin vào kết quả giám định mà lại tin vào cơ quan tư pháp-hộ tịch ở xã, phường? Ai dám bảo đảm chắc chắn rằng các giấy tờ đó là chính xác, trong khi hung thủ Duyên không có giấy chứng sinh?

Lẽ ra khi thụ lý vụ án, thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải nghiên cứu thấy sự mâu thuẫn lớn về tuổi của Duyên, phải trả hồ sơ vụ án cho VKS điều tra bổ sung. Đằng này, tòa đã vội tin vào cơ quan điều tra và VKS để chỉ xét xử và kết án Phan Thị Kim Xuyến.

Khắc phục bằng thủ tục giám đốc thẩm

Việc giải quyết vụ án này như thế nào cũng là vấn đề cần bàn. VKS chỉ truy tố Xuyến, tòa án cũng kết án Xuyến chứ chưa kết án Duyên; nếu nói về tố tụng thì tòa án cấp sơ thẩm không vi phạm, việc bỏ lọt tội phạm (nếu có) là của VKS và cơ quan điều tra chứ không phải của tòa án.

Do đó không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm để hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại - nếu có căn cứ xác định Duyên đã đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Khi xử phúc thẩm, tòa cấp phúc thẩm cũng không thể căn cứ vào việc bỏ lọt tội phạm để hủy bản án sơ thẩm, vì việc điều tra không đầy đủ dẫn đến bỏ lọt tội phạm không phải đối với bị cáo bị kết án (Xuyến) mà đối với người khác (Duyên). (Đáng tiếc, có trường hợp cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm mà không phải do lỗi của tòa cấp sơ thẩm nhưng VKS vẫn kháng nghị phúc thẩm vì lý do này - như vụ năm công an ở Phú Yên đánh chết người chẳng hạn - rồi phúc thẩm cũng hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Làm như vậy là không đúng thẩm quyền.)

Trong vụ án ở Sóc Trăng, nếu có căn cứ xác định Duyên đã đủ 14 tuổi hoặc trên 14 tuổi thì vụ án chỉ có thể giải quyết ở cấp giám đốc thẩm.

ThS ĐINH VĂN QUẾ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm