Chuyện xảy ra ở BV Đa khoa Tây Ninh gây bức xúc cho bệnh nhân và gia đình của họ. Theo quy định, những đối tượng thương binh, người có công khi đến điều trị lọc thận nhân tạo phải được hưởng chế độ BHYT 100% nhưng họ không được hưởng quyền này vì BV cho rằng không có máy. Nhiều người muốn chạy thận phải đóng tiền dịch vụ.
Chữa ở Tây Ninh nên bị đóng tiền
Bà Nguyễn Thị Giàu (77 tuổi, thương binh hạng 2/4, nhà ở xã Trà Vong, huyện Tân Biên) nằm thoi thóp trên giường bệnh, chỉ còn da bọc xương. Mỗi tuần hai người con bồng bà Giàu lên xe máy chở tới BV Đa khoa Tây Ninh chạy thận để giữ mạng sống cho mẹ. Anh Trương Văn Cu, con trai út của bà cụ, nói như mếu: “Lẽ ra mỗi tuần phải chạy thận ba lần nhưng nhà không có tiền, mượn nợ riết nên người ta không cho, tôi đành phải giảm xuống mỗi tuần chạy hai lần thôi. Hôm nay (ngày 23-10), tôi cũng phải xin nợ lại BV, tuần sau ráng kiếm tiền mang vô đóng”.
Theo anh Cu, mỗi lần chở mẹ lên chạy thận dịch vụ ở BV, anh phải đóng 350.000 đồng. Nếu mỗi tuần chạy đủ ba lần, mỗi tháng gia đình đóng trên 4,2 triệu đồng, số tiền quá lớn so với thu nhập của người đi làm mướn như anh. Các anh chị em của anh Cu đều nghèo nên ai cũng “chạy tiền phờ phạc” để lo cho mẹ.
Thương binh Nguyễn Thị Giàu phải trả 350.000 đồng/lần chạy thận dù bà được BHYT trả 100% chi phí. Ảnh: HM
Cha anh Cu là liệt sĩ. Bà Giàu là thương binh được hưởng chế độ BHYT 100%. Hai năm trước, anh đưa mẹ đi chạy thận ở BV Chợ Rẫy và BV 7A (TP.HCM) đều được bảo hiểm chi trả. Sau đó biết BV Đa khoa Tây Ninh đã có máy chạy thận, từ tháng 10-2013 đến nay, anh chuyển mẹ về Tây Ninh điều trị cho đỡ tốn chi phí đi lại, vừa không phải di chuyển vì mẹ anh rất yếu. nhưng ở đây anh phải đóng tiền chạy thận dịch vụ.
Ông Lê Văn Quan (60 tuổi, thương binh 4/4, nhà ở xã Long Vĩnh, Châu Thành) bị suy thận giai đoạn cuối, cũng đang nằm thoi thóp trên giường bệnh. Ông cũng đã giảm số lần chạy thận từ ba ca/tuần xuống hai ca/tuần để bớt gánh nặng cho vợ. Bà Phạm Thị Khi suốt ngày túc trực ở BV, buồn bã cho biết hai con bò đã bán, nhà cửa đã thế chấp ngân hàng để vay 20 triệu đồng nhưng số tiền đó chỉ đủ để cầm cự đóng tiền chạy thận hơn một năm, giờ đã cạn. “Tới bữa, tôi đi xin cơm từ thiện” - bà Khi nói.
Cũng như bà Giàu, trước đây ông Quan được BHYT chi trả toàn bộ khi điều trị tại BV 115 (TP.HCM). Sau đó bà xin cho chồng về Tây Ninh điều trị, bà phải chạy vạy 350.000 đồng/lần đóng cho BV chạy thận. Sau khi bà khiếu nại lên ban giám đốc BV thì BV mới không thu tiền.
Thu tiền vì “máy nhà nước” ít
BS Đỗ Hồng Sơn (Phó Giám đốc BV Đa khoa Tây Ninh) cho biết năm 2008, Sở Y tế tỉnh cấp cho BV ba máy lọc thận. BV dành một máy cho cấp cứu, một máy cho bệnh nhân nhiễm viêm gan C và chỉ có một máy dành cho bệnh nhân thường. Hiện chỉ có 5/83 bệnh nhân được chạy thận từ “máy nhà nước”, còn lại đều phải chạy thận dịch vụ.
Ông Sơn nói: “Bệnh nhân chạy thận phải gắn bó với BV cả đời nên chỉ khi nào có một bệnh nhân mất đi thì chúng tôi mới nhận bệnh nhân khác. Vừa qua có một bệnh nhân mất, chúng tôi mới đưa ông Quan vào chạy ở máy do Sở Y tế cấp nên không phải đóng tiền nữa”. Cũng theo BS Sơn, BV cũng đã giải thích cho người nhà là chạy thận ở đây phải đóng tiền.
Theo tìm hiểu, BV hợp đồng với một công ty của Đức, thuê 10 máy lọc thận nên hầu hết các bệnh nhân sử dụng máy thuê, phải trả phí. các máy mà BV thuê sẽ thuộc về BV sau năm năm sử dụng. Tuy nhiên, “sau năm năm máy sẽ cũ, có khả năng không sử dụng được nữa” - BS Sơn nói.
Theo bà Trịnh Thu Thủy, Trưởng phòng Giám định BHYT tỉnh Tây Ninh, các đối tượng thương binh là đối tượng được hưởng BHYT 100%. Tuy nhiên, khi họ điều trị ở khu vực dịch vụ, BV và bệnh nhân phải trao đổi, cơ quan bảo hiểm không can thiệp.
Một bác sĩ cho biết theo quy định, với bệnh nhân được hưởng BHYT 100%, BV Đa khoa Tây Ninh phải chữa trị cho họ. Còn chi phí chữa trị, BV Đa khoa Tây Ninh quyết toán với BHYT và đó là việc của BV chứ không thể thu tiền trực tiếp của bệnh nhân.
Sau khi nhận được đơn của một số bệnh nhân, Sở đã giao cho thanh tra làm việc với BV. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ có công văn trả lời cho báo. Ông NGUYỄN THANH TÂM, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Chúng tôi chưa nhận được phản ánh của các bệnh nhân nhưng chúng tôi sẽ yêu cầu Sở Y tế báo cáo và có đề xuất với UBND tỉnh về vấn đề này. Bà NGUYỄN THỊ YẾN MAI, Chánh Văn phòng UBND tỉnh |