Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2:

BV Việt chuyên trị chấn thương nặng cho người Lào

BS Tơ Ngôl Vui, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Nam Giang, về công tác tại TTYT huyện từ năm 2000. BS Vui vừa là người thầy chữa bệnh vừa là đại sứ cho tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc Việt-Lào.

Bác sĩ Tơ Ngôl Vui đang trực tiếp khám và điều trị cho một bệnh nhân

BS Tơ Ngôl Vui đang trực tiếp khám và điều trị cho một bệnh nhân nước bạn Lào. Ảnh: N.TRI

Khám chữa bệnh miễn phí

Theo BS Vui, từ năm 2008, TTYT huyện Nam Giang bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân từ nước bạn Lào, sau khi hai huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam, Việt Nam) và huyện Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào) kết nghĩa anh em. Từ đó đến nay đã có hàng chục trường hợp chấn thương được các y bác sĩ Việt Nam chữa khỏi, chủ yếu là các trường hợp nặng cần phải phẫu thuật.

“Năm trước, tôi có qua dự lễ khánh thành trạm y tế bên huyện Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào) do tỉnh Quảng Nam mình trao tặng. Nhưng trạm y tế này chủ yếu là khám bệnh còn muốn phẫu thuật phải sang TTYT huyện Nam Giang” - BS Vui nói.

Hầu hết bệnh nhân từ nước bạn Lào đến TTYT đều được chữa trị miễn phí

Hầu hết bệnh nhân từ nước bạn Lào đến TTYT đều được chữa trị miễn phí. Ảnh: N.TRI

Để đưa các bệnh nhân về tới TTYT huyện để phẫu thuật, gia đình bệnh nhân Lào phải vượt qua quãng đường hơn 120 km đường nhựa, chưa tính nhiều đoạn phải đi bộ vì xe máy không thể chạy được. Vì thế mà có nhiều ca khi được chuyển đến trung tâm, người bệnh đã trong tình trạng nguy kịch.

“Tôi còn nhớ như in ngày 9-10-2016 TTYT tiếp nhận nam bệnh nhân Sun Sa Mít (18 tuổi, Đắc Chung, Lào) bị gãy kín 1/3 giữa hai xương cẳng chân trong lúc chạy xe máy đang nguy kịch. Tôi trực tiếp phẫu thuật cho cậu học sinh này, phải hơn một tiếng thì ca mổ mới thành công” - BS Vui tâm sự.

Rất nhiều bệnh nhân từ bên kia biên giới đã được chính tay BS Tơ Ngôl Vui trực tiếp phẫu thuật chính. Cho dù các ca mổ đó có lớn hay nhỏ, đơn giản hay phức tạp.

“Hồi năm 2012, có một sản phụ tên là Van Đa Lin (26 tuổi, tỉnh Sê Kông, Lào) mang song thai, được chuyển đến chỗ chúng tôi khi đã bị vỡ nước ối. Khi đó, tôi cũng là người trực tiếp đỡ đẻ cho sản phụ này. Sau khi mẹ tròn con vuông, chị Van Đa Lin đã đặt tên cho con mình là Thạnh Mỹ” - BS Vui nhớ lại.

Điều hay nhất là các bệnh nhân Lào khi đến với TTYT huyện Nam Giang đều được khám và chữa bệnh miễn phí, nếu gia đình nào có thì chi trả. BS Vui chia sẻ thêm hầu hết bệnh nhân được chữa trị đều là đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn gần biên giới với huyện Nam Giang. Đồng bào nơi đây chủ yếu làm nương rẫy nên gia cảnh hết sức khó khăn, nếu trung tâm thu tiền viện phí thì họ cũng không có đủ khả năng chi trả.

Giao tiếp bằng cử chỉ

Khi được hỏi trong quá trình điều trị mình có gặp khó khăn về ngôn ngữ không, BS Vui cười: “Có chứ nhưng mình với bệnh nhân giao tiếp với nhau bằng cử chỉ mà”.

Theo giải thích của BS Tơ Ngôl Vui, chỉ có một số ít người Lào ở gần biên giới biết và nói được tiếng Việt, còn các y bác sĩ ở TTYT huyện thì hầu như không ai nói được tiếng Lào.

“Trong thời gian tới, huyện Nam Giang sẽ tổ chức dạy lớp song ngữ cho cán bộ Việt Nam muốn học tiếng Lào và người dân nước bạn Lào muốn học tiếng Việt. Lớp học này sẽ được tổ chức ngay tại TTYT” - BS Vui nói thêm.

Ca phẫu thuật cho bệnh nhân người Lào Sun Sa Mít bị gãy chân.

Ca phẫu thuật cho bệnh nhân người Lào Sun Sa Mít bị gãy chân.

Còn với BS Hiên Thị Nhê, người có hơn hai năm công tác tại TTYT huyện Nam Giang thì cũng chừng ấy thời gian BS Nhê chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân của nước bạn. “Lần đầu tôi mới tiếp xúc với người Lào, họ nói cái gì tôi không hiểu, thấy người nhà bệnh nhân chỉ tay vào chỗ đau, rứa là tôi biết họ đau ở đoạn này. Đa số các bệnh nhân được chúng tôi tiếp nhận thường là bị gãy xương, có một số khác là phụ nữ đến giai đoạn sinh nở” - BS Nhê tâm sự.

“Còn có trường hợp bệnh nhân bị gãy chân và phải bó bột trong vòng một tháng. Trong thời gian này bệnh nhân không được đụng vào nước nếu không thạch cao sẽ nở ra. Từ đó, chúng tôi chỉ chỗ bị gãy và đưa thau nước lại gần và lắc đầu, rồi chỉ tay lên tấm lịch chỉ 30 ngày. Vậy mà người dân hiểu và làm theo” - BS Nhê kể.

Hiện nay, TTYT huyện Nam Giang đang đầu tư trang thiết bị cũng như đào tạo nguồn nhân lực để có thể đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân hai bên biên giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm