Bảo hiểm xe máy: Vì sao dân không thích?

(PLO)- Câu hỏi của CSGT khi dừng xe máy người vi phạm luôn là: “Vui lòng xuất trình giấy tờ xe, giấy phép lái xe, bảo hiểm xe máy” nên nó trở thành vật để đối phó, để không bị xử phạt và đó là lý do chủ yếu để người ta mua bảo hiểm loại này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nếu chịu khó khảo sát “bỏ túi” những người đi đường về bảo hiểm xe máy, chúng ta sẽ nhận được câu trả lời: Mua để… đối phó với CSGT chứ không mong gì được “phụ” bồi thường cho bên thứ ba khi họ lỡ gây ra tai nạn. Vì sao?

Cũng cần nhìn nhận rằng một bộ phận người dân chưa hiểu rõ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới. Điều đáng quan tâm là làm sao để họ hiểu và lựa chọn việc mua thay vì bắt buộc mua.

Bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới có ý nghĩa thay chủ xe, người lái xe thực hiện trách nhiệm bồi thường một phần nào đó theo quy định cho bên bị thiệt hại khi gây tai nạn, không bảo hiểm cho bản thân người lái xe và chiếc xe. Bảo hiểm này thường gọi tắt là bảo hiểm xe máy, được bán ở nhiều nơi: Bên vỉa hè, qua online...

Lần đầu mua bảo hiểm xe máy, tôi được người bán “tiếp thị” ngắn gọn: “Anh mua đi, phòng xe anh bị làm sao thì có bảo hiểm lo. Vả lại CSGT có hỏi thì không bị phạt”.

Chính cách gọi tắt “bảo hiểm xe máy” và cách giới thiệu như thế làm cho nhiều người lầm tưởng đây là bảo hiểm cho tình huống xe bị hư tổn, như đột nhiên bốc cháy. Thực tế, không ít người chép miệng: Trong hàng ngàn xe có bao nhiêu chiếc bất ngờ bốc cháy hay hư tổn? Chẳng biết tình huống mình gặp phải có được bồi thường hay không?

Và một câu hỏi của CSGT khi dừng xe máy người vi phạm luôn là: “Vui lòng xuất trình giấy tờ xe, giấy phép lái xe, bảo hiểm xe máy” nên trở thành vật để đối phó, để không bị xử phạt. Đó có lẽ là lý do chủ yếu để người ta mua bảo hiểm loại này.

Sự thiếu thực chất của tấm giấy ấy được thể hiện ngay ở con số: Tổng mức chi trả bảo hiểm chỉ ở mức 45 tỉ đồng trên doanh thu 765 tỉ đồng từ phí bảo hiểm của chủ xe. Điều đó cũng thể hiện ở việc nhiều người bỏ tiền ra mua vì bắt buộc nhưng không tìm hiểu chính xác mục đích, ý nghĩa. Điều đó còn bao gồm ở việc nếu ai đó có nhu cầu được bảo hiểm thì không dễ thực hiện các thủ tục. Chưa kể nhân viên bảo hiểm chẳng có đủ chuyên môn, thẩm quyền để xác nhận xe nào gây tai nạn, để tìm đúng đơn vị bảo hiểm phải bồi thường.

Khoan bàn đến chuyện có bắt buộc mua bảo hiểm xe máy hay không dưới góc độ quy định thuần túy dựa trên sự tham khảo từ một số quốc gia, mà hãy nhìn vào tình hình thực tế để có câu trả lời chính xác.

Có những loại bảo hiểm không bắt buộc nhưng một số lượng đáng kể người dân vẫn bỏ đồng tiền thắt lưng buộc bụng ra mua và đơn vị bán bảo hiểm vẫn phát triển. Bảo hiểm liên quan đến sức khỏe là một ví dụ.

Trong câu chuyện bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới, nhu cầu được hỗ trợ bồi thường trong tình huống gây tai nạn là có thật, nhất là đối với những chủ xe không có nhiều tiền. Điểm cơ bản là làm sao để người dân ý thức rõ nhu cầu ấy và hiểu chính xác ý nghĩa của tấm giấy được gọi là “bảo hiểm xe máy”. Nhưng điểm mấu chốt nhất vẫn là thủ tục dễ dàng, tiện lợi để người dân được chấp nhận chi trả bảo hiểm khi có sự kiện cần.

Nếu mua bảo hiểm chỉ để đối phó (với CSGT) chứ không mong gì được chi trả bảo hiểm cho bên thứ ba khi mình lỡ gây ra tai nạn thì quy định mua bảo hiểm TNDS bắt buộc chẳng còn ý nghĩa gì khác ngoài việc làm lợi cho cơ quan bảo hiểm!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm