Khó lường căng thẳng Mỹ - Trung

(PLO)- Các diễn biến leo thang căng thẳng Mỹ - Trung gây lo ngại, đặc biệt khi các kênh liên lạc quan trọng giữa hai bên, trong đó có kênh quân sự vẫn bị đóng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Căng thẳng Mỹ - Trung những ngày này chứng kiến nhiều diễn biến leo thang, gây quan ngại cho giới quan sát về nguy cơ xung đột, khi hai nước thời điểm này vẫn chưa nối lại các kênh liên lạc quan trọng.

Chạm trán ở eo biển Đài Loan, Biển Đông

Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore cuối tuần rồi, bộ trưởng Quốc phòng hai nước chẳng những không có cuộc gặp song phương mà còn chỉ trích nhau cực kỳ gay gắt, công khai cáo buộc nhau gây căng thẳng ở eo biển Đài Loan.

Ngày 4-6, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc (TQ) Lý Thượng Phúc cáo buộc “một số quốc gia” “tự ý can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác” và xây dựng “các liên minh quân sự độc quyền” ở châu Á - Thái Bình Dương.

Ảnh từ video hải quân Mỹ công bố và mô tả là “sự tương tác không an toàn” của tàu Trung Quốc với tàu Mỹ ở eo biển Đài Loan. Ảnh: US NAVY/AFP/GETTY IMAGES

Ảnh từ video hải quân Mỹ công bố và mô tả là “sự tương tác không an toàn” của tàu Trung Quốc với tàu Mỹ ở eo biển Đài Loan. Ảnh: US NAVY/AFP/GETTY IMAGES

Ngày trước đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết Washington sẽ không chấp nhận “sự ép buộc và bắt nạt” của TQ với các đồng minh và đối tác của mình, đồng thời cảnh báo quân đội TQ về các hành vi ngăn chặn “thiếu chuyên nghiệp” của máy bay chiến đấu trên Biển Đông.

Ông Austin đề cập cuộc chạm trán giữa máy bay quân sự TQ và Mỹ ở Biển Đông gần hai tuần trước đó mà phía Mỹ gọi là sự “gây hấn không cần thiết” của TQ. Một máy bay chiến đấu của TQ tiếp cận một máy bay giám sát RC-135 của không quân Mỹ ở khoảng cách chỉ vài chục mét.

Đến ngày 4-6, quân đội Mỹ công bố video quay cảnh một tàu khu trục Lữ Dương Type 052D của TQ cắt ngang đường đi của tàu khu trục Mỹ USS Chung-Hoon và tàu khu trục Canada HMCS Montreal đang tập trận ở eo biển Đài Loan, buộc tàu Mỹ phải giảm tốc độ để tránh va chạm. Phía Mỹ nói rằng cuộc tập trận giữa tàu USS Chung-Hoon với tàu HMCS Montreal “thể hiện cam kết chung giữa Mỹ và Canada đối với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Ngày 5-6, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby phản ứng gay gắt rằng Mỹ sẵn sàng đối phó với “mức độ hung hăng ngày càng tăng” của TQ ở eo biển Đài Loan và Biển Đông, theo báo Washington Post. Theo ông Kirby, ở cả hai sự cố thì máy bay và tàu Mỹ hoạt động trong không phận quốc tế và vùng biển quốc tế, tuân thủ đúng luật pháp quốc tế. Mỹ muốn làm rõ rằng động thái tiếp cận từ phía TQ ở “mức độ không thể chấp nhận”, không an toàn và thiếu chuyên nghiệp, có thể dẫn đến tính toán sai lầm.

Trong khi đó ngày 5-6 người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Vương Văn Bân tuyên bố rắn rằng Bắc Kinh “kiên quyết phản đối các nước liên quan gây rắc rối” ở eo biển Đài Loan và Mỹ là nước gây rắc rối trước. Theo tờ Financial Times, Bắc Kinh đã cảnh báo quân đội phương Tây tránh xa vùng biển và không phận gần biên giới của nước này nếu muốn tránh đụng độ nguy hiểm với quân đội TQ.

Quan hệ Mỹ - Trung đang ở giai đoạn căng thẳng mới và kéo dài về kinh tế, ngoại giao, công nghệ và quân sự. Quan hệ hai cường quốc xấu đi thì trật tự quốc tế sẽ ngày càng căng thẳng. Nếu không có sự phối hợp ở một mức độ nào đó giữa Mỹ và TQ thì việc giải quyết hiệu quả các vấn đề toàn cầu như an ninh lương thực, sức khỏe cộng đồng và biến đổi khí hậu sẽ trở nên khó khăn hơn đáng kể.

Viện Chính sách Brookkings (Mỹ)

Mỹ tiếp tục kêu gọi TQ đối thoại

Các sự cố chạm trán ở eo biển Đài Loan và Biển Đông đã giáng một đòn mạnh vào những nỗ lực gần đây nhằm xoa dịu bế tắc ngoại giao giữa Mỹ và TQ sau khi quân đội Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu mà Mỹ cho là khí cầu do thám của TQ hồi tháng 2. Sau các nỗ lực cứu vãn từ hai bên, tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói về khả năng “tan băng” trong quan hệ Mỹ - Trung. Tuy nhiên, với loạt diễn biến nghiêm trọng những ngày qua căng thẳng Mỹ - Trung lại nóng lên.

Những cuộc “áp sát” gần đây là diễn biến mới nhất trong xu hướng leo thang đáng báo động trong quan hệ hai nước. Những sự cố áp sát này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tiềm tàng tai nạn do đánh giá sai, có thể dẫn đến hành động quân sự nghiêm trọng giữa hai nước, đặc biệt trong thời điểm căng thẳng hai bên vốn đã lên cao. Không thể loại trừ nguy cơ này khi theo ông Kirby ngày 5-6 thì Mỹ sẽ duy trì hoạt động trong lãnh thổ quốc tế theo luật pháp.

Các kênh liên lạc quan trọng giữa hai bên vẫn bị đóng, sau sự việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan vào tháng 8 năm ngoái.

Theo Reuters, chính quyền Tổng thống Biden chủ trương và thúc đẩy tăng cường gắn kết với TQ trong bối cảnh quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xấu đi. Ông Kirby ngày 5-6 kêu gọi TQ hợp tác với các nỗ lực của Mỹ để khởi động lại các cuộc đàm phán quân sự. Tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Austin cũng cảnh báo rằng việc TQ miễn cưỡng đối thoại đã làm suy yếu các nỗ lực duy trì hòa bình trong khu vực. Trong khi đó phía TQ vẫn yêu cầu Mỹ phải có động thái sửa chữa sai lầm và bày tỏ thiện ý, trước khi TQ nối lại đối thoại.•

Mỹ nỗ lực cải thiện liên lạc với TQ

Ngày 5-6 tại Bắc Kinh, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink, Đại sứ Mỹ tại TQ Nicholas Burns, trợ lý đặc biệt cho tổng thống Mỹ và là Giám đốc cấp cao về các vấn đề TQ và Đài Loan tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Sarah Beran đã gặp phái đoàn Bộ Ngoại giao TQ do Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Triêu Húc dẫn đầu, theo Reuters.

Cuộc gặp là một phần trong nỗ lực nhằm tăng cường cam kết quản lý quan hệ hai nước. Tại cuộc gặp, các quan chức hai bên cũng nêu mối quan ngại về các sự cố chạm trán và thảo luận về các nỗ lực cải thiện thông tin liên lạc giữa Bắc Kinh và Washington.

Thông báo từ Bộ Ngoại giao TQ cho biết hai bên đã trao đổi quan điểm về quan hệ song phương, về eo biển Đài Loan và một số vấn đề khác và “cuộc thảo luận thẳng thắn và hiệu quả này là một phần trong những nỗ lực không ngừng nhằm duy trì các kênh liên lạc cởi mở và xây dựng dựa trên ngoại giao cấp cao gần đây giữa hai nước”.

Cuộc gặp này là một động thái tích cực được kỳ vọng có thể giúp làm dịu bớt quan hệ hai bên. Tuy nhiên, thực tế các diễn biến hiện tại dập tắt kỳ vọng đó và cho thấy quan hệ Mỹ - Trung vẫn rất khó lường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm