Cẩn trọng khi độ chế xe máy điện

(PLO)- Độ chế và sử dụng các loại sạc không chính hãng là nguyên nhân gây cháy xe máy điện và các xe này cũng sẽ không được bảo hành.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân cháy xe điện là do một số chủ xe đã độ chế để tăng phạm vi xe điện hoặc sử dụng dây sạc không đúng chuẩn của nhà sản xuất.

Tràn lan bộ sạc, pin không rõ nguồn gốc

Anh Đặng Phương, chủ một tiệm sửa xe máy tại quận Tân Bình, cho biết có nhiều loại dụng cụ nhằm tăng động cơ xe điện giúp xe điện có thể chạy nhanh, mạnh hơn.

“Chị có thể tìm thấy mức giá của các loại bình tăng công suất xe điện, động cơ tăng công suất hay IC tăng công suất xe điện với nhiều mức giá khác nhau. Tùy theo loại xe và nhãn hiệu có thể có mức giá từ 1,4 triệu đồng/bình” - anh Phương cho hay.

Anh Phương cũng cho biết thêm khi mua một bộ công suất mới, chủ xe cũng phải mua thêm bộ sạc kèm theo. Tuy nhiên, một số chủ xe tiết kiệm nên dùng các loại sạc cũ hoặc mua bộ sạc không rõ nguồn gốc với giá rẻ có khả năng quá tải và gây nguy hiểm.

Ông Đinh Đức Tuấn, Giám đốc Nhà máy sản xuất và lắp ráp xe điện EVGO, khẳng định các dòng xe máy điện, xe đạp điện hiện nay khó cháy hơn các dòng xe xăng.

Xe điện về công nghệ sẽ cao hơn so với xe xăng, việc cháy nổ trong hệ thống điện đã được tính toán và bảo đảm rất kỹ. Các hệ thống về điều khiển không thể xảy ra cháy. Đơn cử như để sản xuất một bộ pin chính hãng, các nhà sản xuất tính toán, thiết kế, kiểm định ở nhiều môi trường khác nhau rất kỹ.

“Để ra một thành phẩm pin xe máy điện, nhà sản xuất có thể bỏ ra chi phí 6-12 tỉ đồng bao gồm thiết kế để ra thành phẩm, quản lý từng viên pin, thử nghiệm cháy nổ… để ra mức an toàn cao nhất” - ông Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, có hai nguyên nhân gây cháy từ xe điện đó là khi người dùng thay các dòng pin trôi nổi hoặc các thợ độ chế bên ngoài thị trường, mua pin về và độ để có phạm vi xe chạy dài.

“Rất nhiều xe điện được độ chế lại, thay pin mới, thay bộ điều khiển… tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, không có đơn vị nào kiểm định độ an toàn của pin, không đánh giá được. Còn pin chính hãng khi quá nhiệt sẽ bị ngắt mạch điện ngay lúc đó” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Nguyên nhân thứ hai theo vị phó giám đốc phân tích là cháy nổ cũng có thể do bộ sạc. Các loại sạc trôi nổi rất nhiều, chỉ với giá từ 50.000 đến vài trăm ngàn đồng.

“Bộ sạc chuẩn sẽ có những thiết kế hệ thống bảo vệ có các linh kiện điện tử, phủ các chất chống ẩm, chống chập điện để bảo vệ, giảm nguy cơ cháy nổ. Còn các loại sạc rẻ tiền sẽ bỏ qua các lớp bảo vệ để giảm chi phí” - ông Tuấn nhấn mạnh.

p14-thay anh.jpg
Một trong những nguyên nhân cháy xe điện là do một số chủ xe đã độ chế để tăng phạm vi xe điện hoặc sử dụng dây sạc không đúng chuẩn của nhà sản xuất. Ảnh: HD

Giải pháp giảm cháy nổ từ xe điện

Ông Đinh Đức Tuấn cho rằng người sử dụng xe điện nên tuân theo định mức của nhà sản xuất để đến hạn bảo hành, bảo dưỡng. Hệ thống quản lý về pin cần được theo dõi thường xuyên, liên tục, nếu có vấn đề gì sẽ phải đi bảo hành, bảo dưỡng ngay và khi đó xe cũng không chạy được. Pin xe điện chuẩn sẽ dừng sạc ngay khi có vấn đề.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, khẳng định không nên quy kết sử dụng xe điện dễ gây cháy nổ, mà xe máy chạy xăng cũng có khả năng gây cháy là ngang nhau.

Vị PGS-TS này đưa ra giải pháp: Hiện nay các tầng hầm gửi xe, hay nhà trọ thường được thiết kế để sử dụng cho các thiết bị điện nhỏ. Khi cắm sạc điện cho xe máy điện có thể dẫn đến quá tải nguồn điện. Do đó, các địa điểm này có thể nâng cấp, cải tạo các đường dây điện, nguồn điện. Đối với một số chung cư, chủ chung cư cũng có thể nghiên cứu sử dụng thang máy để xe trên tầng thượng nên khi cháy sẽ cháy trên cao trước.

Độ chế xe sẽ không được bảo hành

Căn cứ theo quy định tại Điều 446 Bộ luật Dân sự năm 2015, bảo hành không phải là trách nhiệm bắt buộc phải thực hiện đối với tất cả doanh nghiệp.

Nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, quy định này được nêu rõ tại Điều 30 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, cụ thể sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện được bảo hành theo thỏa thuận của các bên hoặc bắt buộc bảo hành theo quy định của pháp luật.

trường hợp sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện được bảo hành, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm công bố công khai chính sách bảo hành. Từ cơ sở trên, nghĩa vụ bảo hành của bên bán do các bên thỏa thuận, tuy nhiên vẫn có một số trường hợp bên bán có nghĩa vụ bảo hành theo quy định của pháp luật.

Một số chính sách bảo hành xe điện phổ biến hiện nay được quy định như sau: Điều kiện bảo hành là các linh kiện, phụ tùng trong thời gian bảo hành phải còn nguyên tem bảo hành của nhà sản xuất. Không có dấu hiệu cạo sửa, tẩy xóa hay rách nát; không bảo hành trong những trường hợp như tự ý can thiệp, sửa chữa các thiết bị như bộ điều khiển, moteur, ắcquy... mà không được sự cho phép của hãng.

Từ những phân tích trên cho thấy trường hợp người mua tự ý thay đổi, sửa chữa kết cấu, linh kiện của xe cần được thỏa thuận và đồng thuận của người bán về trách nhiệm bảo hành.

Luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đồng thời, ngoài việc các chủ xe nên bảo hành, bảo dưỡng định kỳ thì không nên thay thế phụ tùng không chính hãng. Đặc biệt là không nên mua các loại xe điện rẻ tiền, không rõ nguồn gốc vì hệ thống quản lý pin có thể là nguyên nhân gây cháy. Cũng theo ông Dũng, khi sử dụng bộ sạc xe điện cũng cần phải dùng nguyên bộ, người dùng xe máy điện không nên “mượn” dây sạc của loại xe khác sử dụng cho xe của mình.

“Nhà sản xuất xe máy điện cũng có thể lắp hệ thống giải nhiệt cho pin, hệ thống tự động ngắt mạch điện khi pin nóng quá 45 độ giống như một số dòng ô tô điện hiện đại đang được trang bị” - vị PGS-TS này nói thêm.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm