Được biết tại cuộc họp xét kỷ luật, ông T. vẫn khẳng định mình không nhắn tin gạ tình hay làm phiền cô M. bởi cô này cũng nhắn tin qua lại. Cụ thể, ông T. nhắn 59 tin thì cô M. nhắn lại 54 tin. Ông T. xin rút kinh nghiệm khi nhắn tin cho đương sự mà mình đang giải quyết THA.
Đối với hai trong số nhiều tin nhắn không dấu mà ông T. cho rằng cô M. và Cục THA tự ý bỏ dấu vào và diễn dịch để quy kết ông gạ tình, ông T. đề nghị phải đọc rõ để hiểu. Cụ thể tin nhắn: “Len nguoi yeu cho chu mot lan thoi, chu hp ca doi em a” (tin này được cô M. và Cục THA dịch “Lén người yêu cho chú một lần thôi, chú hạnh phúc cả đời em ạ”). Riêng ông T. nói câu này là: “Lên người yêu chờ chú mốt lận thôi, chừ hậu phương cả đôi (trước đây, ông T. dịch “cả đời” - NV) em ạ”. Câu thứ hai: “Chu yeu em, em không yeu chu, vi sao ha em!; chu se dem lai hp cho em” được cô M. và Cục THA dịch: “Chú yêu em, em không yêu chú, vì sao hả em!; chú sẽ đem lại hạnh phúc cho em”). Tuy vậy, ông T. cho rằng câu đúng phải là: “Chủ yếu em, em không yếu chứ, vì sao hả em, chú sê (không viết hoa và trước đây ông T. giải thích là “chú sẽ” - PV) đem lại hậu phương cho em”.
Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, ông T. - nguyên chấp hành viên hiện là chuyên viên Cục THA Bình Thuận được phân công giải quyết cho người được THA là cô M. (huyện Hàm Thuận Bắc). Sau đó, cô M. gửi đơn tố cáo ông T. đã nhiều lần nói yêu cô, liên tục nhắn tin gạ tình khi cô không đáp ứng thì kéo dài việc giải quyết. Cục THA kết luận đơn tố cáo có cơ sở, ông T. gửi đơn lên Tổng cục THA và đơn vị này cũng khẳng định Cục THA kết luận đúng. Ông T. tiếp tục gửi đơn tố cáo Tổng cục THA đến Thanh tra Bộ Tư pháp và “dịch nghĩa” những tin nhắn do ông là tác giả như trên.