Xanh hóa những dòng kênh ở TP.HCM - Bài cuối

Cải tạo kênh rạch: Ổn định cuộc sống cho hàng chục ngàn hộ dân

(PLO)- Những dự án cải tạo kênh rạch của TP.HCM sẽ hướng đến mục tiêu giảm ngập, tái định cư, nâng cấp về giao thông, giảm ô nhiễm môi trường…

Năm 1993, dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè được khởi công, đến tháng 8-2012, dự án cơ bản hoàn thành. Như vậy, dự án mất 19 năm kể từ khi thai nghén và 10 năm thực hiện. Ban đầu, dự án này chỉ hướng tới mục tiêu làm thế nào để làm sạch con kênh và phá bỏ nhà tạm lấn chiếm mặt kênh nên có tên là dự án cải tạo vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Tuy nhiên, làm rồi mới thấy tầm vóc của dự án vượt ra khỏi mọi dự tính ban đầu. Dần dần TP nhận ra đây là dự án đa mục tiêu và không phải chỉ dừng lại ở việc cải tạo vệ sinh môi trường mà còn đạt đến những mục tiêu kinh tế - xã hội - hạ tầng kỹ thuật. Do vậy, hai dự án Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên vừa được khởi công cải tạo giai đoạn 2 và rạch Xuyên Tâm đã được thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ tám, HĐND TP.HCM khóa X chắc chắn sẽ hướng đến nhiều mục tiêu.

Dự án rạch Xuyên Tâm đã được thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ tám, HĐND TP.HCM khóa X. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Mục tiêu giảm ngập và tái định cư

Cụ thể, việc cải tạo các dự án này nhằm khơi thông hệ thống kênh rạch để thoát nước tự nhiên. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất để TP giảm ngập nước theo phương thức thoát nước tự nhiên. TP.HCM đa dạng về kênh rạch nên lợi thế của nó là thoát nước tự nhiên. TP vào trước năm 1990 bị ngập nước mưa và triều như bao TP ven sông khác nhưng thời gian ngập không lâu, thoát nước rất nhanh. Tuy nhiên, sau năm 1990 do đô thị hóa quá nhanh, thiếu kiểm soát nên rất nhiều kênh rạch bị san lấp lấy mặt bằng xây dựng. Người dân không chỉ làm nhà trên kênh rạch mà còn đổ rác lấp kênh rạch làm tắc nghẽn hoàn toàn dòng chảy.

Do vậy việc khơi thông các con kênh chính và rạch Xuyên Tâm sẽ giúp cho những khu vực dân cư rộng lớn không bị ngập hoặc giảm ngập. Cụ thể, dự án Tham Lương sẽ giúp thoát nước cho gần 15.000 ha với hơn 2 triệu dân trong khu vực dân cư bảy quận, huyện.

Bên cạnh đó là tái định cư cho người nghèo đang sống trên và dọc theo các con kênh có chỗ ở mới và các phương thức mưu sinh mới. Dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã tái định cư 7.000 hộ dân trong các chung cư, xóa bỏ hoàn toàn các nhà ổ chuột. Cùng với đó là chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân sau những lớp học nghề và cho vay vốn ưu đãi. Tới đây dự án rạch Xuyên Tâm cũng sẽ phải giải tỏa trắng 6.500 hộ dân và dự án Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên cũng sẽ giải tỏa 166 hộ dân (giai đoạn 1 đã giải tỏa 3.212 hộ dân).

Hai dự án Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên vừa được khởi công cải tạo giai đoạn 2 và rạch Xuyên Tâm đã được thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ tám, HĐND TP.HCM khóa X chắc chắn sẽ hướng đến nhiều mục tiêu.

Nâng cấp giao thông, giảm ô nhiễm môi trường

Tiếp đó là nâng cấp giao thông đường bộ dọc theo tuyến kênh, giảm tải áp lực giao thông cho khu vực. Sau khi dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè hoàn thành thì đồng thời với nó là hai tuyến đường trục dọc theo kênh là Hoàng Sa, Trường Sa với hai làn xe dài 9 km đã góp phần giảm tải cho khu vực trung tâm TP, tạo ra hành lang giao thông mới về hướng tây bắc.

Tới đây dự án Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sẽ tiến hành xây đường giao thông chạy dọc hai bờ kênh với chiều dài 64 km, rộng 7-12 m, có vỉa hè 3 m. Hai trục đường giao thông dọc kênh này sẽ đóng góp rất lớn cho hệ thống giao thông của TP đang bị quá tải. Ngoài ra, trục giao thông đường bộ dọc kênh này sẽ nối với các tỉnh miền Tây qua ngõ Long An theo hướng kết nối với đại lộ Võ Văn Kiệt - Quốc lộ 1 - cao tốc TP.HCM - Trung Lương và đi các tỉnh miền Đông cũng sẽ được nối liền. Từ đó, kết nối giao thông đường bộ xuyên TP, giải quyết ùn tắc giao thông, tạo điều kiện chỉnh trang đô thị.

Ngoài ra, các dự án này cũng sẽ giảm ô nhiễm môi trường cho cả một khu vực rộng lớn, trả lại các con kênh xanh, sạch. Khi các kênh rạch được nạo vét, kè bờ và làm hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi đổ vào kênh rạch sẽ làm giảm ô nhiễm môi trường cả một khu vực rộng lớn. Chẳng hạn như dự án Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sẽ cải thiện môi trường cùng lúc ở bảy quận, huyện là 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Bình Chánh. Điều này đồng nghĩa với việc tạo ra vi khí hậu làm giảm nhiệt độ khu vực xuống, làm cho không khí trong lành và mát mẻ hơn.

Tạo cảnh quan đẹp

Một trong những điểm nhấn tạo ấn tượng là các dự án này sẽ tạo ra cảnh quan đẹp dọc theo các trục kênh rạch. Kinh nghiệm từ dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ được áp dụng cho các dự án Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên và rạch Xuyên Tâm. Khi đó, dọc theo hai bên kênh rạch sẽ được hình thành hai dải công viên với cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa, tiểu cảnh, tượng trang trí, ghế đá, hệ thống chiếu sáng và các điểm tập thể dục ngoài trời. Buổi sáng người dân sẽ đến đây tập thể dục, đi bộ, thư giãn, giải trí.

Trong dịp đến làm việc tại TP.HCM vào tháng 11-2017, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã chạy bộ tập thể dục ở bờ kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với tâm trạng rất hứng khởi. Điều này cho thấy mức độ sạch, đẹp của môi trường khu vực.

Phát triển giao thông vận tải đường thủy vốn là ưu thế của TP.HCM nhưng do hệ thống đường bộ phát triển làm cho vai trò của giao thông đường thủy giảm xuống. Dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên kỳ vọng sẽ hình thành tuyến giao thông đường thủy kết nối các quận, huyện của TP, cũng như kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây Nam Bộ qua ngõ Long An và đi các tỉnh miền Đông như Bình Dương, Đồng Nai theo hướng từ cửa sông Chợ Đệm đến sông Sài Gòn, góp phần hình thành trục giao thông đường thủy xuyên suốt toàn vùng.

Kỳ tích đáng tự hào của chính quyền và nhân dân TP

Người dân TP hưởng nhiều lợi ích sau khi các tuyến kênh được cải tạo.
Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Cần khẳng định dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một dự án thành công, được coi là kỳ tích đáng tự hào của chính quyền và nhân dân TP. Nó được coi là một mẫu hình của dự án nâng cấp, cải tạo đô thị. Nhưng vì nó ra đời vào giai đoạn kinh tế của TP còn khó khăn, vốn đầu tư hạn hẹp, chúng ta chưa có điều kiện tiếp cận những kỹ thuật tiên tiến và vì nó là dự án đầu tiên chưa có chút kinh nghiệm nào nên không tránh khỏi những thiếu sót.

Nhìn lại dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè cho thấy nếu mở rộng biên giải tỏa không phải 20 m mà có thể là 30-40 m thì có thể tạo ra được một quỹ đất lớn để từ đó thực hiện được hết các ý đồ quy hoạch - kiến trúc và tổ chức ra một tổ hợp không gian sống đa chức năng và hoàn thiện chứ không bị lẻ mẻ như hiện nay.

Một khi tổ chức không gian quy hoạch - kiến trúc tốt hơn thì hoàn toàn có thể tái định cư tại chỗ cho 7.000 hộ dân trong các chung cư cao tầng theo phương thức nén dọc kênh dài 9 km mà không phải di chuyển đi những nơi xa; hoàn toàn có thể dành đất để cho công viên nhiều hơn, chứ không phải là dải công viên dài, hẹp như cái thắt lưng dọc theo kênh.

Bên cạnh đó, hoàn toàn có thể bố trí các công trình dịch vụ như trường học, nhà trẻ, siêu thị, sân thể thao ở dải đất dọc theo kênh. Nếu tính toán tốt và quyết tâm thì có thể cải tạo và làm mới 20 cây cầu có độ tĩnh không cao từ 7 m để tàu thuyền di chuyển dễ dàng, chứ không phải như hiện nay tàu thuyền du lịch trên kênh và chỉ di chuyển được 4 km, cũng không ra được sông Sài Gòn vì hầu hết các cây cầu có độ tĩnh không chỉ 2-2,5 m, khi nước triều lên thì mấp mé dạ cầu.

Nếu mở rộng biên thì hai trục đường Trường Sa, Hoàng Sa có thể là sáu làn xe chứ không phải chỉ có ba làn xe với bề mặt 7 m và bị quá tải ngay sau khi đưa vào hoạt động được vài tháng. Và dù có cố gắng nhưng con kênh vẫn bị ô nhiễm bởi toàn bộ lượng nước thải đô thị từ nhà dân và công sở vẫn thải trực tiếp ra kênh sau đó được bơm thẳng ra sông Sài Gòn thông qua hệ thống cống ngầm dưới lòng kênh, chứ chưa được thu gom, xử lý theo đúng tiêu chuẩn.

Hiện nay đi dọc hành lang kênh, ai cũng thấy không gian kiến trúc không đẹp, nếu không muốn nói là xấu, nhiều chỗ nhếch nhác, do chỗ cơ quan quản lý nhà nước không có thiết kế cảnh quan và đưa các tiêu chuẩn kiến trúc, cho nên sau khi giải tỏa biên kỹ thuật, các hộ dân sống sát biên đã tự chỉnh trang, sửa chữa, xây dựng nhà ở của mình, làm lại mặt tiền, trang trí (màu sơn, vẽ kiểu) tùy thích theo kiểu “trăm hoa đua nở”, thậm chí xây nhà không chờ có giấy phép xây dựng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới