Cấm xe giường nằm chạy hợp đồng?

“Từ ngày 1-1-2016, các doanh nghiệp vận tải không được sử dụng xe khách giường nằm hai tầng để kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và du lịch. Các loại xe hợp đồng, du lịch, lữ hành không được bán vé, xác nhận đặt chỗ cho hành khách dưới mọi hình thức. Mỗi chuyến xe chỉ được phép ký một hợp đồng vận chuyển khách, không được ký hợp đồng với từng khách đi xe…”. Đó là những đề xuất được Bộ GTVT đưa vào dự thảo thông tư quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô nhằm thay thế Thông tư 18/2013.

Làm khó ngành du lịch?

Nhiều năm qua, anh Hoàng Minh ngụ quận 11 thường xuyên đi du lịch Nha Trang, Đà Lạt hoặc về miền Tây với gia đình, nhóm bạn hoặc có khi chỉ đi một mình. Loại xe mà anh Minh và mọi người thích dùng là xe giường nằm hai tầng.

Mỗi lần muốn đi, anh Minh chỉ cần gọi điện thoại tới hãng xe hoặc hãng du lịch báo tên, số điện thoại, số lượng người, giờ đi… là được ghép vào tour hoặc tour mở rộng (open tour - đi theo đoàn đến địa điểm du lịch rồi tự do tách đoàn, tới ngày về thì lại nhập vào đoàn). Lên xe, nhân viên hướng dẫn ghi tên anh cùng người thân, sau đó nhờ anh làm đại diện ký vào bản hợp đồng theo mẫu là xong.

Thực tế trên cho thấy hiện nhu cầu đi xe hợp đồng theo nhóm gia đình, nhóm bạn hoặc đi lữ hành lẻ của người dân ngày càng cao. Cung cách phục vụ (nhiều hình thức đặt chỗ, đưa đón tận nhà…) của các hãng du lịch, nhà xe giường nằm hai tầng ngày càng tốt. “Nay Bộ GTVT lại định cấm người đi xe giường nằm hai tầng theo hợp đồng hoặc du lịch được đặt chỗ trước; cấm nhà xe ký hợp đồng với từng cá nhân… thì khác nào làm khó dân, làm khó ngành du lịch” - một cán bộ Sở VH-TT&DL TP.HCM nói.

Xe khách giường nằm hai tầng ngày càng được hành khách ưa chuộng. Tại Bến xe Miền Đông có đến 1.198/2.789 xe là loại giường nằm hai tầng, chiếm 55% số chỗ. Ảnh: LƯU ĐỨC

Loại cho, loại cấm

Cũng theo dự thảo trên, xe khách giường nằm hai tầng vẫn được chạy trên các tuyến liên tỉnh cố định. Tới ngày 1-7-2015, loại xe này mới bị cấm chạy trên các tuyến đường cấp 5, cấp 6 miền núi (còn những đèo lớn trên các tuyến quốc lộ thì vẫn được lưu thông - PV).

Nhiều chủ xe cho rằng những tuyến đường cấp 5, cấp 6 miền núi thường hẹp, mấp mô, nhiều khúc cua tay áo nên cấm xe giường nằm hai tầng là hợp lý. Điều bất hợp lý là trên các tuyến quốc lộ hiện còn rất nhiều đèo lớn như đèo Cổ Mã, đèo Cả, đèo Ngang…, vậy vì sao Bộ GTVT lại định cấm xe giường nằm hai tầng chạy theo dạng hợp đồng, du lịch, lữ hành (với lý do đảm bảo an toàn - PV) mà vẫn cho xe giường nằm hai tầng liên tỉnh cố định chạy? Chưa hết, các tuyến từ TP.HCM ra Nha Trang hoặc về miền Tây không có đèo, dốc lớn, vậy sao lại cấm xe hợp đồng, du lịch, lữ hành hoạt động, còn xe liên tỉnh thì không?

“Nếu kết quả kiểm định cho thấy xe giường nằm hai tầng không đảm bảo an toàn thì Bộ GTVT nên cấm tiệt loại xe này hoạt động chứ không nên phân chia thành từng dạng cấm như vậy” - lãnh đạo một doanh nghiệp vận tải nói.

Một cán bộ ngành giao thông lý giải thêm, sở dĩ Bộ GTVT cấm dùng xe giường nằm hai tầng chạy hợp đồng, du lịch, lữ hành do loại hình này phải dừng nhiều lần ở các trạm dừng, điểm du lịch trên hành trình nên khách ở tầng trên sẽ bị bất tiện khi tụt xuống, leo lên.

“Giải thích này không thuyết phục. Vì ngay với xe liên tỉnh cố định, theo quy định hiện hành chạy 200-250 km hoặc bốn giờ cũng phải dừng ở trạm hoặc nhà nghỉ để cho hành xuống nghỉ ngơi, đi vệ sinh và nhà xe đổi tài xế. Như vậy thì có bất tiện cho hành khách tụt xuống, leo lên giường tầng hai không?” - lãnh đạo một doanh nghiệp lữ hành nói.

Câu hỏi không thể không đặt ra: Phải chăng Bộ GTVT đưa ra quy định trên nhằm tạo thuận lợi cho các bến xe liên tỉnh và dồn ép người dân vào đây đi xe?

4.500 là số xe khách giường nằm hiện có ở Việt Nam (chỉ có khoảng 80 xe một tầng). Trong số này có 3.000 xe được sản xuất, lắp ráp trong nước, 800 xe hoán cải, còn lại là xe nhập từ Trung Quốc.

Nguồn: Cục Đăng kiểm Việt Nam

Nếu cấm xe giường nằm hai tầng thì chủ xe, chủ hãng phải tốn tiền để hoán cải, chuyển xe về một tầng. Như thế thì số giường nằm sẽ giảm xuống một nửa (từ 42-44 chỗ nằm xuống còn 21-22 chỗ) và dĩ nhiên giá vé sẽ phải tăng lên gấp đôi. Điều này liệu có được hành khách chấp nhận.

Ông NGÔ NGỌC SƠN, phụ trách Trung tâm
Đăng kiểm 50-07V, TP.HCM

Bộ GTVT cần rà soát cung đường nào phù hợp thì cho chạy, đoạn nào nguy hiểm thì cần cảnh báo, hạn chế tốc độ hoặc cấm xe giường nằm qua đó. Nhưng quan trọng vẫn là con người, phải siết chặt tiêu chuẩn đội ngũ lái xe giường nằm và cả xe ghế ngồi. Tài xế lái ẩu thì xe nào cũng gây tai nạn được thôi.

Ông NGUYỄN VĂN THANH, Chủ tịch Hiệp hội
Vận tải ô tô Việt Nam

Với các tuyến dài trên 300 km, chúng tôi có thể chở khách đến TP du lịch bằng xe giường nằm hai tầng cho khách thoải mái. Khi đi thăm điểm du lịch ở các TP đó, chúng tôi đưa khách đi bằng xe ghế ngồi. Việc hợp đồng bao tour hoặc open tour, chọn loại xe chạy trên chặng dài hay ngắn Bộ GTVT nên để cho nhà xe, hãng du lịch lo chứ đừng ôm đồm quá.

Ông LÊ ĐỨC THÀNH, Giám đốc Công ty TNHH Thành Bưởi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới