Cá nhân bị phạt hành chính đến 1 tỉ đồng?

Ngày 30-5, QH đã thảo luận tại hội trường về một số ý kiến còn khác nhau của dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC). So với Pháp lệnh Xử lý VPHC hiện hành, mức phạt quy định trong dự thảo luật đã tăng lên rất nhiều. Cụ thể, mức phạt thấp nhất đối với cá nhân là 50.000 đồng, cao nhất là 1 tỉ đồng. Mức phạt đối với tổ chức tương ứng là 100.000 đồng và 2 tỉ đồng.

Phạt quá cao là không nhân văn

Hầu hết các đại biểu (ĐB) đều đồng tình với mức phạt tiền tối thiểu và tối đa đối với tổ chức, tuy nhiên mức phạt đối với cá nhân thì còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo ĐB Trần Văn Độ (An Giang), BLHS chưa quy định tổ chức, pháp nhân là chủ thể tội phạm nên vi phạm nào cũng có thể coi là VPHC, bởi vậy mức phạt có thể nâng cao hơn nữa. Trái lại, mức xử phạt đối với cá nhân nên cân nhắc vì rất nhiều hành vi vi phạm của cá nhân đã được BLHS điều chỉnh.

Cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người của nước ta là 2 triệu đồng/tháng mà mức phạt cao nhất lên đến 1 tỉ đồng là quá chênh lệch và không nhân văn. Trong khi đó tại nhiều nước, mức phạt vi cảnh không bao giờ vượt quá thu nhập hằng tháng của cá nhân đó. “Mức phạt tiền cao nhất trong lĩnh vực môi trường, chứng khoán… quy định trong BLHS cũng chỉ là 500 triệu đồng. Tòa án áp dụng mức phạt cao nhất từ trước đến nay cũng chỉ đến 200 triệu đồng. Không lý gì mức phạt hành chính cao nhất lại là 1 tỉ đồng. Do đó, tôi cho rằng luật này nên quy định mức phạt đối với cá nhân không cao hơn đối với mức phạt tiền trong chế định hình sự với hành vi tương ứng” - phó chánh án TAND Tối cao đề xuất.

Cá nhân bị phạt hành chính đến 1 tỉ đồng? ảnh 1

ĐBQH tỉnh Bình Định Phạm Thị Thu Hồng phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ảnh: TTXVN

Bổ sung, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ (ĐB Bình Định) nói mức phạt tiền tối đa theo một số lĩnh vực mâu thuẫn với luật chuyên ngành. Cụ thể, Luật Quản lý thuế hoàn toàn không có mức tối đa mà chỉ quy định theo tỉ lệ phần trăm. ĐB Trần Văn Lang (Tiền Giang) cho rằng mức phạt quá cao cũng có thể phát sinh tiêu cực đối với người xử phạt và người bị xử phạt. “Tăng mức phạt là cần thiết nhưng phải phù hợp với quy định pháp luật hình sự, các quy định pháp luật khác và phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội. Tăng mức phạt cũng không phải là biện pháp mang tính răn đe cao nhất. Chúng ta còn phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ khác để giảm VPHC” - vị này kiến nghị.

Vẫn băn khoăn việc giao quyền cho tòa

Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Xử lý VPHC là giao thẩm quyền quyết định ba biện pháp: Đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục và cơ sở chữa bệnh cho tòa án quyết định. Đa số các ĐB cho rằng đây là quy định tiến bộ, phù hợp với quá trình cải cách tư pháp cũng như quy định của Hiến pháp.

ĐB Phạm Thị Thu Hồng (Bình Định) ủng hộ quy định này vì đây là hình thức xử phạt ảnh hưởng đến quyền tự do của công dân được quy định trong Hiến pháp. “Trước đây, thẩm quyền này thuộc UBND huyện nên được giải quyết bằng biện pháp hành chính khép kín, nặng tính chủ quan. Sau khi Ủy ban Thường vụ QH quy định cụ thể về trình tự, thủ tục quyết định áp dụng các biện pháp này, tòa án sẽ thực hiện những biện pháp xử lý này một cách quan và dân chủ hơn” - bà Hồng nói.

Tuy nhiên, ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) cho rằng việc giao thẩm quyền xử lý ba biện pháp hành chính trên cho tòa án cấp huyện sẽ dẫn đến xung đột về pháp luật. Dự thảo luật quy định người bị xử phạt có quyền khiếu nại, khởi kiện nếu không đồng ý với quyết định xử phạt. Vậy nếu họ không đồng ý với quyết định của tòa án thì sẽ khiếu nại ai, khiếu kiện như thế nào?

ĐB Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) đồng tình việc giao thẩm quyền cho tòa án nhưng cũng băn khoăn: “Tôi thấy quy định như trong dự thảo luật rất vướng và chưa thấy hướng xử lý những quyết định của tòa án. Ví dụ trong trường hợp tòa không ra quyết định mà trả lại hồ sơ thì xử lý thế nào? Dự thảo luật mới chỉ quy định đi chứ không quy định lại”.

Nên bỏ việc đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh

Tôi ủng hộ việc bỏ quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh và quy định hình thức xử phạt bổ sung đối với người bán dâm. Theo Ủy ban Thường vụ QH, hành vi vi phạm của người bán dâm không gây nguy hiểm cho xã hội. Để hạn chế tệ nạn này phải giải quyết chủ yếu bằng các giải pháp kinh tế-xã hội thông qua các hình thức hỗ trợ lao động hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm thì mới đạt hiệu quả.

ĐB ĐẶNG THỊ KIM CHI (Phú Yên)

Tịch thu tất cả phương tiện?

Theo tôi, phải cân nhắc quy định trả lại cho chủ sở hữu tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt để VPHC. Các hành vi VPHC như đua xe trái phép, khai thác sa khoáng trái phép… cần phải tịch thu tang vật thì mới đủ sức răn đe. Nếu trả lại cho chủ sở hữu thì quy định này sẽ rất dễ bị lợi dụng. Theo tôi, chúng ta nên xử lý lại quy định này cho thống nhất và chặt chẽ hơn.

ĐB TRƯƠNG VĂN VỞ (Đồng Nai)

Bổ sung mức phạt ở các TP lớn

Tôi ủng hộ quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá hai lần mức phạt tiền chung được áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường, quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các TP trực thuộc trung ương. Tuy nhiên, tôi đề nghị bổ sung mức phạt này đối với các vi phạm về an ninh trật tự, cháy nổ… vì mức độ ảnh hưởng của nó trong một cộng đồng dân cư đông đúc.

ĐB PHẠM VĂN TẤN (Nghệ An)

THANH LƯU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm