Các biện pháp hạn chế thời chiến của Israel tác động sao đến kinh tế Bờ Tây?

(PLO)- Kinh tế tại khu vực Bờ Tây (Paletsine) gặp nhiều khó khăn, trong bối cảnh Israel áp dụng các biện pháp hạn chế thời chiến do xung đột với phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel hôm 7-10, phía Israel đã phong tỏa Dải Gaza (Palestine). Bên cạnh đó, Israel cũng thực hiện một số biện pháp phong tỏa Bờ Tây (Palestine), đóng cửa các trạm kiểm soát, chặn dòng hàng hóa vào Bờ Tây, hạn chế sự di chuyển của người dân, theo tờ Financial Times.

Các biện pháp hạn chế thời chiến của Israel đã làm gián đoạn nghiêm trọng kinh tế của Bờ Tây. Những người định cư Israel ở những khu vực Bờ Tây và các binh sĩ Israel cũng đụng độ với người Palestine tại khu vực này. Theo LHQ, hơn 300 người Palestine đã thiệt mạng ở Bờ Tây và Đông Jerusalem kể từ khi xung đột Israel-Hamas nổ ra hôm 7-10-2023.

Các biện pháp hạn chế thời chiến của Israel tàn phá nền kinh tế Bờ Tây
Người dân chờ nhập cảnh Israel, tại trạm kiểm soát Qalandia bên ngoài TP Ramallah (Bờ Tây). Ảnh: GETTY IMAGES

Kinh tế, chính quyền quản lý Bờ Tây bị ảnh hưởng nặng

Kể từ khi xung đột bắt đầu, Israel gần như đã ngừng hoàn toàn việc cho phép người Palestine từ Bờ Tây vào Israel làm việc và hạn chế các công dân Israel gốc Palestine vào Bờ Tây để mua sắm. Ở chiều ngược lại, một số người Palestine cũng cảm thấy sợ hãi nên không dám tự ý di chuyển.

Các quan chức Israel cho rằng các hạn chế di chuyển là phản ứng trước “các mối đe dọa khủng bố do người Palestine gây ra” đối với người Israel tái định cư ở Bờ Tây. Phía Israel cũng cho rằng các TP ở Bờ Tây nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Palestine – như Jenin, Nablus và Tulkarem – là “trung tâm” của các thành phần bất ổn.

“Israel không khoan nhượng với khủng bố và sẽ đối đầu với chúng mà không thỏa hiệp” – một quan chức cấp cao Israel cho biết.

Hồi tháng 12-2023, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết các biện pháp hạn chế đã gây thiệt hại lớn cho kinh tế Bờ Tây.

Theo đó, ILO ước tính 32% việc làm tại Bờ Tây đã bị cắt giảm sau khi xung đột bùng phát. Con số này tương đương khoảng 276.000 việc làm. Ngoài ra, trong tháng 10 và tháng 11-2023, các biện pháp hạn chế khiến vùng lãnh thổ này chịu thiệt hại khoảng 500 triệu USD/tháng.

Trước xung đột, chính quyền Palestine có hàng chục nghìn viên chức làm việc. Các biện pháp hạn chế cũng khiến chính quyền Palestine gặp khó khăn trong việc trả lương cho người lao động, làm suy yếu vị thế của chính quyền Palestine trên trường quốc tế.

ftcms-fecd25d2-ecd3-48be-8c89-ff01ff90b876-2443.jpg
Một phụ nữ cầm tấm biển kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Israel trong cuộc biểu tình ở TP Ramallah (Bờ Tây) hồi tháng 12. Ảnh: AFP

Theo Financial Times, điều này gây ra tác động không nhỏ, trong bối cảnh các nhà ngoại giao Palestine đang cố gắng chứng minh rằng chính quyền điều hành Bờ Tây đủ ổn định để tiếp quản Dải Gaza sau khi xung đột kết thúc.

Ông Raja Khalidi – Tổng giám đốc của tổ chức nghiên cứu kinh tế MAS có trụ sở tại Bờ Tây – cho biết: “Áp lực kinh tế làm suy yếu vị thế của chính quyền Palestine”.

“Nó tạo ra những căng thẳng nội bộ về chính trị và xã hội. Chính quyền Palestine là một trong những nhà sử dụng lao động chính và là bên cung cấp dịch vụ chính ở Bờ Tây. Do đó, những bất ổn kinh tế tại Bờ Tây khiến vị thế của chính quyền Palestine đang ngày càng bị suy giảm” – ông Khalidi nói.

