Mới đây TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt Lê Thế Roan (sinh năm 1969, ngụ quận 8) sáu năm tù về tội buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Cùng vụ này, Giang Kim Cường (sinh năm 1972) bị năm năm tù, Trần Huệ San (sinh năm 1980, cùng ngụ quận 11) năm năm sáu tháng tù cùng về tội buôn bán hàng giả là thực phẩm.
Đáng chú ý trong vụ án này, HĐXX đồng tình với VKS là 155 mô hình cơ quan sinh dục nam, nữ và ba búp bê tình dục bằng nhựa hiện chưa có văn bản quy định đây là hàng cấm nên không có cơ sở xử lý trách nhiệm hình sự.
Tòa từng coi là hàng cấm
Năm 2015, TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Yan Jian Feng (quốc tịch Trung Quốc) năm năm tù về hai tội buôn bán hàng cấm và buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh. Vợ của Yan Jian Feng là Lư Thục Hỷ (nguyên quán quận 12, TP.HCM) lãnh hai năm tù về tội buôn bán hàng cấm.
Theo đó, ngày 7-5-2014, công an bắt quả tang vợ chồng này vận chuyển số lượng lớn thuốc tân dược giả là Viagra, thuốc không được phép lưu hành và dụng cụ tình dục xuất xứ từ Trung Quốc, nằm trong danh mục cấm của Nhà nước. Khi khám nhà, cơ quan CSĐT còn thu giữ rất nhiều hộp Viagra giả, các loại thuốc và dụng cụ kích dục các loại, dương vật, âm đạo giả...và tám búp bê tình dục…
Tại phiên xử đó, luật sư bào chữa cho hai bị cáo này lưu ý việc chưa có văn bản nào quy định cụ thể các mặt hàng thu giữ là hàng cấm.
Tuy nhiên, HĐXX không chấp nhận bởi các dụng cụ thủ dâm kích dục mà hai bị cáo bán nằm trong danh mục các sản phẩm văn hóa đồi trụy, thuộc loại hàng hóa cấm kinh doanh (phụ lục I) theo quy định tại Nghị định 59/2006 (quy định chi tiết luật thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện). Ngoài ra, tại điểm b khoản 1 Điều 3 Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng (ban hành kèm theo Nghị định 103/2009) cũng nghiêm cấm truyền bá lối sống dâm ô, đồi trụy. Và tại điểm a khoản 2 Điều 3 Thông tư 04/2009 của Bộ VH-TT&DL quy định chi tiết thi hành quy chế trên có cấm miêu tả hành động thủ dâm hoặc miêu tả bộ phận sinh dục.
Những con búp bê như thật này có phải là hàng cấm? Ảnh: Internet
Cấm vì là sản phẩm văn hóa đồi trụy?
Mới cuối năm 2016, khi trả lời một doanh nghiệp về nhập khẩu đồ chơi tình dục, búp bê tình dục trên cổng thông tin điện tử, Tổng cục Hải quan cũng đã viện dẫn các văn bản như bản án năm 2015 nói trên của TAND TP.HCM để trao đổi. Theo Tổng cục Hải quan, mặt hàng đồ chơi tình dục/búp bê tình dục được cho vào danh mục mặt hàng “Đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em hoặc tới an ninh trật tự, an toàn xã hội (bao gồm các chương trình trò chơi điện tử)…” cấm kinh doanh tại phụ lục I kèm theo nghị định này.
Tổng cục Hải quan cho rằng quy định trên nghiêm cấm thương nhân và tổ chức, cá nhân khác thực hiện các hoạt động có liên quan đến thương mại tại Việt Nam kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh…
Tổng cục Hải quan cũng đã có các văn bản chỉ đạo Cục Hải quan địa phương không giải quyết thủ tục nhập khẩu đối với mặt hàng đồ chơi tình dục (sex toy). Trường hợp người nhập cảnh mang mặt hàng này trong hành lý mang theo người thì cơ quan hải quan phải yêu cầu tạm gửi vào kho của hải quan và sẽ trả lại khi hành khách xuất cảnh. Nếu mặt hàng này có trong hành lý gửi (trong, trước và sau chuyến đi), gửi theo dạng quà biếu, quà tặng thì người nhập cảnh phải làm thủ tục tái xuất hoặc có văn bản từ bỏ, sau đó hải quan sẽ tổ chức tiêu hủy.
Luật chưa quy định thì không xử lý
Qua hai vụ án nói trên và trả lời của Tổng cục Hải quan, có thể thấy hiện chưa có cách hiểu thống nhất các văn bản pháp luật điều chỉnh đối với mặt hàng đồ chơi tình dục, búp bê tình dục.
Trao đổi về vấn đề này, nhiều chuyên gia pháp lý đã đồng tình với cách xử lý của HĐXX trong vụ án nêu ở đầu bài. Bởi lẽ khi chưa có văn bản luật quy định đây là hàng cấm thì không thể coi đó là hàng cấm để xử lý. Còn hiểu theo cách đó là sản phẩm văn hóa đồi trụy thì có phần khập khiễng, chủ quan. Bởi dù đây là mặt hàng mang tính nhạy cảm nhưng chưa có một cơ quan giám định văn hóa có thẩm quyền nào xác định nó là sản phẩm văn hóa đồi trụy. Vì thế, cơ quan tố tụng không thể tự tiện xem nó là sản phẩm văn hóa đồi trụy rồi xử lý hình sự người buôn bán mặt hàng nhạy cảm này.
Ý kiến của bạn ra sao về vấn đề này?
Các nước cấm hay cho lưu hành? Trên thế giới, chính quyền một số nước xem đồ chơi tình dục là một thiết bị tục tĩu, làm băng hoại giá trị đạo đức con người nên cấm bán. Chẳng hạn ở Ấn Độ cấm tiệt đồ chơi tình dục và những dụng cụ hỗ trợ khoái lạc. Theo Điều 292 của BLHS nước này, bán đồ chơi tình dục có thể lãnh án cao nhất đến hai năm tù giam. Do thực trạng mua bán loại hàng này trên mạng xuất hiện nhiều nên chính quyền Ấn Độ đã chỉnh sửa Điều 67 Bộ luật Công nghệ thông tin của nước này (áp dụng từ năm 2000) để cấm bán đồ chơi tình dục trên mạng. Ở Nam Phi từng ban hành lệnh cấm sản xuất hay bán những đồ vật “được dùng để thực hiện những hành vi tình dục không tự nhiên”. Đạo luật này được cho là nhằm ngăn chặn các cặp đồng tính nữ dùng chung đồ chơi tình dục (có thể lây lan các bệnh qua đường tình dục). Nhưng sau đó năm 2007, chính quyền Nam Phi đã hủy bỏ điều luật này. Một số bang ở Mỹ từng cấm đồ chơi tình dục nhưng sau đó các tòa án phúc thẩm liên bang đã ra phán quyết hủy bỏ lệnh cấm vì các lệnh cấm này vi phạm hiến pháp Mỹ về quyền riêng tư. Như bang Texas từng áp dụng luật cấm bán đồ chơi tình dục và ai vi phạm sẽ bị phạt hai năm tù giam. Tuy nhiên, chính quyền bang Texas đã phải đối diện với các đơn kiện từ những nhà sản xuất đồ chơi tình dục ở Mỹ. Vào tháng 2-2008, một tòa án phúc thẩm liên bang đã xét xử các đơn kiện và đưa ra phán quyết hủy bỏ luật cấm này của bang Texas vì điều luật này vi phạm hiến pháp Mỹ. Luật cấm đồ chơi tình dục tương tự cũng bị gỡ bỏ ở bang Kansas và Colorado. |