Ngày 4-7, đoàn công tác liên ngành của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389) Quốc gia làm việc với Ban chỉ đạo 389 TP Cần Thơ về việc tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu.
Lực lượng chức năng TP Cần Thơ bắt giữ thuốc lá lậu trong năm 2016. Ảnh: CTV
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết từ khi có quyết định về việc tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu (tháng 12- 2014) đến nay, TP đã tiêu hủy gần 251.000 bao thuốc lá điếu các loại. Số tiền hỗ trợ các lực lượng gần 838 triệu đồng.
Tình hình vận chuyển, buôn lậu thuốc lá trên địa bàn TP có giảm nhưng diễn biến vẫn phức tạp. Cụ thể, năm 2014 thu giữ gần 208.000 bao thuốc, khởi tố 22 vụ với 23 người. Năm 2015 thu giữ gần 191.000 bao thuốc, khởi tố 16 vụ với 16 người. Sáu tháng đầu năm 2016, các lực lượng thu giữ gần 65.000 bao thuốc.
Theo ông Toại, việc tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu gây lãng phí của cải xã hội, Nhà nước phải bỏ ra một khoản tiền thực hiện việc tiêu hủy và kinh phí hỗ trợ việc tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu. Mức chi hỗ trợ tiêu hủy quy định là 3.400 đồng/bao nhưng thực tế mức chi này là không đủ nên hoạt động chống buôn lậu gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, cơ chế kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu như hiện nay chưa động viên, khuyến khích cán bộ, chiến sĩ tích cực kiểm tra, ngăn chặn buôn lậu thuốc lá ngoại.
Cạnh đó, Chi cục Quản lý thị trường là đơn vị đầu mối thu gom thuốc lá ngoại bị bắt giữ nhưng đơn vị này không có kho bãi chứa để chờ ngày tiêu hủy. Từ đó dễ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe công chức, nhân viên của chi cục. TP gặp nhiều khó khăn về địa điểm tiêu hủy, phải ký kết hợp đồng tiêu hủy ở các lò gạch, gây ô nhiễm môi trường, chi phí tiêu hủy cao.
Từ đó, Ban chỉ đạo 389 TP Cần Thơ đề nghị Ban chỉ đạo 389 Quốc gia trình Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia xem xét cho chủ trương thực hiện tái xuất thuốc lá ngoại còn chất lượng bị tịch thu. Lý do là tái xuất thuốc lá ngoại sẽ thu được một số tiền, tránh lãng phí của cải xã hội, hạn chế ô nhiễm môi trường từ việc tiêu hủy thuốc lá.
Số tiền thu được từ việc tái xuất thuốc lá ngoại đối với các lực lượng chức năng nhiều hơn so với tiền hỗ trợ từ tiêu hủy thuốc lá ngoại. Nguồn kinh phí tái xuất thuốc lá ngoại nhập lậu để lại hỗ trợ phục vụ công tác chống buôn lậu như bổ sung chi phí hoạt động như kiểm tra; ngăn chặn buôn lậu; trang bị phương tiện và khen thưởng kịp thời nhằm động viên, khuyến khích tập thể, cá nhân lập nhiều thành tích trong công tác chống buôn lậu thuốc lá ngoại.