Các doanh nghiệp Bờ Tây gặp khó khăn

Các biện pháp hạn chế cũng ảnh hưởng lớn đến các công ty khởi nghiệp.

Bà Shadha Musallam – một doanh nhân công nghệ nông nghiệp – đã mất cơ hội giới thiệu sản phẩm tại một sự kiện ở Morocco vì bà không thể rời khỏi Bờ Tây.

Bà Musallam đã hy vọng huy động được 500.000 USD từ các nhà đầu tư trong sự kiện tại Morocco, để duy trì công ty khởi nghiệp Agritopia của bà tồn tại trong 18 tháng tới. Tuy nhiên, bà cho biết tình hiện tại buộc công ty bà phải chi tiêu ở mức tối thiểu, nếu muốn duy trì tiếp tục hoạt động trong 3 tháng đầu năm 2024.

Công ty của bà Musallam cũng hoãn việc thu thập dữ liệu nông nghiệp tại Bờ Tây, do lo ngại tình trạng bất ổn hiện tại có thể ảnh hưởng các công nhân thu thập dữ liệu.

“Là một công ty, bạn phải nắm bắt những cơ hội có thể tìm được. Tuy nhiên, vì tình hình chính trị nên tôi đang đánh mất rất nhiều cơ hội” – bà Musallam nói.

Trong khi đó, suốt 2 tháng qua, doanh nhân Osama Amro (65 tuổi) không dám rời khỏi TP Ramallah – trung tâm kinh tế của Bờ Tây.

“Tôi thường đi du lịch nước ngoài hàng tháng, nhưng trong 2 tháng qua, tôi đã không rời khỏi Ramallah. Tôi sợ sẽ không được phép quay lại TP này” – ông Amro nói.

Ông Amro cũng cho biết doanh nghiệp của ông đang nợ lương công nhân, dù số công nhân đã giảm hơn một nửa so với thông thường.

ftcms-c33d8888-6bfc-42a0-a490-a71a29cbfad2-4806.jpg
Cửa hàng bị thiệt hại sau một cuộc đụng độ ở Bờ Tây. Ảnh: AFP

Ngoài ra, các doanh nghiệp tại Bờ Tây cũng đang cố gắng thích ứng với sự sụt giảm số lượng người Israel gốc Palestine đến Bờ Tây mua sắm.

Ông Nasr Abdul Karim – nhà kinh tế học ở TP Ramallah – ước tính người Israel gốc Palestine thường chi khoảng 277 triệu USD/năm cho các hoạt động mua sắm ở Bờ Tây.

Tại TP Ramallah, nhiều chủ cửa hàng cho biết người dân đang chi tiêu ít hơn nhiều, hoãn các sự kiện như đám cưới và ngày càng có nhiều người xin ăn.

“Việc kinh doanh giảm 70%” - nhân viên thu ngân tại một cửa hàng đồ ngọt ở Bờ Tây cho biết.

Ông Karim dự đoán rằng nếu xung đột tiếp tục, các bất ổn kinh tế sẽ trở nên trầm trọng hơn, dẫn đến “tỷ lệ nghèo đói cao hơn và điều đó sẽ gây áp lực lên các tổ chức nhân đạo quốc tế” và chính quyền Palestine.

Lĩnh vực nhà hàng, khách sạn cũng đang gặp khó khăn. Ông Mohammad Khalaf – giám đốc điều hành của khách sạn Royal Court – cho biết: “TP Ramallah luôn rất nổi tiếng với các quán cà phê, nhà hàng, đồ ăn nhanh, đồ uống và âm nhạc. Có khi đến 12 giờ đêm vẫn có người đi ăn. Bây giờ, tất cả điều này đã không còn nữa”.

Trong số 46 phòng của khách sạn Royal Court, có 42 phòng trống. Doanh thu từ quán cà phê của khách sạn chỉ bằng 1/10 mức bình thường.

Ông Khalaf cho biết trong khi các khách sạn và nhà hàng khác đã đóng cửa, Royal Court quyết định vẫn mở cửa để nhân viên không bị mất việc. Tuy nhiên, ông phải cắt giảm giờ làm của họ để tiết kiệm chi phí.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm