Ngày 11-10, tại BV quận 11, BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đã trân trọng trao giấy khen của Sở Y tế TP cho hai cá nhân và tập thể BV do đã có nỗ lực cứu sống bệnh nhân gãy chân kèm mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp sau khi bệnh nhân bị một BV tuyến trung ương chuyên về cơ xương khớp từ chối.
BS Thượng đánh giá: “Ca mổ tuy không quá phức tạp nhưng lại mang ý nghĩa rất lớn về mặt chuyên môn, xã hội, thể hiện tính nhân văn sâu sắc”.
BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trao bằng khen cho BS Phạm Quốc Dũng, Giám đốc BV quận 11, BS CKI Phạm Thanh Vũ, phụ trách khoa ngoại chấn thương, BS CK1 Nguyễn Hữu Nghiệm, khoa gây mê hồi sức (từ trái qua phải).
Theo BS Thượng, Sở Y tế đã yêu cầu cán bộ tìm hiểu về việc BV tuyến trung ương đã không dám can thiệp trường hợp này. “BV tuyến trung ương từ chối can thiệp mà BV quận dám can thiệp là từ việc chưa từng có của ngành y tế TP từ trước đến giờ. Điều này cho thấy sự phát triển kỹ thuật của BV quận đã đủ sức can thiệp những ca khó dù đó chỉ là BV hạng 3”, BS Thương nói.
Trước đó, ngày 29-9, chị Lê Thị Ngọc D. (39 tuổi, Long An) bị gãy xương cẳng chân phải thành hai đoạn do tai nạn giao thông nên được chuyển vào một BV tuyến trung ương chuyên về cơ xương khớp tại TP.HCM. Tại đây, BV lo ngại chị D. có thể chết trên bàn mổ vì bệnh tứ chứng Fallot (một loại bệnh tim bẩm sinh nặng) và đề nghị chuyển chị tới một BV tuyến trung ương khác.
Sau đó, do chị D. có người nhà tạm trú ở quận 11 nên gia đình đã đưa chị đến đây thăm khám. Bệnh nhân được hội chẩn toàn BV với các BS của khoa ngoại chấn thương, tim mạch chuyển hóa, chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức....
X-quang kiểm tra xương gãy của bệnh nhân.
Các BS ghi nhận chị D. bị gãy xương cẳng chân bên phải (đoạn ống quyển) thành hai đoạn phức tạp. Ca mổ khá nguy hiểm vì chỉ cần đi một bước lên cầu thang bệnh nhân đã khó thở, tím tái. Ca mổ ghép xương không khó nhưng bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh, nếu gây tê toàn thân máu đổ về tim nhiều sẽ khiến tim quá tải, hết sức nguy hiểm. Vì vậy, bệnh nhân được gây tê vùng cẳng chân dưới sự hướng dẫn của sóng siêu âm, nhằm giúp đưa thuốc tê chính xác vào dây thần kinh cần gây tê. Cách này không ảnh hưởng đến huyết động, ca mổ ít bị ảnh hưởng do tứ chứng Fallot gây ra.
Sau một giờ phẫu thuật kết hợp xương bằng đinh nội tủy có chốt, ca mổ đã thành công tốt đẹp. Sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, cử động chân được và đã xuất viện vào ngày 9-10.