Cần siết chặt việc mua bán online chất độc xyanua

(PLO)- Mặc dù đã được siết chặt quản lý xyanua tại các chợ hóa chất truyền thống, song người dùng dễ dàng tiếp cận thông tin trên mạng khi muốn tìm mua xyanua.

Tuần qua, vụ ô tô lao xuống vực ở đèo Bảo Lộc cho thấy đây không phải là vụ tai nạn giao thông mà là do nghi phạm tự sát sau khi đầu độc người khác bằng xyanua. Vụ việc này một lần nữa lại đặt ra dấu chấm hỏi về công tác quản lý chất cực độc này trên thị trường.

Thực tế cho thấy việc mua bán tại chợ hóa chất Kim Biên đã được cơ quan chức năng quản lý chặt. Còn trên mạng, chỉ với vài thao tác tìm kiếm, người ta có thể dễ dàng tiếp cận thông tin mua bán xyanua.

Dễ tiếp cận thông tin trên mạng khi mua xyanua

Không khó để một người tìm hỏi mua xyanua trên mạng. Chỉ cần gõ cụm từ khóa “mua xyanua giá rẻ”, người dùng sẽ được gợi ý nhiều địa chỉ.

Tương tự, trên mạng xã hội Facebook, phóng viên tìm thấy không ít hội nhóm được lập ra với mục đích buôn bán, trao đổi hóa chất, nhưng bên trong lại có vô số những bài viết giới thiệu, tìm mua xyanua.

Một shop chuyên bán xyanua cho biết sẽ ngụy trang mặt hàng này bằng dòng chữ "chất tẩy rửa". Ảnh: MXH

Trong nhóm có tên viết tắt là “HHC” và nhóm “CHCMB-TĐ..." có vài chục nghìn lượt theo dõi, người dùng chỉ cần gõ cụm từ “xyanua”, lập tức sẽ có không ít bài viết liên quan hiển thị như “Kali xyanua – KCN, cam kết hàng chuẩn, giá rẻ, ai cần mua em báo giá”; “Mình cần mua xyanua”; “Mình có bán lẻ kali xyanua và natri xyanua, cam kết chính hãng”.

Trong vai một người tìm mua xyanua, phóng viên liên hệ với một tài khoản Facebook có tên viết tắt là “HCVN” và hỏi mua sản phẩm.

Khi PV hỏi có bán lẻ xyanua không, người này lập tức trả lời có và bắt đầu giới thiệu 3 mức giá. Cụ thể, 270.000 đồng/500g loại trung, 400.000 đồng cho loại của Merck (tên 1 thương hiệu) và dạng lỏng 1 lọ 500 ml có giá 550.000 đồng.

Khi chúng tôi hỏi làm thế nào để tránh bị kiểm tra, người này cho biết sẽ ngụy trang bằng cách để tên đơn hàng là “chất tẩy rửa”. PV ngỏ ý mua 1 lít, người này nói sẽ bớt 50.000 đồng, đồng thời dặn xyanua chỉ nguy hiểm khi đi vào cơ thể, nếu cẩn thận chỉ cần đeo khẩu trang là được.

Một cửa hàng bán hóa chất ở chợ Kim Biên với biển thông báo "không mua bán, tàng trữ, vận chuyển các loại hoá chất cấm, đặc biệt là xyanua, axit sunfuric…". Ảnh: NGỌC THẮM

Chợ Kim Biên: Tiểu thương gắn biển không bán xyanua

Đó là hoạt động mua bán xyanua trên mạng. Còn thực tế hoạt động này tại chợ hóa chất Kim Biên (quận 5, TP.HCM) đã được kiểm soát chặt chẽ.

Chiều 25-10, phóng viên tìm đến ghi nhận, đa số sạp bán hóa chất tại đây đều gắn biển thông báo: “Không mua bán, tàng trữ, vận chuyển các loại hoá chất cấm, đặc biệt là xyanua, axit sunfuric…”

Đa số các cửa hàng hóa chất đều treo biển thông báo không bán, tàng trữ các loại hóa chất cấm. Ảnh: Ngọc Thắm

Hỏi thăm một vài tiểu thương, chúng tôi được thông tin đây là loại hóa chất đặc biệt, không bán công khai, không bán cho người lạ.

Những tiểu thương này cho biết các cửa hàng hóa chất chỉ bán số lượng lớn cho mối quen, doanh nghiệp, công ty mua về dùng trong công nghiệp như sản xuất giấy, dệt may, nhựa và thuốc trừ sâu...

Vị trí biển thông báo được để sau các kệ hóa chất. Ảnh: Thắm Ngọc

Trước đó, từ một vụ tự tử bằng xyanua ở quận Bình Thạnh vào tháng 9 vừa qua, Công an TP.HCM đã tập trung kiểm tra xử lý việc mua bán, tàng trữ trái phép chất độc trên địa bàn mà đặc biệt là ở chợ Kim Biên, quận 5.

Ngày 25-9-2024, Công an TP.HCM đã thành lập bảy Tổ công tác kiểm tra đồng loạt tại 21 địa điểm kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại xung quanh Chợ Kim Biên, Quận 5.

Công an phát hiện, thu giữ 433 chai nhựa dung dịch hóa chất xyanua; 179 kg xyanua và tám hũ hóa chất độc Potassium Gold Cyanide 62,8% (Kali vàng Xyanua).

Bước đầu công an xác định các sai phạm liên quan đến hành vi kinh doanh hóa chất không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp.

Theo Công an TP.HCM, việc quản lý hoạt động kinh doanh hóa chất độc hại (đặc biệt là chất độc xyanua) còn nhiều sơ hở, thiếu sót; hoạt động mua bán trái phép diễn ra phổ biến, dễ dàng tại các địa điểm kinh doanh hóa chất và cả trên không gian mạng.

Trong khi đó, một bộ phận người dân mua xyanua trái phép để phục vụ nhu cầu khai khoáng, xi mạ, chế tác kim loại.

Công an TP.HCM đã chủ động xây dựng, triển khai Kế hoạch Tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn TP.HCM.

Sau hơn một tháng triển khai thực hiện, Công an TP.HCM đã phát hiện, khởi tố năm vụ án/17 bị can về các tội mua bán, tàng trữ trái phép chất độc; thu giữ 9.488,5 kg xyanua, 315 kg axit sulfuric, 105 kg axit cholhidric cùng nhiều tang vật khác có liên quan; khẩn trương truy xét các đầu mối tiêu thụ xyanua tại 11 tỉnh, thành trên cả nước để thu hồi hơn 318,5 kg Xyanua mua bán trái phép.

Phải truy nơi bán online chất độc xyanua

Trao đổi với chúng tôi, Bác sĩ chuyên khoa II Kiều Ngọc Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết xyanua có thể là khí không màu hoặc ở dạng tinh thể. Đây là chất cực độc, thậm chí được liệt vào danh sách những chất độc nhất trong các chất độc.

Xyanua được hấp thu nhanh vào cơ thể (nhất là qua đường dạ dày), ức chế rất nhanh, mạnh với hô hấp tế bào, một liều rất nhỏ cũng có thể gây tử vong.

Bệnh nhân tử vong nhanh thường do suy hô hấp, co giật. Liều gây ngộ độc của xyanua phụ thuộc vào dạng muối hay khí, thời gian tiếp xúc và đường tiếp xúc.

Theo bác sĩ Minh, khi bị ngộ độc xyanua, đầu tiên người bị nhiễm độc sẽ có dấu hiệu lo lắng, kích động, thở nhanh và lú lẫn. Sau đó, nạn nhân bắt đầu co giật, khó thở, tụt huyết áp và bị giảm thông khí.

Cuối cùng, nạn nhân dần rơi vào trạng thái giảm trương lực cơ và mất phản xạ, bị trụy tim mạch, hạ ôxy trong máu, dẫn đến tử vong.

Người trúng độc xyanua trong vòng 2 giờ không được chữa trị kịp thời sẽ gây nguy cơ tử vong rất cao.

“Ngộ độc xyanua nặng có thể gây suy tim cấp, rối loạn nhịp, tiêu cơ vân… Trong y văn có ghi nhận ca ngộ độc xyanua tổn thương não nặng, không thể hồi phục, phải sống thực vật hoặc liệt hoàn toàn” - bác sĩ Minh thông tin.

TS.BS Nguyễn Thị Thủy Ngân, Phó khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết bệnh viện đã từng tiếp nhận một số bệnh nhân bị ngộ độc xyanua trong tình trạng nguy kịch.

Theo bác sĩ Ngân, qua khai thác bệnh sử các trường hợp này, đa phần tiếp cận với nguồn xyanua được mua từ các trang mạng không chính thống.

Xyanua là chất khí hoặc chất lỏng không màu, cũng có thể ở dạng tinh thể rắn. Vì vậy nạn nhân khó nhận ra nếu chất này hòa trong thức ăn, nước uống ở các trường hợp bị đầu độc.

Tình trạng đầu độc bằng xyanua ngày càng trở nên nguy hiểm hơn, khi đã xuất hiện ngày càng nở rộ các con đường giao dịch trên không gian mạng, sàn thương mại điện tử, các kênh mua bán không chính thống.

“Chúng ta phải tìm cách kiểm soát được các nguồn bán không chính thống từ những nơi này. Đặc biệt, khi có bất kì ca ngộ độc nào xảy ra, cần kiểm soát, truy được nguồn gốc nơi bán, xử lý thật nghiêm để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra” - bác sĩ Ngân nói.

Nên cấm cá nhân mua chất độc xyanua

Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Luật Hóa chất, Nghị định 113/2017 được sửa đổi bởi Nghị định 33/2024 quy định xyanua là hóa chất độc không thuộc danh mục hóa chất cấm mà thuộc loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp.

Theo đó, việc mua, bán hóa chất độc phải có phiếu kiểm soát, có xác nhận của bên mua, bên bán để làm cơ sở cho việc kiểm soát hóa chất độc lưu thông trên thị trường.

Luật sư Lê Văn Hoan

Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc bao gồm các thông tin về tên hóa chất, số lượng, mục đích sử dụng; tên, chữ ký của người mua, người bán; địa chỉ, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân của người đại diện bên mua và bên bán; ngày giao hàng.

Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc phải được lưu giữ tại bên bán, bên mua ít nhất 5 năm và phải xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu

Mẫu phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo thông tư số 32/2017 Bộ Công Thương cũng chỉ thể hiện thông tin của người mua chứ không đặt ra điều kiện với người mua. Nếu người mua xuất trình đủ các loại giấy tờ thì việc giao dịch mua bán là phù hợp.

Tuy nhiên, người mua sử dụng hóa chất độc này vào mục đích gì thì người bán không thể kiểm soát được và người sử dụng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mục đích sử dụng.

Cũng theo LS Hoan, do pháp luật không quy định điều kiện để cá nhân được mua hóa chất và cũng không quy định người bán có trách nhiệm kiểm tra điều kiện của người mua nên việc mua hóa chất, nhất là hóa chất độc, trong đó có xyanua khá dễ dàng.

Việc mua xyanua một cách dễ dàng nên để hạn chế những hậu quả do hóa chất độc gây ra, pháp luật không chỉ nên đặt các điều kiện đối với người bán mà cần phải quy định điều kiện đối với người mua. Thậm chí có thể hạn chế hoặc không cho người mua là cá nhân được mua xyanua. Bởi lẽ đối với tổ chức thì còn có người giám sát lẫn nhau, còn cá nhân thì việc mua về sử dụng vào việc gì không có cơ chế kiểm tra giám sát, dễ dẫn tới việc sử dụng sai mục đích.

NGUYỄN HIỀN (ghi)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới