Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) vừa có kết luận về việc làm giả công văn để lưu hành trái phép 808 sản phẩm, trong đó có 140 sản phẩm thức ăn thủy sản, 668 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản trên thị trường vào năm 2015. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Dương Văn Cường, Chánh Văn phòng Tổng cục Thủy sản, cho biết: “Tài liệu này là vụ việc mà thanh tra Bộ đang xử lý và theo quy định của pháp luật thanh tra, chúng tôi không thể cung cấp thông tin tại thời điểm này”.
“Sợ vi phạm quy định về thanh tra”
. Phóng viên: Lý do tại sao, thưa ông?
+ Ông Dương Văn Cường: Bởi vì theo quy định pháp luật thanh tra, trong quá trình xử lý thanh tra tố cáo thì những tài liệu này chưa được cung cấp.
. Sự việc phát hiện ra từ tháng 4-2015, như vậy cũng đã hơn một năm rồi. Vậy lý do vì sao Bộ không công bố 800 sản phẩm cho nông dân biết để có thể phòng tránh và không mua các sản phẩm đấy?
+ Thứ nhất, chúng tôi chưa nhận được yêu cầu của cơ quan báo chí liên quan đến việc này. Thứ hai, tài liệu trong quá trình thanh tra, nếu cung cấp thì vi phạm pháp luật về thanh tra.
. Ông có biết hiện nay người dân đang rất cần danh sách của 800 sản phẩm để họ không mua phải, nếu cứ kéo dài như thế này thì ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân không?
+ Chúng tôi đã công bố cho các cơ quan quản lý của địa phương.
. Công tác thu hồi đến nay thống kê như thế nào?
+ Hiện nay, chúng tôi chưa cung cấp số liệu vào thời điểm này và cần có thời gian chuẩn bị.
Nông dân sẽ bị thiệt thòi khi họ mua phải một trong hơn 800 sản phẩm lưu hành không đạt chất lượng. Ảnh: CTV
800 sản phẩm thủy sản trái phép ra thị trường
Theo quy định, các sản phẩm là thức ăn trong nuôi trồng thủy sản và các sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản khi bán ra thị trường phải được Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) chấp nhận tiến hành kiểm nghiệm đảm bảo chất lượng mới được lưu hành.
Nhưng theo một bản báo cáo kết luận từ Bộ NN&PTNT, nhiều sản phẩm của doanh nghiệp không cần phải đi qua khâu kiểm tra, xác minh chất lượng mà chỉ cần bỏ ra 5 triệu đồng/sản phẩm là có tên trong danh sách được lưu hành. Theo đó chỉ với ba bản phụ lục được ký khống trong hai năm vừa qua với 808 sản phẩm đã lưu hành trên thị trường.
Trước đó Tổng cục Thủy sản đã xác minh điều tra vụ việc này và ra kết luận. Cụ thể từ đầu năm 2013, Bùi Đức Quý, Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm nuôi trồng thủy sản, đã câu kết với các cán bộ của trung tâm này gồm Nguyễn Huy Bàn, Đỗ Thị Hà, Phạm Hồng Quân, Vũ Thị Thu, Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Văn Dũng và ông Lê Tuấn Anh làm giả công văn và ban hành văn bản trái luật để đưa tên các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn vào bản phụ lục sản phẩm đã được cấp phép lưu hành.
Xử lý các cán bộ cố ý làm trái Chiều 20-7, Chánh Văn phòng Tổng cục Thủy sản, ông Dương Văn Cường, cho biết từ tháng 4-2015, tổng cục đã tiếp nhận thông tin của vụ việc và cho xác minh, chủ động trao đổi với Cơ quan An ninh (Bộ Công an). Sau đó, các cơ quan liên quan đã cắt chức, khai trừ khỏi Đảng một vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản tại thời điểm đó. Buộc thôi việc, khai trừ khỏi Đảng đối với công chức Lê Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Hành chính, quản trị của Văn phòng Tổng cục thủy sản. Buộc thôi việc năm viên chức thuộc Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm và Kiểm định nuôi trồng thủy sản và cảnh cáo một viên chức của trung tâm này. “Đây là hình thức kỷ luật cao nhất theo quy định về xử lý vi phạm công chức, viên chức. Ngoài ra, cơ quan chức năng thu hồi hơn 1 tỉ đồng tiền thu lợi bất chính của một số cán bộ” - ông Cường cho biết. |