Thông tin Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) kết luận về việc làm giả công văn để lưu hành trái phép 808 sản phẩm, trong đó có 140 sản phẩm thức ăn thủy sản, 668 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản trên thị trường vào năm 2015 gây bức xúc vô cùng. Càng bức xúc hơn khi ông Dương Văn Cường, Chánh Văn phòng Tổng cục, trả lời báo chí rằng thông tin về hàng trăm sản phẩm trái phép và các doanh nghiệp (DN) chưa được công khai vì e vi phạm quy định thanh tra.
Người tiêu dùng sẽ thiệt thòi khi mua nhầm sản phẩm chưa kiểm định trong nuôi trồng thủy sản. Ảnh minh họa: HTD
Sai phạm của ông Bùi Đức Quý, Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản, câu kết với các cán bộ của trung tâm này không phải lén lút chỉ mỗi mình ông thực hiện. Họ cùng nhau làm giả công văn và ra văn bản trái luật để đưa tên các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn vào bản phụ lục sản phẩm đã được cấp phép lưu hành. Những công văn này được “công khai” gửi đến các cơ quan, ban ngành địa phương và chính DN “công khai” mình đạt được để lưu hành khắp thị trường.
72 DN trước khi bán sản phẩm ra thị trường không cần qua khâu kiểm tra chất lượng, chỉ cần bỏ ra 5 triệu đồng/sản phẩm trả cho giám đốc trung tâm là có tên trong danh sách lưu hành. Số lượng lớn DN trên đủ để biết “luật chơi” của trung tâm này rất “công khai”.
Chưa nói về trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý, hãy nói đến hậu quả của trên 800 sản phẩm đối với nông dân, với DN nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản và người tiêu dùng. 140 sản phẩm thức ăn thủy sản không đủ tiêu chuẩn được lưu hành trái phép, ai dám chắc nó không có chất cấm, kháng sinh vượt mức cho phép? Vụ sai phạm động trời này được cho là bắt đầu từ năm 2013 thì cũng theo thống kê của tổng cục này với báo chí, tính từ năm 2014 đến nay có hàng trăm lô hàng thủy sản xuất khẩu bị trả về vì nhiễm chất cấm, kháng sinh và mầm bệnh. Trong hai năm 2014 và 2015, số lô hàng thủy sản Việt Nam bị các nước nhập khẩu cho “hồi hương” vì hóa chất, kháng sinh, vi sinh vật vượt ngưỡng cho phép lên đến khoảng 600 lô hàng.
Hiện các thị trường nhập khẩu như Mỹ, EU, Úc, Nhật… đã tăng tần suất kiểm tra từ kiểm tra lấy mẫu sang kiểm 100% từng lô hàng. Không chỉ vậy, nhiều nước đã đưa hẳn quy trình nhập thủy sản Việt Nam, nếu vi phạm sẽ tạm ngừng nhập khẩu chung cả ngành thủy sản nước ta. Ai dám chắc 140 sản phẩm thức ăn thủy sản trái phép nói trên không phải là thủ phạm góp phần tác động đến chất lượng tôm, cá mà lâu nay người nông dân hay bị đổ lỗi sử dụng kháng sinh vô tội vạ, mua thức ăn không rõ nguồn gốc.
Nguy hiểm hơn nữa là 668 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản không đủ tiêu chuẩn trên thị trường. Nhiều hecta thủy sản đã mất trắng vì dịch bệnh, người nông dân thiệt hại hàng tỉ đồng.
Người dân trong nước đang hằng ngày ăn thực phẩm chế biến từ các loại thủy sản. Có bao nhiêu người bị ảnh hưởng từ hơn 800 sản phẩm thủy sản sai phạm nói trên?
Vụ việc phát hiện từ tháng 4-2015 để mãi hơn một năm trời mà Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT vẫn không công bố cho dân biết những DN làm ăn bất chính cùng với những sản phẩm trái phép lừa dối người dân. Các vị “bí mật” vì ngại vi phạm quy định nhưng có nghĩ đến lợi ích của nông dân, của các DN chân chính và nhất là sức khỏe người dân hay không?