Cần hoàn thiện quy định thi hành án dân sự để dễ xác minh tài sản thi hành

(PLO)- Các chuyên gia cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự để giải quyết các vụ việc tranh chấp, đặc biệt là khi số lượng các tranh chấp về kinh tế ngày càng tăng.

Sáng 18-12, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) phối hợp tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Thi hành án dân sự (THADS) sửa đổi.

Công tác xác minh tài sản cần tốt hơn

Phát biểu tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI - nhận định Luật THADS đã đến lúc phải sửa đổi, điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh đất nước.

Ông Tuấn lấy ví dụ về công tác xác minh điều kiện thi hành - một trong những khó khăn rất lớn của công tác THA hiện nay là chỉ mới xác minh được 50% số tiền cần thi hành. Các doanh nghiệp và cơ quan thi hành cũng thường xuyên phản ảnh việc xác minh tài sản gặp nhiều khó khăn do người phải THA che giấu hoặc tẩu tán tài sản.

Theo đó, Luật THADS (sửa đổi) cần đặt ra các quy định về việc sử dụng cơ sở dữ liệu để xác minh tài sản của người THA, từ đó có thể áp dụng những biện pháp như khấu trừ tiền trong tài khoản của người bị thi hành.

“Nếu công tác này thực hiện tốt thì tỉ lệ THA thành công sẽ tăng lên trong thời gian tới”- ông Tuấn nói.

Nên sử dụng cơ sở dữ liệu để công tác xác minh tài sản thi hành được tốt hơn. Ảnh: VGP

Đại diện cơ quan nhà nước, bà Trần Thị Phương Hoa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS- cho rằng trong thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế mạnh mẽ, các tranh chấp kinh tế phát sinh ngày càng nhiều.

Luật THADS được ban hành từ năm 2008, đến nay được 16 năm. Luật đã được sửa đổi 2 lần và đem lại những kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2023-2024, toàn hệ thống THADS đã thi hành trên 620.000 vụ việc và thu được số tiền trên 116.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, bà Hoa thừa nhận Luật THADS đã bộc lộ những bất cập, hạn chế. Vì vậy, Bộ Tư Pháp đã tham mưu cho Chính phủ và đề xuất Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2025. Dự kiến, dự thảo Luật được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2025).

Cần kéo dài thời gian sao gửi hồ sơ

Góp ý cho dự thảo, bà Lê Thị Kim Dung- Luật sư, chuyên viên cao cấp, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1 (Tổng cục THADS) đề nghị cân nhắc quy định về trách nhiệm “tiền kiểm” của VKS trong THADS đối với vụ việc tài sản đưa ra bán đấu giá là bất động sản hoặc tài sản có giá trị đặc biệt lớn.

Dự thảo quy định trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả thẩm định giá, cơ quan THADS phải gửi toàn bộ bản sao hồ sơ thi hành án sang VKS cùng cấp để thực hiện việc kiểm sát trước khi bán tài sản là bất động sản hoặc tài sản có giá trị lớn.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ của cơ quan THADS, VKSND cùng cấp phải thực hiện việc kiểm sát và kết luận về điều kiện đưa tài sản ra bán đấu giá.

Luật sư Lê Thị Kim Dung tham gia góp ý kiến với Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi). Ảnh: M.T

Theo bà Dung, pháp luật hiện hành đã quy định việc tổ chức THA, thẩm quyền tổ chức THA thuộc về cơ quan THADS, trong đó người chịu trách nhiệm là Thủ trưởng cơ quan THADS và Chấp hành viên.

Bà Dung cũng cho rằng đã có các Chấp hành viên trung và cao cấp được giao thẩm quyền tổ chức thi hành những vụ việc phức tạp, giá trị tài sản lớn.

Hiện tại, pháp luật quy định trách nhiệm của cơ quan kiểm sát trong hoạt động THADS là cơ quan “đứng ngoài” hoạt động THADS để kiểm sát hoạt động của cơ quan THADS. Do đó, theo bà Dung, không nên quy định chồng lấn thẩm quyền của cơ quan THADS.

Ngoài ra, việc thiết kế thêm một công đoạn trong quá trình tổ chức THA là đang kéo dài thêm thời gian. Mặt khác, quy định này cũng chưa phân định rõ trách nhiệm giữa hai đơn vị là THADS và VKS.

Bà Dung kiến nghị nên bỏ quy định này tại Dự thảo, trường hợp cần thiết thì nên quy định giao trách nhiệm này cho Thủ trưởng cơ quan THADS. Đồng thời nên quy định thời gian thực hiện việc sao gửi hồ sơ là 5 ngày làm việc, vì 3 ngày làm việc là quá ngắn đối với những địa bàn mà Chấp hành viên phải thi hành 300- 400 hồ sơ nhưng không có thư ký giúp việc.

Trao thêm quyền năng cho Thừa phát lại

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Dự thảo là quy định về Thừa phát lại. Dự thảo thể hiện thẩm quyền của Thừa phát lại là “Tổ chức THA theo yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định thuộc thẩm quyền thi hành của cơ quan THADS cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở”.

Cạnh đó, dự thảo cũng quy định Chi cục trưởng Chi cục THADS hoặc Cục trưởng Cục THADS nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở ra quyết định THA. Trường hợp cưỡng chế THA cần huy động lực lượng bảo vệ thì phải báo cáo, xin ý kiến của Trưởng Ban Chỉ đạo THADS cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại.

Bà Dung đánh giá thẩm quyền tổ chức THADS của Thừa phát theo dự thảo bị thu hẹp hơn so với quy định hiện hành.

Vị chuyên gia này kiến nghị nên trao thêm quyền năng trong tổ chức THADS cho Thừa phát lại; trước mắt, có thể trao quyền ra quyết định THA theo yêu cầu. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu theo hướng có thể trao quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm THA, cưỡng chế THA.

“Tức trao cho Thừa phát lại có đầy đủ quyền hạn như Chấp hành viên trong tổ chức THA để có cơ sở đánh giá chính xác năng lực, khả năng, hiệu quả của Thừa phát lại trong tổ chức THADS, tiến đến việc uỷ quyền mạnh mẽ cho tổ chức Thừa phát lại thực hiện thay chức năng của Nhà nước trong tương lai”- bà Dung nói.

50 điều mới trong dự thảo Luật Thi hành án dân sự

Trước đó, ngày 24-10, Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) có văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về Dự thảo Luật THADS (sửa đổi).

Dự thảo Luật gồm 9 chương, với 231 điều, trong đó 50 điều được xây dựng mới. Những nội dung sửa đổi, bổ sung được phân bổ theo 5 chính sách với nội dung chính quy định Cơ quan THA thuộc Bộ Quốc phòng là cơ quan THADS, có chức năng tổ chức THA nhằm giải quyết tình trạng quá tải của phòng THA cấp quân khu; giao Chính phủ quy định về các địa bàn cấp huyện không thành lập cơ quan THADS và cơ chế quản lý.

Dự thảo cũng bổ sung thẩm quyền tổ chức thi hành đối với một số loại việc; bổ sung nhiệm vụ thực hiện biện pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong THADS.

Nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND, TAND trong THADS cơ bản không thay đổi. Tuy nhiên, Dự thảo bổ sung nội dung VKSND cùng cấp kiểm sát trước (tiền kiểm) đối với vụ việc tài sản đưa ra bán đấu giá là bất động sản và có giá trị đặc biệt lớn.

Về xác minh điều kiện THA, Dự thảo cụ thể hóa cơ chế về quyền, trách nhiệm của người được THA trong việc cung cấp thông tin về điều kiện THA; quy định cụ thể quyền hạn của Thừa phát lại trong xác minh điều kiện THA…

Ngoài ra, Dự thảo cũng bổ sung trình tự, thủ tục áp dụng 3 biện pháp bảo đảm THA, gồm: tạm hoãn xuất cảnh, ngừng sử dụng hóa đơn, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới