Thật ra câu chuyện bảo kê xe, mãi lộ không mới nhưng số tiền nhận bảo kê của các cán bộ trong sự vụ này khiến dư luận giật mình. Sức mạnh của đồng tiền tiếp tục xuyên thủng bức tường đạo đức công vụ. Sự tha hóa, biến chất trong trường hợp này chắc không có gì phải bàn cãi khi những cán bộ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, bảo kê và tiếp tay cho các đối tượng vi phạm gây ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.
Ở một góc độ khác, việc phát hiện, bắt giam các cán bộ hư trên sẽ phần nào lấy lại niềm tin cho nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính. Bởi các doanh nghiệp không chấp nhận thỏa hiệp, không chấp nhận đóng “hụi chết” hoặc là các xe “mồ côi” sẽ là những đối tượng bị “chăm sóc kỹ”, sẽ bị gây khó dễ. Điều này vô tình tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh.
Trong làm ăn, kinh doanh sẽ không thể có chuyện nhà đầu tư chi tiền mà không có mục đích hoặc vô nghĩa. Mức “hụi chết” các chủ xe phải đóng là 1-3 triệu đồng/tháng/xe. Lẽ dĩ nhiên, một khi nhà xe đã “đầu tư” thì phải thu hồi vốn. Tình trạng các xe chở hàng, xe ben, xe chở vật liệu xây dựng… chất đầy thùng, chạy nghênh ngang trên đường gây tổn hại cầu, đường và đe dọa an toàn giao thông cho người dân phải chăng là chúng nằm trong diện bảo kê này?
Người dân hoàn toàn có quyền đặt ra nhiều dấu hỏi cho tình trạng một bộ phận cán bộ ngành giao thông đang gây những nhiễu loạn cho bức tranh giao thông hiện nay. Bởi như đã nói, chuyện này đâu phải chỉ xảy ra ở Cần Thơ. Trước đó, nhiều địa phương như Thanh Hóa, Gia Lai, Đắk Nông… đã “trảm” các cán bộ thanh tra giao thông do không làm tròn trách nhiệm thực thi công vụ, trong đó có cả cán bộ nhận tiền bảo kê xe quá tải... Ai dám chắc rằng trong những vụ tai nạn giao thông thương tâm do những “hung thần xa lộ” gây ra không có những xe trong diện bảo kê này?
Với các hậu quả có thể dẫn đến từ việc bảo kê tương tự, rõ ràng nó đang thách thức cả mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền. Một khi có sự tiếp tay, bao che, bảo kê từ cán bộ thi hành công vụ thì những “con voi cũng ung dung chui lọt qua lỗ kim” sẽ vẫn còn tiếp diễn. Kỷ cương công vụ, luật pháp đều bị vô hiệu hóa. Nếu không trừng trị một cách thích đáng để răn đe và có những cơ chế kiểm soát hữu hiệu hơn thì những hậu quả mà xã hội phải gánh sẽ không dừng lại ở đó…