Chiều 10-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD, sửa đổi).
Nêu ý kiến, đại biểu (ĐB) Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) cho rằng hiện nay trên không gian mạng, quảng cáo trên các nền tảng trình duyệt, ứng dụng giải trí dễ dàng tiếp cận NTD mà chưa được sự kiểm soát chặt chẽ.
“Thật nguy hại khi các sản phẩm chức năng, các loại thuốc ngày ngày vẫn được phù phép, quảng cáo có tác dụng như thần dược trên Facebook, YouTube, TikTok, thậm chí là các trang báo điện tử chính thống” - bà Trinh nói.
Nữ ĐB cũng nhận xét tình trạng một số nghệ sĩ Việt Nam quảng cáo thuốc, mỹ phẩm sai sự thật đã được báo chí lên án nhưng chế tài với các vấn đề này vẫn chưa được xây dựng đầy đủ. Bà Trinh đề nghị trong dự thảo luật cần quy định hành vi chuyển tải các quảng cáo sai sự thật là một trong những hành vi cấm, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quảng cáo, cho phép quảng cáo đối với các sản phẩm này đều phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Trong khi đó, ĐB Trần Thị Vân (Bắc Ninh) quan tâm đến nguyên tắc xác định trách nhiệm bồi thường khi có thiệt hại thực tế xảy ra.
Nêu việc nước tương chứa chất 3-MCPD vượt tiêu chuẩn cho phép có khả năng gây nhiễm độc gan, sữa có chứa melatonin sử dụng trong thời gian dài có thể làm hỏng thận hay gây ung thư ruột..., bà Vân cho rằng hậu quả không phát sinh ngay tại thời điểm NTD sử dụng sản phẩm.
“Liệu NTD có phải chờ đến khi có thiệt hại thực tế xảy ra mới có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại?” - ĐB Bắc Ninh băn khoăn và đề xuất dự thảo bổ sung áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi “hàng hóa có khuyết tật” ngay cả khi thiệt hại chưa xảy ra trên thực tế, chỉ cần có căn cứ chứng minh thiệt hại đó chắc chắn sẽ xảy ra.
ĐB Tống Văn Băng (TP Hải Phòng) đánh giá cơ chế thực hiện việc bồi thường theo quy định hiện hành rất phức tạp và gần như không có hiệu quả. Tán thành với bốn cơ chế giải quyết tranh chấp trong dự thảo luật là thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án, tuy nhiên, ông Băng đề nghị bổ sung thêm một số cơ chế như quyền tẩy chay hàng hóa đối với những hàng hóa vi phạm, hay sự lên án của xã hội do các chủ thể là các tổ chức xã hội thực hiện.
“Nội dung này sẽ nhanh chóng gây ra những áp lực đối với doanh nghiệp để bảo vệ NTD được tốt hơn” - ông Băng nói.