Các tiệm nail, cắt tóc chuyển sang làm tại nhà: Sai quy định phòng chống dịch!

Sau khi PLO đăng tải bài viết "Cắt tóc tại nhà giữa mùa dịch COVID-19: Coi chừng bị phạt!",  nhiều bạn đọc phản ánh, thắc mắc, cho rằng cắt tóc, làm nail chỉ có tụ tập hai người và tuân thủ sát khuẩn, khẩu trang thì khó có thể lây nhiễm. Tuy nhiên, quy định phòng chống dịch là phải tuân thủ 5K, gồm khẩu trang- khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung đông người và khai báo y tế. Do vậy, việc cắt tóc,  làm nail tại nhà là không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m. 

Đóng cửa tiệm nail, ngồi chờ khách

Chúng tôi ghi nhận thêm tình hình thực tế ở một vài địa phương cho thấy để cầm cự trong mùa dịch, nhiều chủ tiệm nail, cắt tóc nghĩ ra dịch vụ làm nail, cắt tóc tại nhà sau khi đóng cửa tiệm để tuân thủ quy định giãn cách xã hội tại TP.HCM.

Hẻm 136 Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM dài chưa đến 30m nhưng có đến tám tiệm nail san sát nhau. Trước yêu cầu giãn cách phòng dịch của UBND TP.HCM, cả tám tiệm này đều tuân thủ đóng cửa. Cán bộ của UBND phường Bến Thành cũng liên tục có mặt nhắc nhở các chủ tiệm.

Ngồi rầu rĩ trước cửa tiệm khép hờ, nữ nhân viên của một tiệm nail tại đây chia sẻ: “Nghe thông báo, chúng tôi đã tự giác đóng cửa tiệm. Mấy chị em ngồi đây để tâm sự, bàn cách chuyển sang đi làm nail dạo”.

Tiệm cắt tóc trên đường Tỉnh Lộ 10, quận Bình Tân, tạm nghỉ do dịch, treo bảng “Cắt tóc tại nhà”. Ảnh: NGỌC LÀI

Trước đây, mỗi tiệm nail ở hẻm 136 Lê Thánh Tôn đều có từ 6-10 thợ nail làm việc liên tục. Không khí nhộn nhịp của hẻm nail tại TP.HCM đã quá quen thuộc với người dân cũng như du khách. Thế nhưng, từ dạo dịch bệnh COVID-19 bùng phát, các tiệm nail không trụ nổi lần lượt đóng cửa.

Từ tháng 4/2020 đến nay, hẻm nail ở số 136 Lê Thánh Tôn càng trở nên vắng vẻ. Nhiều tiệm chọn cách giảm bớt nhân viên để cầm cự.

Cho đến đợt giãn cách này, các chủ tiệm nail ở đây loay hoay với giải pháp “nhận làm nail tại nhà”.

Theo chị Tuyết - nhân viên của một tiệm nail tại hẻm 136 Lê Thánh Tôn, việc làm nail dạo không quá xa lạ với mọi người. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại nhân viên làm nail đi nhiều, tiếp xúc nhiều người, dễ nhiễm bệnh và không biết có bị phạt gì hay không.

Nhiều người làm nail cũng không rõ việc nhận làm đẹp cho khách tại nhà có vi phạm quy định giãn cách hay không. Cho nên họ cũng họ vẫn rất dè dặt.

Một người đàn ông ghé vào tiệm tóc để lấy số điện thoại, gọi thợ về nhà cắt tóc. Ảnh: NGỌC LÀI

Chị Tuyết nói: “Khổ thì cũng khổ từ đợt dịch trước rồi nhưng cũng phải nghĩ ra cách để tiếp tục làm nghề, chứ chẳng lẽ ngồi không, lấy gì sống”.

Cắt tóc cho 1 người chắc không phạt?

Trong khi nhiều tiệm cắt tóc chọn cách tạm đóng cửa, anh Nguyễn Văn Nam, chủ tiệm hớt tóc trên đường Vạn Kiếp, quận Bình Thạnh, TP.HCM lại khiến nhiều người ngạc nhiên khi thấy anh dán bảng thông báo nhận “Cắt tóc tại nhà” trước cửa tiệm.

Anh Nam cho biết khi tiệm phải đóng cửa do dịch bệnh, anh liền nghĩ đến việc nhận cắt tóc tại nhà cho khách. Tôi đóng cửa tiệm, dán bảng thông báo như vậy phía trước, cũng có nhiều người gọi đến hỏi về dịch vụ cắt tóc tại nhà”.

Không chỉ ở cửa tiệm của anh Nam, nhiều tiệm cắt tóc trên đường Tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân), Võ Văn Vân (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cũng có treo bảng “Cắt tóc tại nhà”...

Nhân viên các tiệm nail ngồi trước cửa tiệm chờ khách thuê làm nail tại nhà. Ảnh: NGỌC LÀI

Khi PV gọi số điện thoại ở một cửa tiệm hỏi cắt tóc tại nhà thì người chủ tiệm tên Thành cho biết thợ đến cắt tóc đều tuân thủ yêu cầu phòng chống dịch, tất cả đều phải đeo khẩu trang, sát khuẩn từ trước khi vào nhà hớt cho khách.

Giá anh nhận cắt tại nhà là 50.000 đồng/người, bình thường cắt tại tiệm là 40.000 đồng. "Mấy nay tôi theo dõi tin tức, thấy tình hình dịch cũng phức tạp, việc đi lại cắt tóc cũng có nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh nên tôi cũng đang cân nhắc có nên tiếp tục nhận cắt tóc tại nhà nữa hay không" - anh Thành nói. 

Anh Văn Nguyễn, chủ một tiệm tóc trên đường Vĩnh Viễn, quận 10, TP.HCM cho biết tiệm anh mới khai trương được gần 10 ngày. Hoa mừng khai trương còn tươi, vậy mà đành phải đóng cửa. Anh cũng lo lắng tiền thuê mặt bằng, lương cho thợ nhưng để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, mình phải tuân thủ quy định phòng chống dịch của TP.

Anh Nguyễn Dương, người dân ở Bình Chánh, TP.HCM cho biết: "Do bận đi làm cả ngày nên anh chưa có thời gian đi cắt tóc, giờ đi cắt thì các tiệm đều đóng cửa. Có tiệm dán bảng nhận cắt tại nhà nên tôi cũng liên hệ xem sao, chứ râu tóc dài quá cỡ vầy thì phải cắt thôi. Tôi nghĩ là các tiệm tóc mở cửa trong thời gian giãn cách sẽ bị phạt, chứ cắt tóc tại nhà thì không sao, vì cắt tóc chỉ có một người" - anh Dương nói.

Qua một khảo sát nhỏ của chúng tôi cho thấy hầu hết người cắt tóc và làm nail, lẫn người có nhu cầu cắt tóc, làm nail... đều không biết rõ rằng việc cắt tóc, làm nail tại nhà là vi phạm quy định về phòng chống dịch. Dù việc này diễn ra trong không gian chỉ có hai người, đeo khẩu trang, sát khuẩn đầy đủ...nhưng vẫn không đảm bảo phòng chống dịch, khi khoảng cách tối thiểu giữa hai người theo quy định là 2m. Huống gì việc này diễn ra trong thời gian khá lâu. 

Anh Hoài Lâm, chủ tiệm tóc tên đường Nguyễn Văn Luông, quận 6, cũng như các đồng nghiệp khác đã tuân thủ đóng cửa tiệm tóc trong thời gian này. Tuy nhiên, anh không dám nhận làm tại nhà như nhiều người. 

Nói về chuyện này, anh Lâm chia sẻ: "Hiện nay, sau khi có lệnh các hàng quán không được bán tại chỗ, chỉ bán mang về, nhiều hàng quán đã chuyển sang bán online để giảm bớt khó khăn. 

Riêng các tiệm làm tóc, nail...phải đóng cửa từ 0 giờ ngày 28-5 để phòng chống dịch. Điều đó là cần thiết, và cũng đồng nghĩa với việc mưu sinh của những người trorng nghề này bị "đóng băng". Dịch COVID-19 đang gây ảnh hưởng nhiều đến việc mưu sinh ở một số ngành nghề, tuy nhiên vì chuyện lớn, tôi mong các đồng nghiệp chúng ta nên hy sinh lợi ích cá nhân trước mắt, đừng làm liều cắt tóc hay làm nail tại nhà để rồi vi phạm các quy định phòng chống dịch, hậu quả khôn lường. Tôi cũng mong mỗi người trong cộng đồng có ý thức hơn để cùng chung tay phòng chống dịch, sớm đẩy lùi dịch để các hoạt động mưu sinh trở lại bình thường. Cứ mỗi một người vi phạm phòng chống dịch thì lại thêm nguy cơ dịch kéo dài, thêm khó khăn cho cả xã hội trong làm việc, học tập, mưu sinh...". 

Phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng

Điểm c khoản 2 Điều 12 Nghị định 117/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có nội dung: Phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi không tham gia chống dịch theo quyết định huy động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch. Đây là mức phạt tiền đối với cá nhân, nếu tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng hai lần mức phạt dành cho cá nhân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới